Tối 24.5, Văn Mai Hương phát hành sản phẩm âm nhạc mới mang tên Mưa tháng sáu trên kênh YouTube cá nhân, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả. Sau thành công của bản ballad buồn Một ngàn nỗi đau, Mưa tháng sáu đánh dấu sự trở lại đường đua âm nhạc của nữ ca sĩ sau gần một năm.
Một sản phẩm đẹp, chỉn chu nhưng không bứt phá
Tuy nhiên, Mưa tháng sáu không phải một sản phẩm comeback quá hoành tráng, đủ sức công phá để tạo tiếng vang lớn. Mọi thứ ở Mưa tháng sáu nằm ở mức chỉn chu, dung dị và đẹp về cả phần âm nhạc lẫn hình ảnh. Có lẽ, đây là định hướng riêng cho một dự án dài hơi của Văn Mai Hương, len lỏi và ăn sâu vào đời sống âm nhạc công chúng, chứ không phải những cú hit lớn gây chấn động.
Về phần âm nhạc, Mưa tháng sáu được sản xuất bởi Hứa Kim Tuyền, người được xem là hiểu rõ thị trường, khán giả trẻ và có khả năng tạo hit hiện nay. Bởi vậy, không thể hoài nghi rằng, Mưa tháng sáu chắc chắn sẽ trở thành ca khúc ăn khách. Mưa tháng sáu vẫn tiếp nối mạch ballad chủ đạo, vốn là thế mạnh của Văn Mai Hương trước giờ, không đột phá hay có nhiều sự lột xác, sáng tạo mới mẻ. Hòa âm của ca khúc không mới, chịu ảnh hưởng từ âm nhạc cũ đầu thập niên 2000, ít vòng hợp âm, các nhạc cụ và giai điệu khá đơn giản, dễ đoán bắt.
Tuy nhiên, ca khúc có pha thêm một chút lofi để bắt trend và phù hợp với thị hiếu giới trẻ hơn. Phần slow rap của Grey D khá thú vị, giúp ca khúc trở nên tươi mới, hiện đại hơn. Đặc biệt, sự xuất hiện nhỏ của Trung Quân Idol tạo ra không khí sinh động. Nhờ đó, Văn Mai Hương đã có được một sản phẩm khá bắt tai, dễ nghe nhưng không kém phần lôi cuốn, tạo nên không khí nhạc rất "chill", đúng với tinh thần giới trẻ.
Thực tế, trên thế giới vẫn có những bài hát được sáng tác với giai điệu đơn điệu, hợp âm đơn giản (như Falling của Alicia Keys), nhưng nhờ cách hát soulful và bản phối tăng dần nên cùng một nốt vẫn được diễn đạt nhiều cách khác nhau, giúp bài hát đó sinh động hơn. Ở trường hợp của Mưa tháng sáu, từ bản phối tới phần thể hiện vocal đều khá bình lặng. Tất nhiên, đây có thể là một ý đồ riêng của Văn Mai Hương và ê kíp, biến mọi thứ tĩnh lặng như một dòng chảy của ký ức.
Đánh giá chung về con đường nghệ thuật, đây vẫn là dấu bằng của Văn Mai Hương, không thụt lùi nhưng cũng không bứt phá, nói cách khác là khá an toàn. Về giọng hát, Văn Mai Hương vẫn phát huy được thế mạnh của giọng light lirico soprano, với lối hát thủ thỉ, mềm mại qua những đoạn nhả chữ airy voice khá ấm áp, dễ chịu. Nữ ca sĩ không sử dụng một nốt cao nào từ đầu tới cuối. Thay vào đó, cô chỉ chuyển giọng thật nhẹ sang falsetto để làm mềm câu hát rồi nhảy nhịp một cách linh hoạt, nhẹ nhàng. Có những đoạn, Văn Mai Hương hát nguyên một câu trên falsetto quãng 5, nhưng nhờ pha chút airy voice nên vẫn dễ chịu, không chua chói.
Có thể thấy, trong lứa ca sĩ đi theo hướng vocalist, Văn Mai Hương có sự tiết chế rất tốt và tôn trọng ca khúc, bản phối, đặt cao cảm xúc cũng như hiểu rõ đối tượng khán giả mình hướng đến. Cô bỏ nhỏ khá tinh tế, mượt mà và chất chứa nhiều xúc cảm, không bị sa đà vào phô diễn kỹ thuật, quãng cao. Tất cả những thế mạnh này được thể hiện rõ qua Mưa tháng sáu.
MV retro điện ảnh Hồng Kông thập niên 1980-1990
Dễ dàng nhận thấy, phong cách chủ đạo của MV là retro lại điện ảnh Hồng Kông thập niên 1980-1990. Chất liệu này không mới và được rất nhiều nghệ sĩ cũng như giới trẻ thực hiện, nhưng chưa bao giờ lỗi mốt.
MV Mưa tháng sáu retro lại những góc quay, màu sắc và bố cục được gợi cảm hứng từ các thước phim kinh điển của Vương Gia Vệ, khiến người xem được chìm đắm trong ký ức quá khứ về năm tháng tuổi trẻ ngây ngô, hoang dại và thuần khiết. Những năm tháng không thể tìm lại được ấy gợi lên cảm giác buồn nhẹ như dòng chảy của chính MV và ca khúc Mưa tháng sáu. Tất cả hòa quyện vào nhau, tạo nên cơn mơ buồn nhưng đẹp và thi vị.
Màu sắc chủ đạo trong MV cũng mang đầy hàm ý, dùng để bộc lộ nội tâm nhân vật. Dù nhân vật luôn tỏ ra bình thản, nhưng từng khuôn hình lại sử dụng sắc đỏ rất mạnh như để minh họa cho cái gọi là "tâm trạng khi yêu". Những gam màu lạnh và nóng đơn điệu đan xen nhau để thể hiện tâm trạng ca khúc, chứ không đơn giản là retro lại kiểu màu sắc kinh điển trong các thước phim xưa.
Màu nóng tượng trưng cho tình yêu bùng cháy, mê đắm, mãnh liệt và đầy xúc cảm, xuất hiện trong những cảnh ký ức, nơi mà nữ ca sĩ cùng người yêu vui đùa, âu yếm. Màu lạnh là hiện tại với nỗi buồn vô định, cô độc đến tái người, khi Văn Mai Hương chỉ còn lại một mình, nhìn lên bầu trời rộng lớn nhưng chơi vơi.
Tuy nhiên, việc retro quá mạnh khiến MV trở nên hơi "nhạt", không có bất cứ điểm mới mẻ, sáng tạo nào. Thậm chí, một số khán giả còn đánh giá không cao MV do có nhiều chi tiết góp nhặt, lấy từ một số phim điện ảnh Hồng Kông như In the mood for love, Người tình…
Tóm lại, Mưa tháng sáu không quá cầu kỳ hay đột phá nhưng đã chạm được tới cảm xúc khán giả (từ âm nhạc tới MV) và khá thích hợp để "chill". Dù không bứt phá, nhưng không thể phủ nhận, Văn Mai Hương đang có những bước đi vững chắc trên con đường âm nhạc, khi tỏ ra hiểu khán giả, thị trường.
Văn Mai Hương bật khóc, Hứa Kim Tuyền phủ nhận chuyện đạo nhạc
Bình luận (0)