Mua vàng, lỗ đậm
Ngày 28.7, giá vàng miếng SJC giảm từ 100.000 - 150.000 đồng mỗi lượng, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào còn 66,55 triệu đồng/lượng, bán ra 67,25 triệu đồng/lượng; Eximbank mua vào 66,7 triệu đồng/lượng, bán ra 67,1 triệu đồng/lượng… Vàng nhẫn 4 số 9 giảm 100.000 đồng/lượng, Công ty SJC mua vào với giá 56 triệu đồng/lượng, bán ra 57,1 triệu đồng/lượng. Tốc độ giảm giá của vàng trong nước chậm hơn so với quốc tế. Kim loại quý trên thị trường quốc tế đã giảm 25 USD/ounce, xuống còn 1.950 USD/ounce.
So với đầu năm 2023, giá vàng miếng SJC gần như không thay đổi, riêng giá vàng nhẫn tăng 3,2 triệu đồng/lượng. Thế nhưng phiên hôm qua, giá vàng thế giới đã rớt mạnh khi tăng trưởng kinh tế của Mỹ quý 2 mạnh hơn dự báo. Cụ thể, giá vàng thế giới giao ngay hiện giảm hơn 29 USD, xuống 1.942 USD/ounce. Cú lao dốc này khiến giới đầu tư vốn nhàn nhã từ đầu năm đến nay có thêm động lực tham gia thị trường. Nhiều người cũng phân vân không biết có nên mua vàng chờ thời lúc này không khi các kênh đầu tư vẫn đang khó khăn.
Đặt vấn đề này với ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám dốc Công ty Đối tác mới, ông cho rằng cần phải thận trọng. Thực tế năm nay nhiều người ôm vàng đã phải chịu lỗ đậm bởi chênh lệch giữa giá mua và bán ở mức cao. Đối với vàng miếng SJC, chênh lệch giữa giá mua và bán từ 500.000 - 700.000 đồng mỗi lượng, còn vàng nhẫn 4 số 9 thì lên đến 1 - 1,1 triệu đồng. Người mua vàng phải chờ giá tăng qua mức này thì mới huề vốn và may mắn thì có lời. Nhưng vài tháng trở lại đây giá vàng không vượt qua được mức này nên họ vẫn phải ôm lỗ.
Riêng vàng nhẫn, chênh lệch giá mua và bán lên mức cao hơn vàng miếng, hơn 1 triệu đồng/lượng, thế nhưng do vàng nhẫn tăng - giảm cùng chiều với giá vàng thế giới nên trong trường hợp quốc tế gia tăng thì vàng nhẫn cũng lên theo. Đó là chưa kể giá vàng miếng SJC hiện đang cao hơn quốc tế 11,5 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn cao hơn lên 1,4 triệu đồng/lượng. Nhìn chung, rủi ro cao hơn cơ hội nếu bỏ tiền vào vàng dù giá thế giới có một phiên nốc ao nặng.
Xem nhanh 12h: Bản tin thời sự toàn cảnh
Vàng chưa thể "bung nóc"
Phân tích sâu hơn về tính rủi ro của vàng, ông Nguyễn Ngọc Trọng nhận định nhiều yếu tố hiện nay không thuận lợi cho việc nắm giữ vàng, chưa kể xu thế trên thị trường cũng chưa xác định một cách rõ ràng. Cụ thể, giá vàng thế giới trong thời gian qua đang dao động trong biên độ từ 1.870 - 1.950 USD/ounce, có thể nói là gần như đi ngang và chưa tạo ra một xu hướng nhất định nào.
