Vàng nữ trang xuất khẩu bị “soi” - ảnh: Đ.N.Thạch |
Giá tăng nhưng lực bán thấp
Giá bán vàng SJC ngày 25.7 tăng vọt lên 39,9 - 39,93 triệu đồng/lượng (tăng 410.000 đồng/lượng so với cuối tuần qua). Một số ngân hàng, cửa hàng kinh doanh vàng tại TP.HCM để giá bán lên 39,95 triệu đồng/lượng. Lý do vàng trong nước tăng giá là do giá vàng thế giới tăng tới gần 20 USD/ounce, đạt mức 1.621 USD/ounce, tương đương 40,17 triệu đồng/lượng khiến giá trong nước “kích hoạt” tăng theo. Vàng trong nước đang thấp hơn giá thế giới khoảng 260.000 đồng/lượng
Chỉ còn vài chục ngàn để “cán” mốc 40 triệu đồng/lượng nhưng giao dịch vàng trên thị trường hôm qua “chùng” xuống hẳn so với các ngày trước. Bà Nguyễn Thị Cúc - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) - cho biết, dù đạt được mức cao nhất từ trước đến nay nhưng thị trường vàng giao dịch giảm hẳn, không ai ồ ạt đi bán vàng như trước. Ngày 25.7, công ty mua vào 800 lượng, bán ra chỉ khoảng 200 lượng. Trong khi đợt tăng giá gần đây (vào giữa tháng 7), công ty đã mua trên thị trường 2.000 - 3.000 lượng vàng trong một ngày. Theo Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), đầu giờ sáng ngày 25.7, giá vàng tăng vọt, thị trường xuất hiện lực bán ra nhưng sau khi giá giảm nhanh, lực bán giảm lại.
Sợ thuế
Theo các công ty kinh doanh vàng, thị trường hiện đang hoang mang với thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu Bộ Tài chính áp thuế xuất khẩu với vàng nữ trang trên 20K (hàm lượng vàng 83,3%, hiện nay vàng có hàm lượng từ 2 số 9 trở xuống áp dụng thuế xuất khẩu 0%). Trước đó, trong dự thảo Nghị định quản lý thị trường vàng của NHNN cũng yêu cầu, hạ tuổi vàng xuất khẩu xuống 20K sẽ không phải xin phép NHNN, còn trên tuổi đó phải xin phép mới được xuất. Ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM - cho biết, nếu quy định này ban hành thì khả năng xuất khẩu vàng sẽ rất khó khăn.
Tổng giám đốc một công ty kinh doanh vàng lâu năm tại TP.HCM phân tích, việc áp dụng thuế suất đối với xuất khẩu vàng là điều cần thiết nhằm ngăn chặn vàng chảy ra nước ngoài. Bởi trong 1,8 tỉ USD xuất khẩu vàng trong 6 tháng đầu năm, Nhà nước hầu như không thu được thuế vì doanh nghiệp "lách" bằng cách sản xuất sản phẩm từ 4 số 9 xuống 2 số 9 để được hưởng mức thuế suất bằng 0%. Đó là chưa kể, với vàng xuất khẩu dưới 20K thì hàm lượng chất xám trong các mẫu nữ trang xuất khẩu hầu như không có. Các nữ trang xuất khẩu rất đơn giản, hầu như dưới dạng vòng tay, dây chuyền. Mặc dù vậy, việc hạ tuổi vàng để áp dụng thuế suất cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề. Các doanh nghiệp sẽ lại tìm cách hạ tuổi vàng để được hưởng mức thuế suất bằng 0%. Vì vậy, theo vị tổng giám đốc này, nhu cầu kinh doanh, đầu tư vàng của các doanh nghiệp, cá nhân là có thật (lạm phát tăng cao, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản đang giảm mạnh nên vàng được coi là nơi trú ẩn an toàn). Chính vì vậy cần để thị trường vàng được xuất nhập khẩu một cách bình thường hoặc tạo một sân chơi mới như sàn giao dịch vàng. Lúc đó giá trong và ngoài nước sẽ ngang bằng, thị trường sẽ ổn định hơn.
Trong bản góp ý của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam về dự thảo Nghị định quản lý thị trường vàng, hiệp hội kiến nghị giảm thuế xuất khẩu từ 10% xuống 0,5% (vì các quốc gia trong khu vực áp dụng thuế xuất khẩu 0%) và thuế nhập khẩu từ 0% lên 0,5% để đóng góp vào ngân sách nhà nước.
Thanh Xuân
Bình luận (0)