Văn sĩ trên cao nguyên đá

12/12/2009 10:27 GMT+7

(TNTT>) Trẻ và “duyên” đến mức, ra đường các em chỉ gọi bằng “anh”, và bản thân lão già ngoại 60 này cũng tự tin, “nếu thích, tớ vẫn còn vơ được ối cô đấy”. Đó là Nguyễn Quang, một người kiêm ba “nhà”: nhà văn, nhà thơ và nhà báo ở cao nguyên đá Hà Giang.

Thế nên, nhìn qua chắc chẳng ai tin được nếu biết tận cùng gia cảnh lão bây giờ: không vợ, không nhà và không tiền. Bù lại, “gia tài” của lão là một sức viết khủng khiếp; một chiếc xe máy to nhất tỉnh cùng chuỗi ngày dài rong ruổi bất tận trên cánh đồng văn chương, làm báo. “Khủng hoảng” hơn, lão đang sống và làm việc quên mình để chiến đấu với căn bệnh ung thư phổi quái ác. Và hình như, lão đang thắng...

Không có mùa thơ

30 Tết năm Mậu Tý, Nguyễn Quang nhả khói thuốc trong căn phòng chật hẹp ở thị xã Hà Giang sáng tác nốt bài thơ cuối cùng trong  năm, lúc đó, căn bệnh ung thư phổi đang “phát”, hiểm nguy cận kề. Thế mà lão còn tâm tư:

“Ta đi từ Bắc vô Nam
Cuối năm nhìn lại xuân sang bao giờ
Ngẩn ngơ văn, ngẩn ngơ thơ
Cuộc tình duyên cứ hững hờ gửi trao”

Không có mùa thơ! Vâng. Xuân qua hạ đến còn theo mùa. Huống hồ là thơ với văn, không phải cái thứ lúc nào cũng “rặn” được, mùa nào cũng sáng tác được, một vài câu đã khó huống hồ cả bài. Nguyễn Quang chơi khác người! Thơ, lão làm luôn một lèo, mỗi ngày một bài: 365 ngày trong năm Mậu Tý làm đủ 365 bài, viết từ mồng một cho đến ba mươi Tết. Đem tập bản thảo lên “chỗ sang trọng” là nhà xuất bản Hội nhà văn mà biên tập viên cũng choáng. Nhưng đặc sắc quá, in ngay. Tựa tập thơ lấy tên... “Không có mùa thơ”!

Ngày chia tay bà vợ thứ ba, Nguyễn Quang có cảm hứng sáng tác tập thơ “Ngoại tình”. Chẳng biết thơ có hay không. Nhưng phát hành thì chắc không phải là bestseller rồi. Bởi như nhiều người nhận định thì ở cái tỉnh còn phải sống nhiều từ ngân sách nhà nước như Hà Giang  không thể có “đất” cho thị trường văn chương báo chí thương mại được. Thế mà gặp Nguyễn Quang ngoài đường, các em vẫn “tán”: “Anh chưa tặng em ngoại tình hả?” Nhà thơ ngơ ngác: “Anh tặng rồi đấy thôi...” Các em mới truy: “Thì tập thơ “Ngoại tình” anh tặng rồi. Nhưng ngoại tình thật thì anh chưa tặng!”. Chẳng biết, nghe rồi lão có đỏ mặt không.

 
Mình viết hết mình vì sợ không kịp nữa. Những gì mình biết, không viết để lại được sau này thì tiếc lắm _ Nguyễn Quang
Có câu chuyện vui như thế này: Một cô giáo, chẳng biết ý gì mà gọi điện mắng vốn “anh” Nguyễn Quang, đại ý: “Anh ơi, anh đừng bán sách “Kẻ dâm đãng” nữa, em dạy học, thấy học sinh cúi đầu đọc lén “Kẻ dâm đãng” rất nhiều!”. Đó là tiểu thuyết “Kẻ dâm đãng” xuất bản năm 2008, năm Nguyễn Quang sáng tác “kinh hoàng” nhất: 4 tiểu thuyết, 1 tập thơ được in! Cô giáo ấy đâu biết rằng, người đọc ở tỉnh, tiếp cận các tác phẩm của Nguyễn Quang, chính bằng tình yêu văn thơ và tên tuổi của nhà văn qua cách thức tặng, biếu sách chứ không phải từ phong trào hay các kênh tiếp thị sách, vốn trầm lặng ở mảnh đất này.

Nguyễn Quang sinh năm 1948 ở Hải Dương nhưng phiêu bạt lên Hà Giang rồi ở luôn đất này từ bấy đến giờ. Anh từng theo học chuyên ngành nhiếp ảnh và văn học, hiện anh là hội viên Hội nhà báo Việt Nam, hội viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh Hà Giang.

“Viết hết mình, vì sợ không kịp nữa”

Năm 2005, tôi lên Hà Giang lần đầu, được báo Hà Giang giới thiệu cho “một tay đi nhiều” là Nguyễn Quang. Lúc đó, phải chờ bởi lão đang sục sạo làm báo đâu đó trên Đồng Văn, Mèo Vạc... Đất thì lạnh. Nhưng lòng người ấm. Nên hai năm sau, 2007, tôi trở lại viết báo Xuân. Được tin lão đã nghỉ làm báo. Nghe bất ngờ. Nhưng bàng hoàng hơn khi biết lão đang mắc bạo bệnh, đóng cửa viết văn ở nhà. Lần trước đến, còn thấy lão vồn vã lắm, đưa lên tận gác, khoe từng tập bản thảo dày cộp, nhìn qua đã phát choáng. Nhưng lần này đến thăm, lão không cho đến nhà nữa, bắt chờ đầu ngõ rồi đưa đi nhậu cá mền xanh, đặc sản sông Gâm. Tưởng lão bệnh, ai ngờ còn “tươi” lắm, thuốc vẫn hút phì phèo, rượu vẫn uống khỏe: “Tớ đang ở nhà vợ, ly dị rồi, nhà chia cho cô ấy, mình chỉ gọi là ở nhờ, tranh thủ chơi và nuôi con thôi!”.

