Giá vàng tăng thẳng đứng, vượt 92 triệu đồng
Hôm qua (10.5), giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC tăng không có điểm dừng, lên gần 3 triệu đồng mỗi lượng. Hàng loạt kỷ lục trước đó từ 90 - 92 triệu đồng đều bị xô ngã. Cuối ngày, SJC chốt giá mua vào 90,1 triệu đồng và bán ra 92,4 triệu đồng. Giá vàng tại Công ty vàng bạc đá quý Ngân hàng VietinBank mua vào 90,1 triệu đồng, bán ra 92,4 triệu đồng. Công ty Bảo Tín Minh Châu tăng giá mua lên 89,9 triệu đồng/lượng, bán ra 92,2 triệu đồng… Giá vàng nhẫn cũng tăng nhanh 1,4 triệu đồng/lượng: Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 75,43 triệu đồng, bán ra 76,93 triệu đồng, Tập đoàn Doji mua vào 75,6 triệu đồng, bán ra 77,1 triệu đồng…
Ghi nhận trên thị trường, dù giá vàng ở mức kỷ lục nhưng khách hàng đến SJC mua là chính. Công ty cũng chỉ bán cho mỗi khách hàng 3 chỉ vàng, còn mua vàng miếng thì hạn chế chỉ 3 lượng.
So với đầu tuần này, mỗi lượng vàng miếng đã tăng 6,4 triệu đồng, tương ứng tăng gần 7,5%. Còn so với đầu năm, mỗi lượng vàng miếng SJC tăng 18,4 triệu đồng, tương ứng tăng 24,84%. Đây là mức tăng sốc của vàng trong vòng 10 năm trở lại đây. Đáng nói, trong khi vàng miếng SJC tăng sốc thì giá kim loại quý trên thị trường quốc tế từ đầu năm đến nay chỉ tăng khoảng 60 USD/ounce, lên 2.367 USD/ounce, mức giá này còn cách kỷ lục đã đạt được khoảng 60 USD/ounce. Tốc độ tăng giá của vàng trong nước nhanh khiến mức đắt đỏ gia tăng lên kỷ lục.
Tăng điên loạn chạm mức 92 triệu, liệu giá vàng SJC có thể đạt 100 triệu đồng/lượng?
Trong hôm qua, vàng miếng SJC cao hơn thế giới 19,5 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn cao hơn 4,2 triệu đồng. Nhìn lại trước khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện đấu thầu vàng vào tháng 4, giá vàng miếng mới chỉ cao hơn thế giới vào khoảng 12 - 13 triệu đồng/lượng, có lúc xuống 10 - 11 triệu đồng/lượng. Thế nhưng từ khi diễn ra các phiên đấu thầu từ cuối tháng 4 đến nay, giá vàng miếng ngày càng bỏ xa thế giới. Mức chênh lệch 19,5 triệu đồng/lượng so với giá thế giới cũng là mức đỉnh lịch sử. Cuối năm 2023 khi Chính phủ vào cuộc chỉ đạo NHNN có giải pháp kéo giảm chênh lệch giá trong và ngoài nước, yêu cầu kiểm soát thị trường này, vàng miếng SJC đắt hơn thế giới từ 18 - 19 triệu đồng/lượng, thấp hơn hiện tại.
Theo ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối Tác Mới, với diễn biến hiện tại, không cần lực mua lớn, chỉ cần lực mua nhỏ và đều thì giá vàng cũng có thể tăng liên tục. Nếu NHNN không có giải pháp thì mức giá 100 triệu đồng sẽ sớm xuất hiện. Các đơn vị kinh doanh trên thị trường đang khan nguồn nguyên liệu, hạn chế số lượng mua vàng đối với khách hàng, cộng thêm giá thế giới tăng mạnh nên người mua càng có tâm lý kỳ vọng giá tăng và mua vào nhiều hơn. Mặc dù với chênh lệch hiện tại của giá vàng trong nước với thế giới thì mức độ rủi ro đối với người mua quá cao.
