Vào ĐH, CĐ quá dễ !

23/12/2014 05:00 GMT+7

Điều này sẽ xảy ra nếu Bộ GD-ĐT chấp thuận cho một số trường ĐH, CĐ thực hiện đề án tuyển sinh riêng, xét tuyển vào trường chỉ bằng điểm trung bình học bạ lớp 12.

Điều này sẽ xảy ra nếu Bộ GD-ĐT chấp thuận cho một số trường ĐH, CĐ thực hiện đề án tuyển sinh riêng, xét tuyển vào trường chỉ bằng điểm trung bình học bạ lớp 12.

Thông tin tuyển sinh xét tuyển vào các trường chỉ bằng điểm trung bình học bạ lớp 12 trên website
Chỉ xét học bạ 3 môn, mỗi môn 6 điểm 
Tháng 3 đã công bố trúng tuyển !
Dù xét kết quả học tập lớp 12 nhưng theo đề án, Trường ĐH Kinh tế công nghiệp Long An nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1 từ ngày 15.1 đến 28.2 và công bố trúng tuyển vào ngày 3.3!? Tuy nhiên, thời điểm này lớp 12 chưa có kết quả học tập và đến tháng 7 mới thi tốt nghiệp THPT.
Năm 2015, hàng loạt trường áp dụng đề án tuyển sinh riêng có sử dụng kết quả học bạ THPT để xét tuyển. Trong đó nhiều trường chọn hình thức xét tuyển thí sinh chỉ dựa vào điểm học bạ 2 học kỳ năm lớp 12.
Đang được Bộ công bố để lấy ý kiến dư luận, đề án tuyển sinh riêng của Trường ĐH Kinh tế công nghiệp Long An nằm trong trường hợp này. Theo đề án, trường dành tới 60% chỉ tiêu để xét tuyển thí sinh dựa vào kết quả học bạ. Trong phương thức này, trường sử dụng 2 hình thức: Xét tuyển kết quả học tập 5 học kỳ THPT hoặc xét tuyển kết quả học tập 2 học kỳ năm học lớp 12. Riêng với hình thức xét tuyển kết quả lớp 12, thí sinh tốt nghiệp THPT và chỉ cần có điểm trung bình năm lớp 12 của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên sẽ được xét vào ĐH; 16,5 điểm trở lên được xét vào CĐ. Riêng tổ hợp có môn năng khiếu, 2 môn văn hóa cần đạt 12 điểm trở lên, còn môn năng khiếu chỉ cần đạt tối thiểu 5 điểm trong kỳ thi riêng do trường tổ chức.
Tương tự, bên cạnh hình thức xét tuyển thí sinh từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia và điểm trung bình học bạ 5 học kỳ THPT, Trường CĐ Kinh tế công nghệ TP.HCM cũng dành 20% chỉ tiêu để xét điểm trung bình 2 học kỳ năm lớp 12. Theo đó, điểm trung bình theo tổ hợp 3 môn chỉ cần đạt từ 5,5 điểm trở lên.
Đề án tuyển sinh riêng của Trường CĐ Y tế Quảng Ninh dành tới 80% tổng chỉ tiêu để xét tuyển bằng kết quả học tập lớp 12 với điểm trung bình cả năm học này của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển đạt từ 5,5 điểm trở lên. Trường CĐ Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên cũng dành tới 50% tổng chỉ tiêu để xét tuyển học bạ với điểm tổng kết 3 môn năm lớp 12 đạt từ 16,5 điểm trở lên.
Ngoài ra, một số trường khác cũng có hình thức xét tuyển theo 2 học kỳ lớp 12 như: CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn, CĐ Kinh tế kỹ thuật Kiên Giang…
Tạo cơ hội cho thí sinh lơ là năm đầu cấp
Theo thạc sĩ Nguyễn Minh Khoa, Trưởng phòng Đào tạo và công tác học sinh - sinh viên Trường ĐH Kinh tế công nghiệp Long An, đề án tuyển sinh riêng của trường năm 2015 có bổ sung hình thức xét tuyển thí sinh dựa vào kết quả học bạ năm học lớp 12 thay vì chỉ xét kết quả 5 học kỳ THPT như đề án năm 2014. Sở dĩ như vậy, theo ông Khoa, để tạo thêm cơ hội cho thí sinh.
Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Hồng Trang, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, khẳng định việc xét tuyển thí sinh chỉ dựa vào kết quả năm học lớp 12 là “hợp lý”. Bà Trang phân tích: “Đề thi ĐH, CĐ các năm trước và ngay trong kỳ thi THPT quốc gia thì kiến thức lớp 12 là chủ yếu. Vì vậy, việc xét tuyển điểm trung bình học bạ lớp 12 của thí sinh là rất hợp lý về mặt kiến thức. Đó là chưa nói, điểm trung bình học bạ của một năm học được thể hiện qua 2 học kỳ, ở mỗi học kỳ học sinh đều trải qua 2 kỳ thi và nhiều lần kiểm tra. Sự sàng lọc kiến thức suốt một năm học này so với một kỳ thi quốc gia chỉ diễn ra trong một lần về cơ học vẫn đảm bảo hơn”.
Còn đại diện Trường CĐ Kinh tế công nghệ TP.HCM cho rằng việc xét riêng kết quả học tập năm lớp 12 chính là trường tạo điều kiện hơn cho thí sinh. Bởi lẽ, năm lớp 12 là năm có nhiều kiến thức cốt lõi, quan trọng đánh giá năng lực và trình độ của học sinh để đảm bảo đầu vào bậc ĐH, CĐ. “Hơn nữa, có thể ở năm đầu cấp khi mới nhập học, học sinh còn lơ là chưa chú tâm vào học tập. Vì vậy, xét riêng năm lớp 12 chính là tạo điều kiện cho những học sinh có nỗ lực hơn trong năm học quan trọng này”, người đại diện này nhấn mạnh.
Nhận định chung về các đề án này, lãnh đạo một trường ĐH công lập tại TP.HCM cho rằng nếu các đề án này được thông qua, việc xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ theo hình thức này còn dễ dàng hơn việc thí sinh trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Phải tuân thủ dự thảo Quy chế tuyển sinh
Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), nói: “Theo quy định của luật Giáo dục ĐH, cơ sở giáo dục ĐH có quyền tự chủ trong tuyển sinh và có thể lựa chọn phương thức xét tuyển khác nhau như: thi tuyển, xét tuyển, thi tuyển kết hợp với xét tuyển. Các cơ sở giáo dục này phải tự chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng nguồn tuyển và đặc biệt là chất lượng của sinh viên tốt nghiệp”.
Cũng theo ông Nghĩa, hiện nay phần lớn các trường xây dựng đề án tuyển sinh đều chọn song song 2 phương thức: theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia và theo kết quả học tập tại THPT. Đối với phương thức xét tuyển bằng kết quả học tập THPT, các trường dựa vào điểm trung bình các môn học hoặc 3 môn thuộc khối xét tuyển (có thể là kết quả 5 kỳ, 6 kỳ hoặc chỉ kết quả 2 kỳ lớp 12) .
Ông Nghĩa nhấn mạnh, hiện nay Bộ đều cho phép các trường này thực hiện, được tự xây dựng phương thức xét tuyển và tỷ lệ chỉ tiêu dành cho mỗi phương thức xét tuyển, nhưng cần phải tuân thủ các điều kiện được quy định trong dự thảo Quy chế tuyển sinh: tốt nghiệp THPT; ngưỡng điểm trung bình các môn học phải từ 6,0 trở lên đối với bậc ĐH và 5,5 trở lên đối với bậc CĐ; làm rõ chỉ tiêu dành cho mỗi phương thức xét tuyển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.