Nhiều ngày qua ở TP.Trà Vinh không lúc nào nguôi câu chuyện người dân đổ ra đường Mậu Thân (P.9) bới đá tìm vàng. Dù những người nhặt “vàng” đã thừa nhận chỉ là câu nói đùa nhưng trưa 13.12, vẫn còn nhiều người tìm kiếm.
Ngày 13.12 vẫn có người bới tìm vàng ở đường Mậu Thân (ảnh lớn); Chị Nhi cầm trên tay cục đá có ánh chút màu vàng và cho là vàng non, thiếu tuổi (ảnh nhỏ) - Ảnh: Vũ Lê |
Anh Trần Hữu Nghĩa (ngụ khóm 9, P.6, TP.Trà Vinh) kể: “Tôi nhặt được vài cục và đã đem ra tiệm vàng bán. Tiệm vàng nói không phải vàng nhưng thấy mấy bạn nhặt nên tôi cũng nhặt đem về bỏ vào hồ cá chơi”. Còn chị Nguyễn Thị Nhi (nhà ở nội ô TP.Trà Vinh) thì nuôi hy vọng: “Người ta nói nó là vàng non thiếu tuổi, mình lượm coi, biết đâu mai mốt bán được”.
|
Anh Dương Thanh Tuấn, chủ tiệm vàng Kim Hà (đường Phạm Thái Bường, P.3), thở dài: “Mấy ngày nay có rất nhiều người đến bán những cục đá có màu vàng kim và họ cho là vàng. Ban đầu chúng tôi cũng thử nhưng thực sự đây không phải là vàng. Đến hôm nay nhất định chúng tôi đã từ chối thử với những cục có màu vàng kim như thế”. Sau khi được giải thích chúng tôi là phóng viên muốn làm rõ, anh Tuấn mới đồng ý thử. Anh Tuấn chà cục đá lên tấm đá, sau đó cho dung dịch a xít vào nó tan chảy ra không để lại dấu vết gì. Tiếp theo, anh lấy vàng thật và tiến hành các thao tác tương tự, kết quả là vàng không bị tan chảy. Chúng tôi cầm những cục đá ánh vàng đi thêm nhiều tiệm vàng khác, họ đều từ chối và khẳng định “chẳng phải là vàng thiếu tuổi gì cả”.
Có thể gây độc hại
Anh Nguyễn Văn Đỗ, chủ Doanh nghiệp tư nhân Bình An (Đồng Tháp), đơn vị đang thi công tuyến đường này, cho biết đá được lấy từ Công ty TNHH thương mại Châu Hưng (TP.Trà Vinh). “Mấy ngày nay, anh em công trình rất khổ tâm vì đường cứ lu phẳng thì lại bị người dân moi lên”, anh Đỗ kể.
Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Châu Hưng, đây là số đá từ mỏ ở Tân Uyên (Bình Dương). “Nếu là vàng thật thì những người ở mỏ đá đã lấy hết rồi có đâu mà tới đem đổ ra công trình như thế”, ông Tâm nói.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Hiệu, Phó trưởng khoa Địa lý, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), một chuyên gia về địa chất, hang động cho biết: “Qua những gì tôi thấy có thể dễ dàng khẳng định đá mà người dân lầm tưởng là vàng đó là quặng pirit hay pirit sắt lẫn trong đá gốc. Quặng này có công thức hóa học FeS2 có ánh kim và sắc vàng đồng nên nhìn khá giống vàng. Trên thế giới người ta gọi là “vàng của kẻ ngốc” vì có người hay lầm nó là vàng rồi nhặt đem bán”. Theo ông, ở VN các mỏ đá có quặng pirit phân bổ rải rác khắp nơi. Tại khu vực Tân Uyên có khá nhiều mỏ đá có lẫn quặng pirit. Vì vậy, việc đá lấy từ đây bị lẫn pirit không có gì lạ.
“Quặng pirit người ta có thể chưng cất thành axit sunfuric (H2SO4) bằng ô xy và nước. Thế nhưng chỉ cần trưng ở ngoài, tức là để ở điều kiện tự nhiên nó cũng sẽ bị phong hóa do nước và ô xy có trong không khí và sẽ tạo ra H2SO4. Đây là loại a xít mạnh rất độc hại cho sức khỏe”, ông Hiệu cảnh báo.
Bình luận (0)