Theo báo cáo tiến độ dự án Vành đai 3 TP.HCM mà Sở GTVT TP vừa gửi Bộ GTVT, dự án cần khoảng 1,6 triệu m3 đất đắp nền đường; khoảng 7,2 triệu m3 cát đắp nền đường; cát xây dựng khoảng 1,5 triệu m3 và đá xây dựng các loại khoảng 4,4 triệu m3.
Kết quả khảo sát thực tế tại các địa phương cho thấy, đất đắp nền đường, cát xây dựng, đá xây dựng các loại cơ bản đảm bảo nguồn cung ứng cho dự án. Riêng khoảng 7,2 triệu m3 cát đắp nền đường đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp.
UBND TP.HCM cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh và Đồng Tháp để điều phối, thực hiện cam kết khối lượng cụ thể tại các mỏ khoáng sản trên địa bàn các tỉnh phục vụ dự án Vành đai 3. Đồng thời gửi UBND các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh về chủ trương cho phép sử dụng nguồn cát tại khu vực hồ Dầu Tiếng phục vụ cho dự án. Song, hiện nay các địa phương này chưa có ý kiến phản hồi theo đề nghị của thành phố.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lương Minh Phúc cho biết, theo báo cáo của tổ công tác vật liệu liên tỉnh, nguồn cát đắp nền đã đáp ứng khoảng 5,8 triệu m3 (đạt khoảng 80,5%), sẵn sàng phục vụ cho công tác khởi công dự án và phục vụ thi công trong các năm 2023, 2024, đầu năm 2025.
Riêng đối với 1,4 triệu m3 còn lại (phục vụ thi công năm 2025), tổ công tác cũng đã làm việc với các địa phương về các mỏ có thể đảm bảo cung cấp đầy đủ khối lượng này, đồng thời sẽ tiếp tục tiến hành các thủ tục liên quan với Bộ Tài nguyên - Môi trường và các địa phương trong thời gian tới.
"Tóm lại là đến thời điểm hiện nay, nguồn vật liệu cung cấp cho Vành đai 3 đã sẵn sàng và các đơn vị sẽ có biện pháp đảm bảo phục vụ công tác thi công liên tục đến khi hoàn thành dự án" - ông Lương Minh Phúc khẳng định.
Phía chủ đầu tư thông tin thêm: Hiện nay hồ sơ thiết kế kỹ thuật của 4 gói thầu xây lắp (sẽ khởi công cuối tháng 6 năm 2023) đã được Sở GTVT thẩm định và đã được Ban phê duyệt. Từ nay đến cuối tháng 6, chủ đầu tư sẽ triển khai tổ chức đấu thầu lựa chọn các nhà thầu xây lắp, tư vấn và ký kết hợp đồng để khởi công công trình.
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, TP.Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh đã phê duyệt chính sách bồi thường hỗ trợ, tái định cư của dự án. Ban QLDA CTGT đã chuyển kinh phí bồi thường đợt 1 cho TP.Thủ Đức và các huyện số tiền hơn 5.624 tỉ đồng. Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương chi trả tiền bồi thường đợt 1 cho các hộ dân, dự kiến bàn giao 70% mặt bằng trong tháng 6 để đáp ứng tiến độ khởi công 4 gói thầu xây lắp.
Bình luận (0)