Vẫn như cũ!

01/06/2012 03:51 GMT+7

Năm năm trước, Báo Thanh Niên từng phản ánh về sự “ì ạch” của ngành du lịch Lâm Đồng khi hàng loạt các khu, điểm du lịch (trong đó có nhiều danh thắng cấp quốc gia) không được đầu tư, tôn tạo nhưng lại khai thác theo kiểu “bóc lột” (bài Thê thảm danh thắng ở Lâm Đồng).

Lúc bấy giờ, Sở VH-TT-DL Lâm Đồng cũng đánh giá, do chỉ tập trung khai thác mà không quan tâm đầu tư nên nhiều khu điểm du lịch xuống cấp, không thu hút du khách gây ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của ngành du lịch tỉnh nhà. Rõ ràng, cơ quan chức năng đã biết và biết rất rõ về vấn đề này. Ở các cuộc họp của tỉnh, của ngành trong những năm qua có liên quan về việc phát triển du lịch bao giờ cũng có đánh giá chung: “Ngành du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng…”.

Thế rồi nay, trong báo cáo mới nhất (ngày 29.5) của Sở VH-TT-DL Lâm Đồng, chuyện của 5 năm trước, bây giờ cũng lặp lại. Vẫn là những câu đại khái như xưa: các đơn vị chưa quan tâm đến công tác đầu tư, tôn tạo; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lắp; cảnh quan môi trường xuống cấp; các khu, điểm du lịch chưa xây dựng quy hoạch tổng thể…

Còn nhớ cách đây 5 năm, một lãnh đạo Sở này còn cho biết: sẽ kiểm tra, nếu nhà đầu tư nào không triển khai hoặc không đủ điều kiện thì bị đề xuất thu hồi… Không biết đã thu hồi bao nhiêu mà 5 năm trước có 31 khu, điểm du lịch thì bây giờ tăng lên 34. Dù số khu điểm này tăng lên, nhưng chất lượng đầu tư tốt thì chỉ được một số ít đơn vị đếm trên đầu ngón tay. Ngành du lịch thì bị ảnh hưởng chung, chỉ tội cho hàng triệu lượt du khách mỗi năm đến địa phương này phải bỏ tiền mua vé vào cổng để “hưởng” những sản phẩm đơn điệu, trùng lắp ấy.

Việc biết mà cũng đành “bó tay” ấy còn thể hiện cụ thể ở những di tích quốc gia bị xâm hại nhiều năm mà cũng chưa cách nào “cứu chữa” hữu hiệu. Di tích thác Gougah và thác Pongour (huyện Đức Trọng) lại bị thủy điện Đại Ninh gây hại khiến một thác thì ngập nước vào mùa mưa, một thác thì kiệt nước vào mùa khô đều đặn hằng năm. Ở TP.Đà Lạt, dưới lòng đất Thung lũng Tình Yêu thì bị đào “địa đạo”; đến hẹn lại lên, hồ Xuân Hương “ngộ độc” tảo lam bốc mùi hôi thối; thác Cam Ly, hồ Than Thở thì cũng trường kỳ chịu ô nhiễm… Nguyên nhân thì thuộc dạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng giải quyết thì vẫn đang loay hoay… Không biết đến bao giờ…

Gia Bình

>> San ủi di tích quốc gia để... trồng keo!
>> Tôn tạo di tích quốc gia đã “biến” thành rừng cao su
>> Mộc mạc làng cổ Đường Lâm
>> Phải đối xử thế nào với di sản văn hóa ? 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.