"Ốc đảo" thành phum, sóc
Vùng đất Beng Per ở huyện Prasat Balang, tỉnh Kampong Thong, Vương quốc Campuchia vốn là nơi cư ngụ của những người Kuy - một dân tộc thiểu số. Trước đây, họ sống chủ yếu trong những khu rừng sâu với nghề trồng trọt, hái dây leo… Vào năm 2010, khi những cán bộ của Công ty TNHH cao su Mekong - Kampong Thom thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất Beng Per, họ đã phải nằm lòng những thông tin về cộng đồng bản địa. Bởi, để 6.000 ha rừng cao su của Việt Nam được phủ xanh trên vùng đất xa xôi, tạo công ăn việc làm cho 1.200 nhân công, trong đó 100% là lao động bản địa, thì họ buộc phải hiểu mảnh đất này hơn ai hết.
Seng Meakara, cô gái người Kuy đã có 6 năm gắn bó với công việc lấy mủ cao su tại Công ty TNHH cao su Mekong - Kampong Thom. "Nơi đây như phum của mình và gia đình. Có trường học, chỗ làm, trạm y tế… Mình có con gái cũng học ở đây, không phải đi làm xa như trước đây nữa", Meakara nói. Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó giám đốc Công ty TNHH cao su Mekong - Kampong Thom chia sẻ: "Với chính sách ưu tiên người bản địa là nhân lực chính, hầu hết dân cư ở Beng Per nay trở thành công nhân của công ty, cứ một nhân công đảm nhiệm 6,5 ha đất trồng cao su khai thác lấy mủ".
Trong ký ức của ông Toàn và các cán bộ đầu tiên qua Campuchia đầu tư trồng cao su, những khó khăn ban đầu khó có thể hình dung hết được. Từ ngôn ngữ đến thời tiết khác biệt, gây khó khăn cho việc chọn cây giống, thu hút lao động ban đầu người Kuy có tập quán du canh du cư. "Nếu họ vào làm cao su thời kỳ đầu thì lương thấp trong khi rừng còn nhiều, nên họ vẫn quay về làm rừng. Sau này lương cao hơn, rồi do biên giới giáp với Thái Lan, họ tìm hiểu về giá trị cây cao su nên chọn làm công nhân nhiều hơn. Nay công ty không thiếu lao động nữa. Ngay cả thời dịch Covid-19 cũng không thiếu", ông Toàn nói.
"Từ những nhóm người sống riêng lẻ trong rừng, du canh du cư theo mùa, theo rừng, nay người Kuy đã có phum, sóc (ấp, làng) ngay trên quê hương mình và hòa nhập vào cuộc sống mà dòng chảy cao su đã mang lại sự đổi thay ngày càng tốt đẹp hơn", anh Sith Leang, công nhân Nông trường 1 bộc bạch.
Đi thật xa để "vàng trắng" trở về
Trong câu chuyện được chia sẻ từ các cán bộ, nhân viên Công ty TNHH cao su Mekong - Kampong Thom, họ nói rằng mở đường cao su đã khó, mở lòng người với cao su còn khó hơn. "Năm 2007, khi tôi còn làm ở Công ty cao su Tân Biên (thuộc VRG), nghe nói nhận nhiệm vụ đi nước ngoài, tôi vừa mừng vừa lo. Đặt chân đến Beng Per, cả đoàn phải lội bộ 12 km vì xe không vào được sâu. Thực sự mà nói, tâm lý anh em ở lại vì chế độ lương cao hơn so với làm ở VN. Nhiều anh em hy sinh xa gia đình để lo cho tương lai con cái. Trước kia khu vực này còn không có điện. Mỗi tháng anh em có 26 ngày làm, 6 ngày nghỉ về nhà, trong đó mất 2 ngày di chuyển đi về nên chỉ còn lại 4 ngày để ở cùng gia đình. Bởi vậy nên nói thật, đi khai hoang làm cao su đã khó, mà làm cách nào để thuyết phục anh em mở lòng làm cao su còn khó hơn", ông Nguyễn Văn Toàn chia sẻ.
Nhưng hôm nay thì sao? Sau 14 năm kể từ ngày gầy dựng hơn 6.000 ha đất trồng cao su, những thành viên thuộc Công ty TNHH cao su Mekong - Kampong Thom đã thực sự hòa nhập với mảnh đất này? Anh Lâm Thái Bình, nhân viên phòng tổ chức hành chính, với 9 năm làm việc ở công ty, giãi bày: "Người đi trước tiếp bước người đi sau, cứ như vậy đến nay công ty đã có gần 70 anh em người Việt đang làm việc gián tiếp và trực tiếp ở đây. Cuộc sống gia đình ổn định và tình cảm gắn kết là điều quan trọng để họ gắn bó với công ty".
Anh Trần Quốc Tài, quê Sóc Trăng, 45 tuổi, làm tài xế của công ty được 2 năm đi cùng chúng tôi trong hành trình được về nhà nghỉ phép, thăm con gái đang học năm cuối đại học ở Vĩnh Long. Niềm vui khấp khởi của bác tài này không chỉ là lần về phép, anh khoe: "Con gái tôi sắp ra trường rồi. Hồi đó ở Sóc Trăng làm ruộng rồi mở tiệm sửa xe máy nhưng không ổn định. Con gái tui khi ấy lại mới vào đại học, sợ lo không nổi. May có người giới thiệu về công ty chạy xe nên thu nhập ổn định, thêm chắt bóp nên gồng gánh được lo cho con ăn học. Sắp tới nếu công ty chịu nhận, con tui cũng muốn qua đây làm với ba".
Để thu hút công nhân, ban lãnh đạo công ty cũng đưa ra các chính sách hỗ trợ người bản địa khu nhà ở, chế độ bảo hiểm, hưu trí theo chính sách của Chính phủ Hoàng gia Campuchia. Ngoài ra, công tác đào tạo công nhân cạo mủ cao su cũng có chế độ trả lương trong quá trình học nghề. "Từ ngày có cao su về là có điện, đường, trường, chùa cũng bao quanh khu nhà ở công nhân. Nhờ đó mà bà con an tâm đưa gia đình đến ổn định cuộc sống, tập trung vào công việc", anh Chiyoun Choeun, 29 tuổi, làm được 2 năm ở công ty nói.
Đi thật xa để đưa "vàng trắng" trở về, đó là điều mà các cán bộ, công nhân của Công ty TNHH cao su Mekong - Kampong Thom luôn đồng lòng nhắm tới trong định hướng phát triển lâu dài.
Công ty TNHH cao su Mekong - Kampong Thom trực thuộc VRG, thành lập năm 2010. Đầu năm 2011, công ty đã thành lập 2 đơn vị trực thuộc là Nông trường 1 - phụ trách gần 3.000 ha và Nông trường 2 phụ trách hơn 2.700 ha. Năm 2023, công ty thành lập nhà máy chế biến mủ cao su với công suất 9.000 tấn/năm.
Hiện nay diện tích đất công ty quản lý khoảng 6.000 ha. Diện tích trồng cao su là 5.714 ha trong đó tỉnh Kampong Thom là 4.146 ha, tỉnh Preah Vihear là 1.567 ha. 100% diện tích trồng cao su đã đưa vào khai thác và cho ra sản phẩm. Thu nhập bình quân của lao động trực tiếp tại công ty khoảng 6,5 triệu đồng/tháng.
Còn tiếp
Bình luận (0)