Vàng SJC quay đầu tăng mạnh trong sáng 17.11 |
ngọc thắng |
Trưa 17.11, giá vàng miếng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC tăng 650.000 đồng/lượng so với mức giá mở cửa đầu ngày, lên 61,4 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra lên 62,2 triệu đồng/lượng. Mức giá cao nhất mà Công ty SJC đưa ra là 62,25 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào, chỉ cách mức kỷ lục đạt hồi tháng 8.2020 khoảng 50.000 đồng/lượng, ở 62,3 triệu đồng/lượng. Eximbank liên tục thay đổi giá trong buổi sáng 17.11 với 20 lần, lên mức cao nhất ở 62,2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra và mua vào 61,5 triệu đồng/lượng…
Vàng SJC tăng bất thường trong khi giá thế giới gần như không tăng so với đầu ngày, chỉ quanh mức 1.855 USD/ounce. Điều này dẫn đến giá vàng nội địa cao hơn quốc tế lên đến 11,2 triệu đồng/lượng. Mức độ rủi ro gia tăng nên các đơn vị kinh doanh vàng cũng đẩy khoảng cách giá mua và bán lên 700.000 - 800.000 đồng/lượng thay vì mức 500.000 - 700.000 đồng trước đó.
Trong khi vàng miếng SJC biến động nhộn nhịp thì vàng nữ trang, nhẫn cùng chất lượng 4 số 9 khá ổn định ở mức cao. Công ty SJC mua vào vàng nhẫn với giá 53,15 triệu đồng/lượng và bán ra 53,95 triệu đồng/lượng; vàng nữ trang có giá 52,85 triệu đồng/lượng và bán ra 53,55 triệu đồng/lượng. Vàng nữ trang đang có mức giá cao hơn quốc tế 2,5 triệu đồng/lượng.
Mối đe dọa lạm phát ngày càng tăng đã làm thay đổi tâm lý trên thị trường vàng quốc tế. Các quỹ đầu cơ tăng đáng kể đặt cược kim loại quý tăng giá để bảo vệ sự giàu có của họ, theo các nhà phân tích sau khi xem xét dữ liệu mới nhất từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC). Báo cáo Cam kết thương nhân phân tách của CFTC kết thúc vào ngày 9.11 cho thấy các nhà quản lý tiền tệ đã tăng tổng các vị thế mua đầu cơ của họ trong hợp đồng vàng tương lai trên sàn Comex thêm 31.189 hợp đồng lên 168.133. Đồng thời, các vị thế bán giảm 9.182 hợp đồng xuống 41.523. Hợp đồng dài hạn hiện ở mức 125.610 hợp đồng, tăng hơn 47% so với tuần trước, cao nhất kể từ đầu tháng 7.2020.
Bình luận (0)