Cái sức thu hút khó cưỡng bởi sự chiêm nghiệm của một đời dạy học, làm thơ, viết báo trải theo từng dòng chữ của anh.
Nguyễn Công Thắng viết bởi sự hoài nhớ, nhưng không hề quên đi những bộn bề đời sống quanh mình. Anh dùng một đại từ nhân xưng khác, để nói về cảm nghĩ của một người bên chiếc va li chuẩn bị bước lên tàu từ một miền quê trở về thị thành náo nhiệt: “Rồi cũng hết mấy ngày em ở đây. Buổi chiều, khi ngồi nơi sân ga chờ chuyến tàu đêm về lại đô thị xô bồ, em cứ suy nghĩ vẩn vơ, buồn vui lẫn lộn. Được cái này thì phải mất cái khác. Sông biển ruộng vườn có đủ mà sao không giữ được chân người? Đô thị phát triển sau xứ người hàng trăm năm mà sao vẫn cứ như tự phát hỗn độn?...” (Vẩn vơ nơi ga xép). Những dấu hỏi khắc khoải ấy, chẳng thể nào là sự vẩn vơ thường tình!
Nhưng, có nhiều điều anh đã lý giải một cách rạch ròi. Đó là đưa ra 5 lý do rất rành mạch và khá thuyết phục để giải thích vì sao một bộ phận người Việt quên mất văn hóa xếp hàng (Chuyện dài xếp hàng). Hay từ chuyện bếp lửa mẹ thường nhóm lên mỗi bữa sớm chiều thuở trước, nay do đời sống đô thị tất bật nên đôi lúc cũng không thể sum vầy đoàn tụ (Bếp lửa). Đó là câu chuyện về một cái giếng thời thơ ấu trong vắt, ngọt lành khiến anh liên tưởng đến những dòng sông nặng nề trôi vì chuyển tải trên mình đủ thứ ô nhiễm (Giếng-sông)...
Cũng có những điều lạ hay quen trong đời sống thường nhật, được anh đề cập theo kiểu rất mở: nói về nó rồi cứ để người đọc tự suy nghiệm theo cách riêng của mình: Ơi màu tím Huế, Ve sầu kêu ve ve, “Cố nhân”…
Tạp bút của Nguyễn Công Thắng, dù đề cập đến nhiều chuyện đau đáu của xã hội nhưng tâm thế của người viết rất nhẹ nhàng, đôi lúc cố giấu mình đi. Có phải ngay tựa đề vẩn vơ nơi ga xép chẳng hề viết hoa chữ đầu nơi trang bìa, không có một đại từ nhân xưng nào, đã nói lên điều đó chăng?
Bình luận (0)