Sáng 28.9 tại TP.HCM, Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học văn học nghệ thuật TP.HCM - 30 năm đổi mới, với nhiều trăn trở và hiến kế của đội ngũ văn nghệ sĩ trước những thách thức, vận hội mới trong quá trình hội nhập.
Bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, băn khoăn: “Liệu văn học nghệ thuật (VHNT) TP đã phát triển tương xứng với nguồn lực to lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng cả nước hội tụ về đây hay chưa? Tại sao chúng ta chưa có nhiều tác phẩm đạt giá trị cao về nội dung và nghệ thuật, nhất là những tác phẩm phản ánh sâu sắc, sinh động hiện thực phát triển của TP và đất nước? Tại sao VHNT chỉ phát triển rực rỡ ở giai đoạn đầu đổi mới? Vì sao không có nhiều chân dung trẻ ở lĩnh vực VHNT đại diện cho đội ngũ kế thừa, mang tiếng nói, tư tưởng tiến bộ của thời đại mới?”.
“Những cái làng nhàng còn quá nhiều”
|
|
|
Lãnh đạo thời kỳ trước như chú Sáu Dân (Võ Văn Kiệt), Phạm Hùng… rất quan tâm đến vấn đề văn hóa và thường đi xem các vở diễn hay, lắng nghe ý kiến, đề xuất của văn nghệ sĩ để kịp thời tháo gỡ. Còn bây giờ người thưởng thức có trình độ cao, nhưng những cái làng nhàng trong văn hóa còn quá nhiều
|
|
|
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM
|
|
|
Nhà thơ Lê Tú Lệ, Phó chủ tịch thường trực Hội VHNT, mang đến hội thảo nỗi ưu tư: “Chủ trương xã hội hóa nhằm tạo sức đột phá nhưng hiện bộc lộ nhiều bất cập, thậm chí một số loại hình: kịch nói, âm nhạc, cải lương, hát bội, múa, điện ảnh đi vào bế tắc, không có hướng ra hoặc phát triển theo chiều hướng tiêu cực. Chúng tôi hay nói vui là “xã hội hóa một cách hoang dã” vì phát triển không có chiến lược và quy hoạch dẫn đến biến dạng, trở thành rào cản”. Một số ý kiến lại cho rằng, điện ảnh nước nhà đang hụt hơi trong cuộc đua với những bộ phim mới nhất của nước ngoài ở những cụm rạp hiện đại bởi không có cơ chế bảo hộ hữu hiệu đối với phim Việt. Mặt khác, câu chuyện phim trường đang ở đâu, đầu tư cho hậu kỳ như thế nào và kinh phí luôn là bài toán khá nan giải. Sự không chuyên nghiệp này gióng lên hồi chuông báo động sự sống còn của phim xã hội hóa trước sức ép hội nhập quốc tế.
Gắn bó máu thịt với sân khấu, đạo diễn Trần Minh Ngọc không an tâm khi kịch kinh dị lại hút khách. “Người xem cảm thấy thú vị khi được sợ hãi, giật mình, hú hét trước cảnh ghê rợn, nhất là những cảnh bạo lực đâm chém đã làm chất lượng nghệ thuật giảm đi, chất lượng giải trí tăng lên và thế là sân khấu xuống cấp dần”, ông nói.
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, kể chuyện thực tế: “Tôi thấy lãnh đạo thời kỳ trước như chú Sáu Dân (Võ Văn Kiệt), Phạm Hùng… rất quan tâm đến vấn đề văn hóa và thường đi xem các vở diễn hay, lắng nghe ý kiến, đề xuất của văn nghệ sĩ để kịp thời tháo gỡ. Còn bây giờ người thưởng thức có trình độ cao, nhưng những cái làng nhàng trong văn hóa còn quá nhiều”.
