Giá vàng miếng SJC đứng im 22 ngày liên tục
22 ngày qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ giá bán vàng miếng ở mức 75,98 triệu đồng/lượng, dẫn đến giá bán vàng miếng SJC của 4 NH thương mại và Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC cũng đứng yên ở mức 76,98 triệu đồng/lượng, giá mua vào 74,98 triệu đồng/lượng. Đáng nói, trong thời gian đó, giá kim loại quý trên thị trường quốc tế biến động liên tục khiến mức chênh lệch giữa giá trong và ngoài nước cũng liên tục thay đổi.
Ngày 28.6, giá vàng thế giới tăng 26 USD, lên 2.326 USD/ounce nhưng nếu so với cách đây 22 ngày thì vàng quốc tế giảm gần 44 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC đứng yên dẫn đến đắt hơn thế giới từ 5,5 - 6,3 triệu đồng/lượng thay vì mức 4,2 triệu đồng/lượng trước đó. Còn giá vàng nhẫn 4 số 9 từ mức đắt hơn 2,4 triệu đồng/lượng đã lên 4,1 - 4,6 triệu đồng/lượng. Công ty SJC mua vào 73,95 triệu đồng, bán ra 75,65 triệu đồng (tăng 300.000 đồng/lượng so với ngày 27.6); Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) mua vào 73,85 triệu đồng, bán ra 75,5 triệu đồng…
Trong khi đó, giá USD dù không biến động mạnh như những tháng trước nhưng các NH luôn niêm yết đồng bạc xanh ở mức giá kịch trần. Ngày 28.6, các NH thương mại giảm giá USD 3 đồng, Vietcombank mua vào lên 25.223 - 25.253 đồng, bán ra 25.473 đồng; ACB mua vào 25.240 - 25.270 đồng, bán ra 25.473 đồng… Chênh lệch giữa giá mua và bán USD ở mức 200 - 230 đồng. So với những ngày đầu tháng 6, các NH tăng giá USD khoảng 25 đồng, tương ứng gần 0,1%. Riêng giá đồng bạc xanh trên thị trường tự do có mức độ tăng giá mạnh hơn, ở mức 350 đồng, lên 26.020 - 26.030 đồng/USD chiều bán ra, đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay và tăng khoảng 1,36%.
Nhận xét về cục diện này, chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích: Trước đây, giá vàng trong nước cao hơn thế giới thì tình trạng đầu cơ, buôn lậu xuất hiện, dẫn đến nhu cầu USD tăng lên và tác động đến tỷ giá tăng. Hiện nay, giá vàng trong nước đã rút ngắn mức đắt đỏ so với thế giới, từ gần 20 triệu đồng/lượng xuống còn 4 - 6 triệu đồng/lượng. Thị trường vàng miếng được kiểm soát nên không còn tác động nhiều đến tỷ giá. Tuy nhiên, vấn đề của thị trường hiện nay là chưa đáp ứng được nhu cầu mua vàng của người dân.
Do đó cần làm sao tăng lượng vàng miếng ra thị trường, người dân mua vàng dễ hơn. Nếu không, nhu cầu chuyển dịch sang vàng nhẫn, nữ trang khác cũng sẽ gây tác động đến tỷ giá. Tương tự, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng: Vàng miếng SJC khó mua thì nhu cầu chuyển dịch sang vàng nhẫn. Khi giá vàng trong nước có mức đắt đỏ hơn thế giới thì nguồn hàng phi chính thức có thể sẽ tăng lên, điều này tác động đến tỷ giá.
Dự báo tỷ giá tăng
Lý giải thêm về tỷ giá "căng" trở lại, ông Nguyễn Hữu Huân còn cho rằng tình hình nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu gia tăng là một trong những nguyên nhân. Trong tháng 5, nhập siêu đã tăng trở lại với 1 tỉ USD. Sau khi thâm hụt trong nửa cuối tháng 5.2024, sang nửa đầu tháng 6, cán cân thương mại đã trở lại trạng thái xuất siêu; cụ thể, 15 ngày đầu tháng 6 xuất siêu 330 triệu USD. Tính chung từ đầu năm đến ngày 15.6, mức thặng dư đạt hơn 9 tỉ USD.
"Từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu đang lấy lại được đà tăng trưởng ấn tượng khi cả xuất khẩu, nhập khẩu cùng duy trì mức tăng hai con số. Do đó nhu cầu USD cũng tăng. Ngoài ra, tình trạng đầu cơ tỷ giá cũng sẽ gia tăng khi lãi suất tiền đồng thấp hơn so với USD. Trong những ngày qua, lãi suất tiền đồng trên thị trường liên NH giảm từ 0,1 - 0,5%/năm so với thời điểm giữa tháng 6, dao động từ 3,45 - 5,93%/năm vào ngày 25.6. Mức lãi suất tiền đồng thấp hơn lãi suất USD từ 0,1 - 1,5%/năm tùy theo kỳ hạn", ông Huân nói.