Chuyên gia vàng Dương Anh Vũ dự báo trong tuần này, nhiều khả năng giá vàng sẽ quay lại ngưỡng kháng cự 2.390 USD/ounce. Tuy nhiên, giá vàng có thể chạm mức 2.468 USD/ounce vào tuần sau. Vào giữa tuần qua, Mỹ gửi cảnh báo đến Israel để ngăn việc quốc gia này tấn công thành phố Rafah ở Dải Gaza. Tuy nhiên, chính quyền Tel Aviv dường như không quan tâm đến lời cảnh báo này. Và với việc Israel đã tiến vào nơi trú ẩn cuối cùng của lực lượng Hamas, triển vọng về thỏa thuận ngừng bắn sẽ vô cùng mờ mịt. Theo các chuyên gia, xung đột Trung Đông leo thang có thể là yếu tố chính hỗ trợ cho giá vàng vào tuần sau. "Khi giá vàng trong nước đang thiết lập khoảng cách khá xa so với thị trường thế giới, có thể dự đoán giá vàng trong nước sẽ vượt 95 triệu đồng/lượng vào tuần sau", ông Dương Anh Vũ dự báo.
Có thể chạm mức 100 triệu đồng/lượng ?
Với tốc độ tăng giá của vàng miếng hiện nay, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, dự báo nếu đến thứ hai tuần sau (13.5), NHNN không có biện pháp gì để kìm giá lại thì có khả năng vàng miếng SJC tăng đến 100 triệu đồng/lượng vào cuối tuần sau. Trên thị trường quốc tế, giá vàng được dự báo tăng lên 2.500 - 2.600 USD/ounce nên lực mua vàng trên thị trường vẫn xuất hiện. Trong khi đó nguồn cung vàng vẫn chưa được cải thiện. Qua hai phiên trúng thầu 6.800 lượng vàng, các đơn vị trúng thầu đã tiêu thụ hết. Dù giá mua vàng của các đơn vị ở mức cao kỷ lục nhưng người có vàng hiện nay vẫn chưa chịu bán ra. Với tình trạng cung - cầu vàng trong nước mất cân đối thì giá trong nước sẽ tăng nhanh.
Còn theo ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia thị trường tài chính, trong vòng một tuần qua giá vàng trong nước đi ngược thế giới, có thể là do tâm lý và kỳ vọng của nhà đầu tư trong nước. Trong quá khứ cũng xảy ra tương tự, nhưng thường cơn sóng ngược này chỉ diễn ra vài ngày, hoặc cùng lắm vài tuần chứ không thể đi ngược được lâu. "Giá vàng thế giới vẫn đang trong xu hướng tăng và có thể vượt qua ngưỡng 2.500 USD/ounce, xu hướng tăng có thể kéo đến nửa đầu quý 3/2024. Sau nửa quý 3/2024 đến đầu năm 2025, xác suất cao là giá kim loại quý tích lũy hoặc giảm. Khi đó, dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có giảm lãi suất hay chưa thì nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cũng giảm lãi suất. Như vậy nếu vàng miếng trong nước vẫn duy trì khoảng cách với thế giới như hiện tại thì khi thế giới tăng lên trên 2.500 USD/ounce thì cũng có khả năng vàng SJC chạm đến mức 100 triệu đồng/lượng", vị này dự báo.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích giá vàng thế giới lên cao từ một số lý do như xung đột quân sự ở nhiều nơi đang gia tăng. Đồng thời có một số cảnh báo kinh tế Mỹ có thể rơi vào giai đoạn trì phát - nghĩa là tăng trưởng GDP thấp nhưng lạm phát cao. Tuy nhiên, những lý do này không có nhiều cơ sở vững chắc mà chủ yếu do tâm lý kỳ vọng. Còn giá vàng trong nước nhảy vọt và đắt đỏ hơn xa thế giới là do những giải pháp được đề xuất để kéo giảm chênh lệch vẫn chưa được thực hiện. Dù mục tiêu của đấu thầu vàng vẫn là để hạ nhiệt giá vàng, giảm khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng VN và thế giới nhưng việc đấu thầu chưa thành công, chưa có lượng cung vàng trên thị trường để hạ nhiệt nhu cầu. Vì vậy giá vàng vẫn tăng. Sắp tới khi nguồn cung vẫn còn khan hiếm thì giá vàng vẫn sẽ còn tăng. Đối với người tiêu dùng, ông Hiển nhấn mạnh đây là giai đoạn cực kỳ rủi ro nếu mua vào.
Chính phủ yêu cầu NHNN xử lý ngay tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và quốc tế
Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Chính phủ giao NHNN chủ trì, phối hợp với các địa phương thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả hơn các giải pháp để quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động, giao dịch trên thị trường, xử lý ngay tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, đầu cơ, thao túng giá vàng…
Bình luận (0)