u thuyền Cù Lao Chàm là nơi trú bão lý tưởng, nhưng sức chứa còn nhỏ - Ảnh: H.X.H |
Ngổn ngang trước bão số 8
Trong báo cáo phát đi chiều tối 17.9 về tình hình kêu gọi tàu thuyền thoát khỏi tầm ảnh hưởng của bão số 8, Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Nam cũng có đánh giá về... năng lực neo đậu tàu thuyền khi xảy ra sự cố ở các âu thuyền. Với 4.154 phương tiện tàu thuyền và khoảng 30.000 ngư dân, bài toán neo đậu gay go không kém. Quảng Nam bố trí neo đậu tàu thuyền ở 15 khu vực, nhưng BĐBP tỉnh nhận xét các âu thuyền này có sức chứa hạn chế, qui mô nhỏ nên gặp nhiều khó khăn mỗi khi có bão. Trong số đó, phía đất liền Hội An có 3 khu vực neo đậu (bến Cửa Đại, bến Cẩm Thanh, bến Cẩm Nam) sức chứa 700 phương tiện; âu thuyền Cù Lao Chàm cũng chỉ neo đậu 200 - 300 phương tiện. 3 khu vực neo đậu ở bến Duy Hải, bến Duy Nghĩa, âu thuyền Hồng Triều (H.Duy Xuyên) đón được khoảng 900 phương tiện. 3 khu vực âu thuyền tại H.Núi Thành có sức chứa tối đa 700 phương tiện. Cũng sức chứa 700 phương tiện, nhưng khu vực Tam Thanh (Tam Kỳ) lại linh hoạt bố trí bởi có đến 5 khu vực neo đậu gồm 4 âu thuyền và 1 bến…
Hình thành từ đợt áp thấp nhiệt đới ngoài biển Đông, bão số 8 đang “trắc nghiệm” phản ứng của nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Ngoài khơi, có ít nhất 800 tàu thuyền của ngư dân Quảng Nam hoạt động ở khu vực từ 9 đến 14 độ vĩ bắc - 111 đến 114 độ kinh đông nhận thông tin hướng dẫn từ các đồn biên phòng, đài tìm kiếm cứu nạn và tránh trú an toàn. Nhưng trong đất liền, tại khu vực trạm kiểm soát cửa Đại và cảng du lịch, Đồn biên phòng Cửa Đại (Hội An) trong quá trình hướng dẫn neo đậu cho tàu, ca nô du lịch thậm chí “kiên quyết cưỡng chế” để buộc một số phương tiện không chấp hành hướng dẫnvào khu vực trú tránh. Nông dân trên địa bàn thì ngổn ngang lo với vụ lúa hè thu chưa thu hoạch hết, do một số địa bàn Tiên Phước, Điện Bàn, Hội An, Thăng Bình, Tam Kỳ sử dụng giống dài ngày và vùng trũng phải sạ trễ nên. Ở khu vực miền núi cao, cũng phải đến cuối tháng 9, đầu tháng 10 mới thu hoạch lúa…
Cảnh báo sớm, nhưng…
|
Từ giữa tháng 7, Quảng Nam đã ban hành chỉ thị số 13/CT-UBND “nhắc nhở” các ngành, địa phương không chủ quan trước diễn biến phức tạp của thời tiết. Trung tâm Khí tượng thủy văn Quảng Nam cũng sớm đưa ra dự báo địa phương có khả năng chịu ảnh hưởng khoảng 2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, tập trung từ tháng 9 đến tháng 11. Từ tháng 9 đến tháng 12, lại có thêm khoảng 7-9 đợt không khí lạnh. Mùa lũ năm nay bắt đầu vào tháng 9 và kết thúc vào tháng 12, khả năng xuất hiện 3-5 đợt lũ và lũ lớn xuất hiện tập trung vào tháng 10 - 11, dự báo đỉnh lũ cũng sẽ cao hơn đỉnh lũ năm 2012.
Thế nhưng, đến đầu tháng 9, Sở NN-PTNT Quảng Nam còn “phát hiện” các chủ đập thủy điện trên địa bàn vẫn chưa xây dựng phương án phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập thủy điện. Chính quyền địa phương phải ra “tối hậu thư”: Chủ đập thủy điện khẩn trương thực hiện phương án trình cấp thẩm quyền phê duyệt trước ngày 30.9, nếu quá thời hạn này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các vấn đề liên quan.
Vùng hạ du Quảng Nam, nơi có hệ thống thủy điện bậc thang Vu Gia - Thu Bồn và nhiều hồ chứa thủy lợi, luôn đối diện nguy cơ mất an toàn và ngập úng nghiêm trọng. Sự chậm trễ trong xây dựng phương án phòng, chống lũ lụt càng gia tăng mối lo. Và cũng như mọi năm, Quảng Nam tiếp tục lên tiếng về các hồ chứa vừa và nhỏ xuống cấp nặng. Có ít nhất 8 hồ chứa như thế nằm trong danh sách đề xuất trung ương hỗ trợ khoảng 250 tỉ đồng đầu tư sửa chữa, nâng cấp ngay trong năm 2014. Ngay trong Công điện số 65/CĐ-TW thúc giục ứng phó bão số 8, Ban chỉ đạo PCLB trung ương cũng đặc biệt lưu ý các địa phương rà soát phương án bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập nhỏ.
Hứa Xuyên Huỳnh
Bình luận (0)