Chuyên gia này dự báo tỷ giá sẽ tăng khoảng từ 3 - 3,5% trong năm 2024. Mức tăng này nằm trong tầm kiểm soát và NHNN hoàn toàn có thể chủ động ứng phó trước một số đợt tăng tỷ giá bất thường trong năm do yếu tố mùa vụ. Tỷ giá tăng cũng sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến việc thực thi các mục tiêu chính của chính sách tiền tệ như tăng trưởng hay kiểm soát lạm phát.
"Đối với kịch bản tích cực hơn về tăng trưởng GDP, khi nền kinh tế VN có dấu hiệu hồi phục nhanh, tỷ giá sẽ gặp áp lực. Bởi một khi đơn hàng quốc tế bắt đầu tăng trở lại, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu sẽ tăng đột biến ở một số thời điểm, gây áp lực lên tỷ giá trong ngắn hạn. Cán cân thanh toán sẽ theo đường cong chữ J khi kinh tế bắt đầu hồi phục mạnh, tức ban đầu sẽ thâm hụt ngắn hạn và sau đó mới thặng dư do nhu cầu nhập khẩu đột biến để phục vụ sản xuất trong nước, trong khi xuất khẩu cần một thời gian sau mới tăng tương ứng.
Đồng thời, dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và đầu tư gián tiếp (FII) cũng sẽ không thể bùng nổ trong ngắn hạn do chênh lệch lãi suất giữa VN và Mỹ không lớn cũng như để triển khai đầu tư FDI mất khá nhiều thời gian làm thủ tục. Với kịch bản này, VND sẽ tăng giá từ 4 - 5% so với USD, NHNN sẽ phải nhọc nhằn hơn trong việc điều hành tỷ giá", ông Huân phân tích và khuyến cáo. VN sẽ cần phải đưa ra các chiến lược ứng phó sớm ở những thời điểm cao điểm, tránh bị động dẫn đến điều hành giật cục và ảnh hưởng đến các mục tiêu vĩ mô khác như tăng trưởng kinh tế hay lạm phát cũng như ảnh hưởng đến tâm lý của người dân gây ra tình trạng đầu cơ, tích trữ ngoại tệ.
Ở những lúc cao điểm, theo ông Nguyễn Hữu Huân, NHNN có thể cân nhắc sử dụng dự trữ ngoại hối để cân bằng cán cân thanh toán hoặc cho phép tỷ giá biến động trong biên độ cao hơn mức bình thường, nhưng cần phải phát đi thông điệp rõ ràng để tránh gây ra tâm lý hoang mang cho người dân và doanh nghiệp. Việc tung dự trữ ngoại hối sẽ làm ảnh hưởng đến lãi suất, khi phải hút tiền đồng về và làm lãi suất tăng trở lại, điều này có thể ảnh hưởng đến việc thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng cần thiết, và cần phải đánh đổi. Về phần doanh nghiệp cũng phải chủ động ứng phó khi dự báo tỷ giá tăng mạnh, và sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá như hợp đồng kỳ hạn để tránh thiệt hại khi tỷ giá tăng cao so với mức trung bình.
Cũng dự báo tỷ giá sẽ tăng trong thời gian tới, ông Nguyễn Trí Hiếu lưu ý doanh nghiệp nên thực hiện các hợp đồng bảo hiểm rủi ro tỷ giá để có thể kiểm soát được giá ngoại tệ, chấp nhận mức rủi ro trong vòng kiểm soát, đồng thời được đảm bảo có nguồn ngoại tệ trong thanh toán hàng hóa cho đối tác.
Fed trì hoãn cắt giảm lãi suất khiến USD mạnh trong ngắn hạn
Trong báo cáo phân tích gần đây của UOB, mặc dù các yếu tố cơ bản trong nước được cải thiện, tiền đồng (VND) vẫn bị ảnh hưởng bởi sức mạnh của USD trên diện rộng trong quý 2/2024 và được giao dịch ở mức thấp kỷ lục mới, gần 25.500 đồng/USD. NHNN cho biết đã can thiệp vào thị trường ngoại hối và điều này giúp kiểm soát việc biến động tỷ giá. Tuy nhiên, VND có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2024 do áp lực bên ngoài từ USD giảm trước đợt cắt giảm lãi suất dự kiến của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 9.
Bình luận (0)