Cần tập trung đầu tư cho văn hóa
|
|
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng sự thiếu mặn mà của trẻ em với văn học, khách quan cũng có một phần nguyên nhân từ phía nhà văn. “Nhiều cuốn sách như Năm đêm của bé Su (Nguyễn Thị Minh Ngọc), Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Nguyễn Ngọc Thuần)... dù nhận giải thưởng cao nhưng lại kén bạn đọc. Trong khi đó, bao người phải ngậm ngùi khi nghe câu hỏi chưa có lời đáp của nhà văn Bảo Ninh về tác giả Kính vạn hoa: Nói dại mồm chứ thằng Ánh (nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - NV) mà chết thì nước Nam này còn ai viết sách cho bọn trẻ không nhỉ?”, PGS-TS Bùi Thanh Truyền (ĐH Sư phạm TP.HCM) nhận định.
|
|
|
Cần “tự cứu mình trước khi trời cứu”, nhà báo Dương Thị Liên Chi ghi nhận nỗ lực của nhiều nghệ sĩ tâm huyết với cải lương TP.HCM bằng việc thành lập các đoàn cải lương xung kích phục vụ ngoại thành, đưa khán giả vùng nông thôn về TP coi cải lương; tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật hấp dẫn:
Những dấu ấn không phai, Làn điệu phương Nam, Thắp sáng niềm tin, Vầng trăng cổ nhạc, Chuông vàng vọng cổ, Sao nối ngôi, Đường đến danh ca vọng cổ... góp phần “hâm nóng” tình yêu nghệ thuật cải lương, tạo cơ hội phát hiện và bồi dưỡng nhiều giọng ca trẻ để có lực lượng kế thừa.
Nhà văn Bích Ngân đánh giá cao sự nâng đỡ các tài năng văn học của hai tờ báo có số lượng phát hành cao là Thanh Niên và Tuổi Trẻ lâu nay luôn ưu ái dành “đất” đăng hàng ngàn sáng tác mới, sau đó in thành sách và tập hợp được đội ngũ hùng hậu những nhà văn, nhà thơ tên tuổi: Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Nguyễn Mạnh Tuấn, Bùi Anh Tấn, Phan Thị Vàng Anh, Đoàn Thạch Biền, Lê Minh Quốc, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Trần Thanh Hà, Dương Thụy… Tuy nhiên, để VHNT thực sự đổi mới, theo nhà văn Bích Ngân: “Cần có tiêu chí và cơ chế làm việc khoa học nhằm bảo đảm tính khách quan khi đánh giá, lựa chọn, bình xét và trao tặng giải thưởng”. Còn bà Phạm Phương Thảo kiến nghị cần xây dựng những quỹ đầu tư văn hóa để tạo động lực cho văn nghệ sĩ cống hiến và bứt phá.
Tuy nhiên, văn nghệ sĩ có dấn thân và làm hết sức mình mà thiếu sự phối hợp của cơ quan quản lý thì cũng... bó tay. Họa sĩ Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, dẫn chứng việc hai lần tổ chức Trại sáng tác điêu khắc, có cả người nước ngoài tham gia, hứa hẹn với người ta đủ thứ rồi… xù. “Tôi đề nghị Sở VH-TT TP.HCM nên xem lại trách nhiệm của mình đối với ngành”, ông Mười bức xúc.
“Văn nghệ sĩ cần phải biết dấn thân. Nếu chúng ta không rung động trước những chuyển biến, đổi thay của xã hội, của nhân dân thì khó có tác phẩm đúng nghĩa. Nếu lập trường không vững vàng, không đủ sự mẫn cảm, tinh tế để nhìn sâu hơn bề mặt hiện thực cuộc sống thì cũng khó có những tác phẩm mang tính định hướng, đi trước thời đại. Chỉ có sáng tạo bằng khát vọng cao cả thì tác phẩm VHNT mới có được tầm vóc lớn lao”, bà Thân Thị Thư khẳng định.
Bình luận (0)