Có thời điểm vàng tăng mạnh lên mức 1.980 USD/ounce, nhiều người cứ tưởng kim loại quý sẽ "bung" qua mức 2.000 USD/ounce, nhưng gặp ngay lực bán mạnh khiến giá "quay xe" sụt giảm. Điều này đã lặp đi lặp lại vài lần gần đây, cho thấy cản lực vẫn rất mạnh. "Thậm chí ngay khi các yếu tố hỗ trợ vàng tăng giá như đồng USD yếu đi (về mức thấp nhất trong vòng 15 tháng) mà vàng vẫn không thể qua được mức giá 2.000 USD/ounce. Chưa kể mới đây Mỹ công bố tăng lãi suất USD lần thứ 11, mức cao nhất trong vòng 22 năm qua, lên 5,25 - 5,5%/năm, kéo lạm phát xuống về gần mục tiêu 2%; hay GDP tăng trưởng tốt cho thấy kinh tế Mỹ chưa rơi vào suy thoái…
Những thông tin này càng khiến vàng khó có thể tăng cao", ông Nguyễn Ngọc Trọng nói và cho rằng thị trường vàng cần một yếu tố khá mạnh để có thể tăng vượt qua mức 2.000 USD/ounce, lúc đó có thể lên 2.200 USD/ounce. Còn hiện tại các nhà đầu tư khá thận trọng khi giá tiến gần 2.000 USD/ounce. Đây cũng là một lực cản để vàng bứt phá.
Trước tình cảnh các cửa hàng kinh doanh vàng tại TP.HCM, Hà Nội... đóng cửa hàng loạt, người tiêu dùng mua vàng của những tiệm này đứng trước nguy cơ lỗ nặng. Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty vàng bạc đá quý Phú Thọ - SJC, cho hay khi các tiệm vàng đóng cửa, khách hàng của những tiệm này có thể bán vàng ở những tiệm khác. Lúc này, tiệm mới sẽ đo lại chất lượng và trọng lượng vàng. Khả năng cao khách hàng sẽ phải chịu thiệt khi những cửa hàng này thu lại sản phẩm của cửa hàng khác.
Độ ì của giá vàng cũng ngày càng nặng. Đơn cử gần đây nhiều thông tin các nước tăng mua vàng trên thị trường như Hiệp hội Vàng Trung Quốc (CGA) vừa công bố nước này (thị trường tiêu thụ vàng đứng thứ hai trên thế giới) đã sản xuất gần 178,6 tấn vàng trong 6 tháng đầu năm, tăng 2,24% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu vàng thô tăng 17,5% lên tổng cộng 65 tấn. Mức tăng tiêu thụ vàng ở Trung Quốc trong giai đoạn này còn ấn tượng hơn, tăng 16,37% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 554,88 tấn. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cũng đã tăng cường mua vàng vào năm 2023 khi mua 21 tấn vàng trong tháng 6. Đây là tháng mua thứ tám liên tiếp, tổng cộng 165 tấn, tổng dự trữ vàng hiện lên tới 2.113 tấn. Thế nhưng lực mua vàng trên thị trường hiện vẫn chưa đủ để kim loại quý quốc tế tăng giá.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng lý giải trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khi giá vàng tăng cao sẽ xuất hiện lực bán vàng ra từ các ngân hàng trung ương và các công ty khai thác vàng. Nhiều nước bán ra lượng dự trữ vàng để có nguồn tiền trang trải, đặc biệt những nước có địa chính trị biến động. Tại thị trường VN gần đây, nhiều người cũng có nhu cầu bán vàng nhiều hơn so với mua vào. Đó chính là lý do vàng chưa thể "bung nóc" như mong muốn của giới đầu tư.
Cùng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty vàng bạc đá quý Phú Thọ - SJC, cho rằng giá vàng vẫn chưa thể xác định được xu hướng. Theo các nhà phân tích trên thị trường quốc tế, trong quý 3, giá kim loại quý dao động từ 1.900 - 2.000 USD/ounce, với biên độ 100 USD/ounce, tương ứng khoảng 3 triệu đồng/lượng. Ông Hải dự báo lúc này giá vàng miếng SJC chỉ có thể đi ngang, giá vàng nhẫn thì có thể biến động lên xuống cùng giá thế giới. Thế nhưng hiện nay chưa có tín hiệu nào rõ rệt để tham gia thị trường, người có tiền nhàn rỗi tốt nhất không tham gia giai đoạn này để tránh lỗ.
Bình luận (0)