Đến dự có họa sĩ Lê Kinh Tài, họa sĩ Hà Hùng, nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, nhà thơ Trần Hoàng Nhân… và giới truyền thông. Tại buổi lễ cũng trưng bày một số tranh của Bùi Xuân Phái, Lưu Công Nhân, Lê Kinh Tài… thuộc bộ sưu tập của Lê Thái Sơn.
Các họa sĩ, bạn bè thân thiết của nhà sưu tập đã chia sẻ những kỷ niệm gắn bó với ông. Theo họa sĩ Lê Kinh Tài: “Lê Thái Sơn là người sưu tập tranh rất có trách nhiệm. Anh đã bỏ rất nhiều tiền và công sức tìm hiểu về mỗi bức tranh, mỗi họa sĩ mà anh muốn sưu tầm. Mỗi khi tìm được bức tranh ưng ý, anh đều dẫn tôi đi xem, kể lại vach vách lai lịch tiểu sử của họa sĩ vẽ bức tranh đó. Anh sưu tập có ý thức, theo lớp lang, có vốn kiến thức về mỹ thuật rất phong phú nhờ tinh thần tự học hỏi, tự tìm tòi”.
Họa sĩ Lê Kinh Tài cũng cho biết bộ sưu tập tranh của Lê Thái Sơn rất có giá trị với bộ ký họa chiến tranh (đặc biệt có nhiều tác phẩm trực họa ngay tại chiến trường); bộ tranh của các họa sĩ miền Nam, trong thời đoạn từ 1913-1955…
Họa sĩ Hà Hùng cũng cho rằng cái nhìn về mỹ thuật của nhà sưu tập Lê Thái Sơn rất khác biệt. Ông mua tranh khi xúc động trước nó, bất kể họa sĩ đó có tên tuổi hay chưa, khiến nhiều họa sĩ tự tin tiếp tục cầm bút vẽ.
Nhà sưu tập Lê Thái Sơn (7.4.1968 - 26.7.2012), thuộc thế hệ thứ 4 của giới sưu tập Việt Nam tốt nghiệp đại học chuyên ngành Hóa, là một doanh nhân thành đạt. Trong suốt 15 năm sưu tập tranh, ông luôn được nhiều họa sĩ và bạn bè yêu quý bởi là một nhà sưu tập có tiêu chí và uy tín. Bộ sưu tập tranh của ông quy tụ tác phẩm tới 100 họa sĩ Việt Nam như: Trần Văn Cẩn, Nguyễn Hiêm, Nguyễn Đức Nùng, Tạ Thúc Bình, Mai Văn Hiến, Nguyễn Kao Thương, Hoàng Trầm, Văn Tâm, Đỗ Đình Hiệp…
Lê Thái Sơn cũng nghiên cứu, vẽ biểu đồ, lịch sử chiến tranh bằng đồ họa. Ước nguyện và tâm huyết của ông lúc còn sinh thời là ngăn cản sự thất thoát các tác phẩm hội họa nghệ thuật của Việt Nam bị bán ra nước ngoài.
Bình luận (0)