Xuất hiện trước chúng tôi là người đàn ông tầm thước, quần jeans, mũ lưỡi trai, áo khoác sọc có mũ, phong cách rất bụi, khác hẳn cách ăn mặc trang trọng thường thấy của trí thức ở Tokyo. Takahashi Genichiro vừa rời khỏi một cuộc trò chuyện trên ti vi với cách ăn mặc như thế. Niềm nở, hài hước, khác hẳn những gì được nghe về ông: rất khó tính, ông vui vẻ mở lời:
- Tôi là nhà văn viết tiểu thuyết, đồng thời cũng nghiên cứu văn học Nhật Bản. Tôi xuất hiện năm 1981, Murakami sớm hơn hai năm, còn Banana thì sau mấy năm. Ngay khi hai nhà văn này chưa được biết tới, chưa được đánh giá cao, tôi đã tìm thấy ở họ những điều đồng cảm. Từ cuối thập niên 1970 đến đầu thập niên 1980, văn học Nhật Bản có khuynh hướng tách nhóm cho dù mỗi người vẫn có hướng đi riêng, với điểm chung là, phủ định những gì của văn học Nhật Bản trước đó. Vì điều này, tôi và những nhà văn xuất hiện cùng thời đã bị phê phán kịch liệt: lai Mỹ, quá đồng cảm với chủ nghĩa tư bản, có yếu tố đương đại nhưng lại tránh những đề tài đương đại quan trọng, văn chương không đẹp như văn học Nhật Bản trước đây. Những người phê phán cho rằng chúng tôi đã đoạn tuyệt với những nhà văn duy mỹ của Nhật Bản, ít học hỏi và thiếu quý trọng nền văn học trước đó.
* Về phía ông và những người cùng nhóm, vì sao lại chọn hướng đi đó?
- Chúng tôi cho rằng những suy nghĩ và văn chương trước đó đều không thực, do đó, chúng tôi đi tìm cái thực và viết về cái thực. Murakami hay trích dẫn văn học Mỹ, Banana chịu ảnh hưởng không phải của văn học Nhật Bản mà là Manga. Còn tôi đưa vào tác phẩm của mình cả văn học Mỹ và châu u, cả Manga và yếu tố văn hóa - phụ (subculture).
* Có phải vì thị hiếu của độc giả?
- Đó không phải do ý thức, mà mọi người tự làm nhưng nhìn chung lại có cùng khuynh hướng như vậy. Vì thế, tác phẩm của chúng tôi nhận ít lời khen mà chịu nhiều phê phán. Có người cho đó không phải văn xuôi mà là trường ca. Nhưng dù bị chê thì độc giả trẻ vẫn ủng hộ chúng tôi.
* Sự chia nhóm này đã đưa văn học Nhật Bản đến đâu?
- Văn học Nhật Bản phân hóa vì hai bên đều không thể hiểu nhau. Các nhà văn lớp trước cho rằng tiểu thuyết là một nghệ thuật ngôn từ vĩ đại hơn hẳn những nghệ thuật khác, các nhà văn trẻ lại nghĩ văn học không hề vĩ đại hơn mà chỉ như những nghệ thuật khác. Vì điều này, tôi đã bị quở mắng bởi các bậc văn hào: Tại sao lại đưa yếu tố Manga vào tiểu thuyết? Thế nhưng 30 năm sau, Nhật Bản lại hãnh diện nhiều nhất về Manga và Anime, trong khi tiểu thuyết Nhật không xuất khẩu được. Manga và Anime đã đến với thế giới như một đồng tiền chung toàn cầu, vượt qua biên giới và ngôn ngữ. Những nhà văn xuất hiện thập niên 1980 tuy không tuyên bố nhưng cho rằng, trên thế giới nếu ai thích đọc thì văn chương của họ sẽ đến.
Từ thập niên 1980, văn học Nhật Bản không còn loại văn học nào gọi là chính thống hay không chính thống. Ai tự nghĩ điều gì thì cứ viết ra, tiểu thuyết xuất hiện một cách tự do. Một tình trạng hoàn toàn tự do cho đến ngày nay. Tôi là một trong những nhà văn của thế hệ này và tôi nghĩ mình đã làm tốt.
* Còn tác phẩm ưng ý nhất của ông?
- Đó là Sayonara, Gangsters - mang một định hướng cho văn học Nhật Bản và có tính khách quan về cách nhìn lịch sử Nhật Bản. Hai mươi năm rồi cũng không có tác phẩm nào trội hơn. Nói chung những tác phẩm xuất hiện thập niên 1980 mang những yếu tố văn hóa - phụ với đề tài chính trị được ẩn đi. Chiến tranh Việt Nam đã gây ra phong trào phản chiến khắp thế giới và tất nhiên cả ở Nhật. Cả tôi và Murakami đều là sinh viên trong phong trào đó. Những nhà văn khác tất sẽ viết trực tiếp vào tác phẩm điều đó, còn chúng tôi thì không, chúng tôi tránh đi. Đọc tác phẩm sẽ thấy tác giả từng có mặt trong phong trào nhưng không có bằng chứng gì cho điều đó.
* Vì sao các ông lại làm thế?