Trong căn nhà đó, Nguyễn Quang từng ngồi lì viết... 89 ngày liên tục. Chân không bước ra khỏi cửa phòng chứ đừng nói bước ra sân. Mì tôm, thuốc lá đã có con đi mua. Lão cắm đầu viết và hút. Hít thở bằng chính cái khói thuốc lá nghi ngút ấy; bám đen kịt từ mùng màn, trần nhà, cánh cửa... Lão viết một lúc ba cuốn tiểu thuyết (Lũ rừng, Kẻ dâm đãng, Góc khuất thời mở cửa). Thuốc lá, lão đốt liên tục, từ sáng đến đêm, mà trong cái gian phòng nồng nặc, mù mịt ấy, cũng chẳng biết đâu là đêm với ngày. Chỉ khi nào thấy đói thì ăn, mệt thì ngủ, “không thể dừng được bởi nó cứ ra ào ào”. Bỏ qua mặt tiêu cực, hại sức khỏe, nhìn dưới góc độ lao động nghệ thuật thì Nguyễn Quang lúc đó đã thể hiện được bản lĩnh thực sự của một cây bút biết chọn điểm rơi và cháy hết mình khi cảm xúc đến, tuôn trào.

Khi lão viết và đã in được sách nhiều nhất tỉnh, nhà báo Trần Bé đã phải viết trên báo Xuân Hà Giang là “tiểu thuyết gia Nguyễn Quang” và xót xa cho sức khỏe của lão. Nguyễn Quang kể: “89 ngày, bước ra thấy ánh sáng mặt trời là choáng, suýt ngã, phải trở vào. Mình viết hết mình vì sợ không kịp nữa. Những gì mình biết, không viết để lại được cho sau này thì tiếc lắm!”.

Vẫn còn mùa yêu thương

Nguyễn Quang đang mắc bạo bệnh và... nghèo, không biết lấy gì để sống, đó là hai điều mà những người bạn chân tình của lão lúc nào cũng quan tâm, chia sẻ. Nhưng truy hoài, lão chỉ cười khà khà. Về cái nghèo của nghề, lão từng viết:

“Mưa chẳng như mưa cũ
Nắng chỉ buồn nhân gian
Gió không xưa như thuở
Văn, thơ sao cơ hàn”

Trần Bé xót xa: “Không biết lão sống bằng cái gì? Báo tỉnh thì ít đăng, sách thì in nhiều nhưng bán trong tỉnh khó lắm”. Ấy thế mà Nguyễn Quang vẫn phong lưu. Lần này gặp, còn thấy lão khoe chiếc Honda “lớn nhất tỉnh”, vừa rồ máy bấm còi một cái là dân cả thị xã biết Nguyễn Quang chuẩn bị đi đâu đó rồi. Hỏi lão, sao không để tiền mà xây nhà, mua cái xe nhiều tiền này làm gì, lão lại cười: “Mình sắp chết rồi, xây nhà làm gì, để lại cho ai? Cái xe này để đi lại, và là sở thích cuối đời đấy!”.

Lão bảo: “Mình đang bị ung thư phổi trái, bác sĩ bảo nó bị khô rồi...”. Lại nghe lão khoe, mới bỏ thuốc lá đấy, thì lão đúc rút: “Hút cả đời, tóm lại chẳng được cái gì. Hại sức khỏe. Giờ tớ vẫn viết khỏe, đâu cần hút thuốc!”. Mình trộm nghĩ, người bị ung thư, lúc nào chẳng sợ chết, mặt mũi u ám, đâu có cười khà khà như lão. Trong khi vẫn cưỡi xe đi biên giới viết báo, sáng tác ầm ầm. Chắc lão khỏe thật rồi -trong thì hiện tại.

Bàn nhậu chia tay mình, hôm đó vui lắm. Ông già người Dao Triệu Đức Thanh, nguyên chủ tịch tỉnh mời đi uống rượu thịt vịt làng. Nhưng vui và hạnh phúc nhất là Nguyễn Quang: Trước, làm báo, lão phụ trách “đeo bám” ông Thanh. Bây giờ ông ấy “hưu”, vẫn kêu lão ra bàn chuyện văn chương, thời thế. Quan chức - nhà báo, đời chẳng mấy ai có mối duyên giao đặc biệt như vậy. Rồi gã hú một cái, lại có một cô bạn xinh lắm, làm hiệu trưởng cấp 2 gần đó, mua bánh bao ra nhậu cùng. Nói cười lại càng xôn xao.

Nguyễn Quang mới rút túi áo ra một tờ giấy mời, khoe ngày 8.12 lên Hà Nội, nhận giải B tiểu thuyết “Ánh trăng trong rừng trúc”. Thế là đời càng vui. Mọi người xúm vô chúc lão viết khỏe, viết sao cho tiền nhiều, để sống cho vững, đừng chú trọng bán sức khỏe nuôi đam mê nữa...

Thiếu Gia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.