Vành đai 4 Hà Nội chậm tiến độ do các sở đùn đẩy, né tránh

13/06/2024 16:08 GMT+7

Theo lãnh đạo Ban tổ chức Thành ủy Hà Nội, việc không đảm bảo tiến độ thực hiện dự án Vành đai 4 - Vùng thủ đô có một phần nguyên nhân từ sự đùn đẩy, né tránh của cấp phòng ban chuyên môn thuộc các sở TN-MT, KH-ĐT, Tài chính của UBND TP.Hà Nội.

Sáng 13.6, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban chỉ đạo Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô, đã đi kiểm tra thực địa và làm việc với địa phương liên quan của TP.Hà Nội trong triển khai dự án Vành đai 4 - Vùng thủ đô.

Vành đai 4 Hà Nội chậm tiến độ do các sở đùn đẩy, né tránh - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng làm việc với các sở, ngành, địa phương sáng 13.6

KHẮC HIẾU

Sau khi Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.Hà Nội báo cáo về tiến độ của dự án, ông Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, cho rằng một số nội dung liên quan đến dự án dù đã được lãnh đạo thành phố kết luận, yêu cầu nhưng chưa được các Sở TN-MT, KH-ĐT, Tài chính đẩy nhanh tiến độ dù thuộc thẩm quyền.

"Cái này không phải xin ai. Đọc báo cáo thấy rất đơn giản, như thẩm định đầu đi, đầu đến (thẩm định giá đất đầu đi - đầu đến cho các khu tái định cư - PV)… Vấn đề này nằm trong các sở", ông Bảo nói và nhấn mạnh có sự đùn đẩy, né tránh từ cấp phòng ban chuyên môn thuộc các sở.

Phát biểu kết luận, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, kết quả giải phóng mặt bằng hiện chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Vì vậy, đòi hỏi mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ, đã quyết liệt rồi, phải quyết liệt hơn nữa.

Theo ông Dũng, công tác giải phóng mặt bằng hiện nay có vướng mắc chính là cơ chế chính sách và thủ tục hành chính. Trong đó, vướng mắc trong thủ tục hành chính "nói mãi rồi" và đã có rất nhiều giải pháp đưa ra như: phân cấp, phân quyền; quy trình công tác; Chỉ thị 24-CT/2023/TU chống đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.

Vành đai 4 Hà Nội chậm tiến độ do các sở đùn đẩy, né tránh - Ảnh 2.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nghe báo cáo về tình hình thi công đường song hành tại địa bàn H.Mê Linh

KHẮC HIẾU

"Chúng ta có chế tài rồi, các ban Đảng làm thử xem có thấy chỗ nào lấn cấn không, có thấy chỗ nào phải xử lý không là mình phải xử lý, lập tức sẽ nêu gương cho các chỗ khác… Chọn ra làm vài điểm, có kết luận rõ ràng, người tốt thì biểu dương, người chưa tốt, chỉ vừa vừa thì nhắc nhở còn nếu nặng thì phải xử lý", ông Dũng nói và đề nghị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ban Tổ chức Thành ủy vào cuộc giám sát thực thi công vụ của cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị nhằm tạo đột phá trong thủ tục hành chính.

Nêu các nhiệm vụ cụ thể, Bí thư Đinh Tiến Dũng yêu cầu các địa phương tập trung giải phóng mặt bằng dứt điểm 242 ngôi mộ còn lại để bảo đảm tiến độ thi công đường song hành. Đồng thời, tiếp tục giải quyết vướng mắc, chế độ, xác định xong đầu đi, đầu đến đối với các trường hợp đất ở với tinh thần là bảo đảm đầy đủ chế độ chính sách, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân. Các sở, ngành phải chủ động vào cuộc, tháo gỡ vướng mắc.

"Hiện nay, có tình trạng cùng cấp nhưng sở này lại phải trình báo cáo sang sở kia trước khi trình UBND thành phố. Nếu do quy chế, phải xem xét chỉnh sửa quy chế làm việc, quy chế phối hợp, không để công việc chậm trễ kéo dài vì chủ quan", ông Dũng nhấn mạnh.

Sau cùng, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh các phần việc, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng tháo gỡ khó khăn giải phóng các công trình ngầm, nổi, nhất là đường dây 500 kV và phấn đấu xong trong quý 3/2024.

Giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng tiến độ

Báo cáo của Ban QLDA thể hiện, trong 6 tháng qua, công tác giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp cơ bản đáp ứng tiến độ. Tuy nhiên, các công tác khác như giải phóng mặt bằng đất ở, tái định cư và di chuyển công trình ngầm nổi chưa đáp ứng theo tiến độ chỉ đạo.

Đến thời điểm hiện tại, các địa phương chưa hoàn thành lựa chọn nhà thầu di chuyển ngầm nổi, dẫn đến không thể áp dụng được cơ chế đặc thù về chỉ định thầu của dự án theo Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16.6.2022 của Quốc hội. Về công tác di chuyển điện cao thế, đến nay Ban QLDA chưa triển khai công tác di chuyển các tuyến cáp điện, đấu nối đóng điện đáp ứng tiến độ.

Cụ thể, đối với đất ở, đất nông nghiệp và di chuyển mộ của các địa phương, đến nay đã giải phóng mặt bằng 774,26/791,21 ha (đạt 97,86%); di chuyển 10.104/10.346 ngôi mộ. Hoàn thành 13/13 khu tái định cư (tăng thêm được 12 khu) và một số địa phương đã phê duyệt giá đất đầu đi - đầu đến, thực hiện tái định cư cho các hộ dân.

Các địa phương đã thu hồi và phê duyệt được 1,368/9,96 ha và đang triển khai công tác lập phương án bồi thường hỗ trợ diện tích còn lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.