Nghệ sĩ Tấn Tài được mệnh danh là "Hoàng đế đĩa nhựa" thập niên 60 - 70 vì ông có khoảng 400 bài vọng cổ và 200 tuồng cải lương được thu đĩa phát hành ăn khách.
Mỗi tháng vẫn kiếm 1.000 USD
Nói thật là tôi kinh ngạc khi ngồi trước mặt ông lão 69 tuổi mà vẫn nói chuyện ào ào, phát âm chuẩn xác, triển khai vấn đề nhanh gọn, sắc sảo.
Ông hút thuốc điệu nghệ bằng nhãn hiệu của Đức quen thuộc mấy chục năm, không phải để hít vào phổi mà chỉ làm dáng cho sang vậy thôi. Hình như không phải là ngôi sao Tấn Tài tôi từng ái mộ trong các tuồng cải lương. Khi hát, đó là con người ngọt ngào, chất giọng quyến rũ, mềm mại, có khi nhân vật ngây thơ, hồn nhiên dễ thương như chàng A Li Kha của Bóng hồng sa mạc. Mấy chục năm, tôi lớn lên, nghĩ rằng thần tượng của mình chắc đã yếu ớt và thều thào như nhiều nghệ sĩ khác khi vào tuổi xế chiều. Nhưng không, Tấn Tài khoe rằng mình không mắc bệnh nào của người già cả, chỉ một lần mổ sỏi mật rồi thôi, sau đó ăn ngủ khỏe và chạy sô tưng bừng. Mỗi tháng ông có chừng 7 - 8 sô (giá mỗi sô vài triệu đồng), còn mỗi ngày ông chăm chút hai phòng thu âm, hướng dẫn kỹ thuật, nghề nghiệp cho các diễn viên trẻ khi làm album, và một năm đi nước ngoài mấy tháng vừa thăm con vừa biểu diễn. Vậy là trung bình ông kiếm "lương" 1.000 USD như chơi.
Hai con trai Tấn Beo, Tấn Bo của ông cũng là "sao", rất có hiếu nhưng… không được báo hiếu, vì ông đâu có nghèo mà lấy tiền của con. Ông còn đi xe hơi, có tài xế lái nữa kia! Trưa trưa thì Tấn Beo gọi điện thoại hoặc đích thân qua rước ba sang nhà mình ăn cơm. Từ quận 5 tới quận 8 (TP.HCM) chỉ cách nhau cây cầu Nguyễn Tri Phương, cha, con gần nhau lắm. Vậy đủ rồi! Tấn Tài cười: "Bây giờ tôi ngồi không thì hai đứa nó và mấy đứa ở Mỹ cũng nuôi ngon lành, nhưng buồn chết luôn. Đi hát, đi làm để vận động, để có bạn bè vui vẻ".
|
Ông bầu không biết lỗ
Nhiều người chỉ biết Tấn Tài là kép hát, nhưng thật ra từ năm 1968, ông đã là bầu gánh Tân Thủ Đô và hốt bạc không kém gì Kim Chung, Kim Chưởng. Đang là ngôi sao của gánh Kim Chung với hợp đồng 1,4 triệu đồng, trong khi giá của nhiều ngôi sao khác chỉ chừng 700 ngàn tới 1 triệu, Tấn Tài lại bỏ ngang. Ông nghĩ: "Người ta dám bỏ bạc triệu ra kinh doanh cái tên của mình, tại sao mình lại không kinh doanh chính mình?". Vậy là ông đứng ra lập nghiệp với 26 tuổi đời và 60.000 đồng trong túi. Phải nói là lá gan khá lớn. Nhưng đúng hơn, là nhờ cái máu kinh doanh của mẹ truyền lại. Ông tính toán rất kỹ các phương án, và đi đúng hướng. Chỉ cần trương tấm bảng tại một ngôi đình bên quận 8 rằng "Gánh Tân Thủ Đô Tấn Tài - Thành Được đang tập tuồng mới", lập tức các tay thầu tiền góp đã nhào tới đưa tiền cho "cậu Năm" (họ gọi Tấn Tài một cách gần gũi như thế - PV). Bởi cái tên của "cậu Năm" đủ bảo chứng rồi. Và tiền vốn từ họ góp vào đủ cho cả gánh hát sống khoẻ, bởi đêm nào cũng bán vé đông kín rạp.
