'Vào cuộc' khi nào thì đúng lúc?

09/05/2024 04:02 GMT+7

Mới đây, cơ quan quản lý văn hóa đã đề nghị "thẩm định lại" cuốn sách của tác giả Ocean Vuong và "làm việc" với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng về trang phục biểu diễn của ca sĩ này sau khi có những ý kiến trái chiều ồn ào trong dư luận.

Trước đó, một số đoạn trích từ bản dịch tiếng Việt tác phẩm Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian của Ocean Vuong đã tạo nên những tranh cãi dữ dội khi một phụ huynh có con học trường quốc tế ở TP.HCM đưa lên mạng và cho biết tác phẩm này được giáo viên giao cho con chị là học sinh lớp 11 về nhà đọc. Phụ huynh cho rằng đây là tác phẩm hoàn toàn không phù hợp để đưa vào nhà trường.

Có không ít ý kiến đồng tình với phụ huynh này; ngược lại, cũng không ít người dẫn ra hàng loạt giải thưởng tại Mỹ mà tác phẩm và tác giả nhận được để chứng tỏ rằng đây là một cuốn sách có giá trị văn chương hẳn hoi.

Sự việc liên quan trang phục biểu diễn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng gây chú ý không kém. Trong show Ngày em thắp sao trời tối 4.5 tại TP.HCM, Đàm Vĩnh Hưng đã mặc trang phục biểu diễn được gắn nhiều huy hiệu. Một số khán giả đã "soi" các huy hiệu này và cho rằng trong đó có huy hiệu mang ý nghĩa nhạy cảm đáng lẽ không nên sử dụng. Một số người thì cho rằng đó chỉ là phụ kiện trang trí cho trang phục biểu diễn, không nên quá quan trọng hóa vấn đề.

Từ góc độ người dân, việc cơ quan chức năng lập tức "vào cuộc" khi dư luận đang ồn ào tranh cãi về một vấn đề nào đó, rồi từ đó có những xử lý, điều chỉnh, thường được coi là động thái tích cực, thể hiện sự quan tâm sâu sát của cơ quan chức năng tới ý kiến dân chúng, tới đời sống văn hóa.

Tuy nhiên, từ góc độ quản lý, liệu cơ quan chức năng có thể mãi chạy theo dư luận để "thẩm định lại", "làm rõ" hay xử lý các vấn đề đang được bàn tán nhiều?

E rằng với sự bùng nổ của mạng xã hội thì điều này về lâu về dài là không thật sự phù hợp với sự vận động của đời sống xã hội, đời sống văn hóa. Mà việc cần làm là từ những sự việc đã xảy ra, nên nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện những quy định, hướng dẫn phù hợp để người sử dụng tác phẩm nghệ thuật, cơ quan tổ chức biểu diễn và nghệ sĩ có thể tham khảo khi cần thiết.

Chẳng hạn, về sách đã xuất bản, chính Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành đã khẳng định: "Về cơ bản, sách đã được cấp phép ra thị trường đều là sách tốt". Vậy thì việc cần bàn là liệu có thể thiết lập một hệ thống phân loại tác phẩm văn học theo lứa tuổi/phù hợp làm tài liệu giảng dạy, tham khảo trong nhà trường để các thầy cô giáo, phụ huynh và cả học sinh có cơ sở lựa chọn?

Về trang phục biểu diễn, trong Nghị định Quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn có điều cấm "sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội". Quy định chỉ ngắn gọn như vậy, nên thỉnh thoảng lại có nghệ sĩ đã bị "thổi còi" vì mặc trang phục bị dư luận và cơ quan quản lý cho là phản cảm. Không ít nghệ sĩ từng bày tỏ mong muốn nghị định quy định rõ hơn về trang phục biểu diễn để họ nâng cao nhận thức và tránh bị phạt. Âu cũng là điều cơ quan quản lý nên lưu tâm. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.