- Viết về chính trị là cách mà những nhà văn lớp trước đã làm. Nhưng viết trực tiếp như thế không thể hiện rõ được cái tôi của mình nên phải tìm cách khác. Những nhà văn lớp trước nghĩ rằng điều họ muốn họ sẽ viết được. Thế hệ tôi lại nghĩ rằng có những đề tài có viết cũng không thể hiện được, ví dụ chính trị. Đặc trưng những tác phẩm xuất hiện thập niên 1980 (tại Nhật) là phi chính trị.
* Nguyên nhân trực tiếp của suy nghĩ này?
- Năm 1972 xảy ra sự kiện nhóm cực đoan trong phong trào chống chính quyền thanh trừng lẫn nhau. Từ đó phong trào bị tiêu diệt cho đến tận ngày nay. Mỗi người trong phong trào đều chịu một vết thương vì điều này. Và từ đó chúng tôi xa dần chủ đề chính trị mà đưa văn hóa - phụ vào tác phẩm, chỉ nói chuyện đời thường và những cảm xúc của mình. Nhưng khoảng mười năm nay lại xuất hiện những nhà văn viết về đề tài chính trị và những chuyện nghiêm trọng.
* Ông đánh giá thế nào về văn học đương đại Nhật Bản?
- Trong xã hội đã phát triển như Nhật Bản thì viết thế nào để thể nghiệm là rất lúng túng. Vì thế văn học đương đại Nhật không có những tác phẩm lớn. Ba mươi năm nay, tôi đọc hầu hết tác giả văn học Nhật Bản từ xưa đến nay, và tôi thấy, văn học Nhật Bản chắc sẽ đi trước so với các nước. Có người cho rằng tiểu thuyết Nhật đã hết, văn học Nhật Bản đã mạt. Tôi nghĩ nếu đúng thế cũng sẽ không có tương lai cho văn học thế giới. Nhưng văn học là một động vật rất lạ lùng. Khi bị đẩy vào đường cùng, nó sẽ thay hình đổi dạng để có thể tiếp tục sống. Khi cho rằng văn học không có tương lai tức là văn học đang tìm cách thay đổi để sống còn. Cả thế giới hiện nay đang đối phó với khủng hoảng chứng khoán. Chúng ta cũng nên xem văn học đang ở đường cùng và vì thế phải tìm cách thoát ra.
* Như một nhà văn và nhà phê bình, ông sẽ nói gì về Murakami?
- Có một kỷ niệm. Khi tôi viết quyển Sayonara, Gangsters tôi nghĩ nó sẽ để đời. Tôi đi vào hiệu sách để đọc tạp chí, và lần đầu thấy tác phẩm của Murakami. Lúc đó chưa ai biết đến Murakami. Tôi đọc trang đầu, bị sốc, không ngờ có một người đã đi trước, làm điều mà tôi muốn làm. Điều mà tôi định bỏ thì có người đã không bỏ và đã đi tiếp. Murakami ý thức viết để toàn cầu hóa trong khi ý định của tôi hẹp hơn. Murakami chấp nhận bị hiểu sai, miễn sao được phổ biến rộng, đó là cảm giác ưu tư của một người sống trong chủ nghĩa tư bản. Trong khi tôi muốn rũ bỏ cảm giác này thì Murakami lại khẳng định nó. Đặc trưng của Murakami là, cảm xúc ưu tư của người sống trong chủ nghĩa tư bản là hay và cần được khẳng định. Murakami đã khai phá một cách tự tin và đã có được sự ủng hộ trên thế giới. Ngay từ năm 1981 tôi đã cảm nhận được điều này. Nhưng tôi lại không tán thành việc khẳng định cảm xúc này của Murakami, tôi nghĩ tôi cần phải rũ bỏ cảm xúc ấy. Thái độ của tôi trước sau là như vậy.
* Nhà văn tài năng nhất văn học Nhật Bản đương đại theo ý ông?
- Maijo Otaro, đặc biệt tiểu thuyết Ashura Girl của cậu ấy tuyệt vời.
Tiểu thuyết đầu tiên của Takahashi - Sayonara, Gangsters - ấn hành năm 1982 và nhận giải Gunzo Literary dành cho tác phẩm đầu tay. Tác phẩm thu hút sự quan tâm của các nhà phê bình như là một cột mốc quan trọng cho văn học Nhật Bản sau chiến tranh. Tác phẩm đã được dịch sang tiếng Anh, Ý, Bồ Đào Nha... Tiếp đó, tác phẩm Japanese Baseball: Elegant and Sentimental được giải Mishima Yukio năm 1988, và The Rise and Fall of Japanese Literature nhận giải Ito Sei Literature. Những tác phẩm khác của ông là Sunset in Penguin Village - 1989, The Secret of Planet 13 - 1990, Ghostbusters - 1997… Takahashi còn là một cây bút tiểu luận nổi tiếng, tham gia luận chiến về đủ loại đề tài, từ hội chứng văn học cho đến đua ngựa. Tác phẩm của ông trong lĩnh vực này là Maybe-It’s-Not-Literature Syndrome. Từ tháng 4.2005, Takahashi Genichiro là Giáo sư khoa Quốc tế ĐH Meiji Gakuin. Hai người vợ trước của ông - bà Tanikawa Naoko và bà Muroi Yuzuki - cũng đều là nhà văn. |
Ngô Thị Kim Cúc (thực hiện)
Bình luận (0)