Từ một gánh, Tấn Tài phát triển thành hai gánh gọi là Tân Thủ Đô 1 và 2, chiêu mộ toàn ngôi sao như: Thành Được, Út Trà Ôn, Việt Hùng, Minh Chí, Út Hiền, Út Hậu, Mộng Tuyền, Bạch Tuyết, Diệu Hiền… Phải có nhiều nghệ sĩ như thế vì những hôm kép chánh Tấn Tài về Sài Gòn thu đĩa thì ở tỉnh vẫn có người thay thế. Và ông đặt hàng những soạn giả hàng đầu như Hà Triều, Hoa Phượng, Hoàng Việt, Loan Thảo, Thể Hà Vân viết tuồng "đo ni đóng giày" cho từng nghệ sĩ, cho nên ai diễn cũng hay như nhau. Tấn Tài và vợ là nghệ sĩ nổi tiếng Như Ngọc chỉ có việc mỗi ngày thu tiền về gửi nhà băng mà thôi. Bây giờ nhớ lại, Tấn Tài thở dài: "Tội nghiệp vợ tôi, nói sống trong cảnh giàu sang nhưng hai vợ chồng cứ như Ngưu Lang - Chức Nữ xa nhau hoài, vì mỗi người phải coi một gánh, hết tỉnh này lại tới tỉnh kia". Nhưng ông cũng tự hào là mình làm bầu nuôi gần 150 người nhưng chưa hề biết chữ lỗ là gì. Hồi ấy chỉ có Kim Chung và Tân Thủ Đô dám phát lương tháng cho anh em. Không cần biết trời nắng hay mưa, có mở màn hay không, cứ có lương ổn định là anh em yên tâm.
Tấn Tài đi hát, làm bầu, ăn ngủ trên xe hơi, có khi cầm cự bằng bánh mì để kịp chạy sô, cực kinh khủng. Nhưng say nghề, và tiền trong nhà băng cứ đầy thêm mỗi ngày. Hồi đó (khoảng thập niên 60-70), trúng số độc đắc chỉ 1 triệu đồng, vàng thì 12.000 đồng một lượng, vậy mà ông có tài sản tới 34 triệu. Sau giải phóng, nhiều đợt đổi tiền, ông trở lại "bình dân" như bao người. Vậy mà ông vẫn cười thản nhiên: "Thì giai đoạn đó ai cũng chịu vậy mà, chứ đâu phải riêng mình. Trời còn cho mình sức khỏe và tài năng thì mình làm ra tiền nữa, lo gì!".
Gánh Tân Thủ Đô sau giải phóng trở thành đoàn cải lương tập thể Hậu Giang, Tấn Tài vẫn làm trưởng đoàn nhưng với cơ chế mới, lãnh lương ba cọc ba đồng của thời bao cấp. Cầm cự được 7 năm, ông xin nghỉ, ra hát sô nuôi vợ con vì được trả cát-sê cao hơn nhiều. Đoàn này vẫn còn, hiện là đoàn cải lương Tây Đô của thành phố Cần Thơ.
Ngược dòng thời gian nửa thế kỷ, Tấn Tài nếm trải vinh quang nhiều hơn cay đắng. Có lẽ vậy nên ông sống nhẹ tênh. Hỏi ông tâm đắc điều gì nhất, ông cười khà, bảo cái gì cũng tâm đắc. Điều gì đối với ông cũng như có màu hồng, dù trong thời bao cấp đầy khó khăn.
Tấn Tài sinh ra ở vùng Núi Sập thuộc tỉnh An Giang. Ông làm thầy giáo dạy học ở trường Thoại Ngọc Hầu nhưng lại mê đờn ca tài tử, năm 1959 trốn theo gánh hát mặc cho người mẹ ngăn cản. Trải qua nhiều đoàn, Tấn Tài đều đóng kép chánh, nhưng đến đoàn Thủ Đô thì ông mới thành công tuyệt đỉnh và đoạt giải Thanh Tâm năm 1963. Ông có giọng ca ngọt ngào truyền cảm, được Hãng đĩa Việt Nam của cô Sáu Liên ký hợp đồng độc quyền đầu tiên, rồi sau đó các hãng đĩa khác mời chào liên tục. Với số lượng khoảng 400 bài vọng cổ và 200 tuồng cải lương được thu đĩa, ông được báo chí lúc bấy giờ đặt biệt danh "Hoàng đế đĩa nhựa". Những "bản ruột" của ông như: Bông ô môi, Xuân trên đất khách, Nhớ vợ hiền… và các tuồng cải lương: Bóng hồng sa mạc, An Lộc Sơn, Chiều đông gió lạnh về… đến nay vẫn làm xao xuyến khán giả mộ điệu. |
Hoàng Kim
Bình luận (0)