Vẫn nhức nhối nạn 'bom gas'

Chí Hiếu
Chí Hiếu
05/05/2018 08:28 GMT+7

Câu chuyện cưa tai, mài vỏ bình gas ngày càng diễn biến tinh vi, khó lường hơn, khiến cả cơ quan quản lý kinh doanh, quản lý thị trường lẫn doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng đều 'kêu'.

“Mài bom”
Trong một báo cáo gửi Bộ Công thương về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh khí hóa lỏng (LPG, gas), Hiệp hội Gas VN đã bày tỏ sự sốt ruột trước nạn chiếm dụng bình gas để cưa tai, mài bình, sang chiết gas trái phép.
Theo cơ quan này, dù đã có chỉ thị của Bộ trưởng Công thương về tăng cường xử lý song vấn đề nổi cộm thời gian qua là tình trạng thu gom, chiếm dụng bình gas của nhau, thậm chí có đơn vị đã mài chữ nổi trên vỏ bình của hãng khác, cắt tai, mài vỏ, thay đổi kết cấu, logo để biến thành bình gas của mình, tung ra thị trường. Đây là mầm mống gây ra những vụ tai nạn, cháy nổ.
Ông Nguyễn Lộc An, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), thừa nhận tình trạng trên gây mất an toàn, ảnh hưởng đến tính mạng người tiêu dùng và có chiều hướng phức tạp, nghiêm trọng, tinh vi hơn. Đáng chú ý nhất phải kể đến vụ việc vi phạm của Công ty Phúc Khang (Hòa Bình) khiến Cục trưởng Cục Quản lý thị trường hồi đầu năm nay đã bị Bộ trưởng Công thương phê bình vì có dấu hiệu nương nhẹ vi phạm.
Tại TP.HCM, theo ông Dương Thanh Hoàng, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, các bình gas bị chiếm dụng thường được chở đến những cơ sở ở những khu vực giáp ranh với Bình Dương, Tây Ninh, Long An để chiết nạp, sau đó đưa về thành phố để tiêu thụ.
Việc chiếm dụng vỏ bình, sau đó đóng dập lại số seri, sơn hoặc dán logo biến thành nhãn mác của hãng khác đã làm thay đổi kết cấu, khiến sức chịu áp lực của vỏ bình gas giảm, có nguy cơ biến thành những quả bom có sức công phá lớn. Địa chỉ mà những bình gas bị cưa tai, mài vỏ thường tìm đến là những nơi có nhiều khu công nghiệp, chế xuất, tập trung đông lao động nhập cư, có đời sống kinh tế tương đối khó khăn.
Cần gắn chặt trách nhiệm đại lý
Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường, từ tháng 10.2017 đến nay, cả nước đã kiểm tra 2.359 vụ, xử lý 643 vụ, thu giữ 1.781 bình gas và vỏ bình gas, 15.546 bình gas mini, xử phạt vi phạm hành chính hơn 4 tỉ đồng, đình chỉ hoạt động 10 cửa hàng. Riêng tại TP.HCM, trong thời gian này đã kiểm tra 111 vụ thì số vụ không vi phạm chưa đến 10%. Còn lại 84 vụ bị xử phạt với số tiền hơn 600 triệu đồng, tạm giữ gần 2.600 bình gas mini và 1.200 vỏ bình gas mini cùng hàng trăm bình gas, vỏ bình gas loại 12 kg.
Tuy nhiên, con số bình gas, vỏ bình gas bị thu giữ chỉ là một phần nhỏ so với số vi phạm. “Còn việc xử lý hình sự với khí hóa lỏng, mặc dù rất nguy hiểm đến tính mạng nếu cháy nổ nhưng căn cứ “dấu hiệu tội phạm” hoặc điều kiện “gây hậu quả nghiêm trọng” thì rất khó”, ông Hoàng nói.
Hiệp hội Gas cũng cho biết, cùng là phát hiện một đại lý sang chiết trái phép, chiếm dụng vỏ, bình của doanh nghiệp khác nhưng cách xử lý của các lực lượng chức năng thì rất khác nhau. Hiệp hội đề nghị cần có hướng dẫn, xử lý thống nhất để chấn chỉnh tình trạng này.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Lộc An, bản chất hoạt động phân phối bình gas là bán phần gas được nạp và bình vẫn thuộc sở hữu của thương nhân đầu mối. Do đó, khi nhận bình gas, các đại lý có trách nhiệm quản lý và giao lại bình cho thương nhân đầu mối. “Cần quy định cụ thể trách nhiệm với loại hình thương nhân này (đại lý) thì sẽ giảm nguy cơ thất thoát bình gas”, ông An bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.