|
Trúng, thất khó lường
Ông Nguyễn Văn Huyến (ngụ xã Khánh Hải, H.Trần Văn Thời, Cà Mau) cho biết hằng năm, cá cơm xuất hiện nhiều từ giữa tháng 7 âm lịch và kéo dài đến cận tết hoặc ra giêng. “Nhiều nhất là khi gió nồm se lạnh từ biển thổi vào. Thời điểm đó, nhiều người may mắn gặp đàn cá lên tới cả tấn, tha hồ hốt bạc”, ông Huyến chia sẻ.
|
Do cá xuất hiện theo mùa vụ và sản lượng khi trồi khi sụt nên nghề khai thác cá cơm cũng khá bấp bênh. Nhưng nhờ kinh nghiệm từ hơn chục năm theo nghề nên ông Huyến luôn đón được luồng cá và trúng nhiều hơn thất. Ông Huyến cho hay hơn tháng nay, bình quân mỗi ngày ông khai thác được khoảng 1 tấn cá, trừ chi phí và ăn chia với người làm công còn lời vài triệu đồng, đủ trang trải và bù đắp lại những lúc biển động cá cơm không xuất hiện.
Tại miền biển Sông Đốc, có khoảng 50 tàu làm nghề khai thác cá cơm. Đây là hình thức khai thác ven bờ, phù hợp với những ghe công suất nhỏ, thường từ mờ sáng đến xế trưa là xong chuyến biển. Theo ông Trần Thanh Quang, bạn cùng nghề của ông Huyến, cá cơm có 3 loại, phổ biến là cá cơm bún (cá cơm nhỏ và trắng như cọng bún); cá cơm đầu nhọn và cá cơm đầu bằng. Giá cá cơm cũng lần lượt theo thứ tự ấy. “Lộc trời cho mà, vô lưới loại nào thì bắt loại ấy thôi. Nhưng vùng biển Sông Đốc này ít khi gặp cá cơm bún, thường chỉ có 2 loại rẻ tiền còn lại”, ông Quang thú thiệt.
Tại một số miền biển khác của Cà Mau như: Cái Đôi Vàm (H.Phú Tân), Rạch Tàu (H.Ngọc Hiển), Tân Thuận (H.Đầm Dơi), Đá Bạc (H.Trần Văn Thời)... cũng đang vào mùa đánh cá cơm. Tùy vào sức gió và đặc thù của từng vùng mà ngư dân có cách “đón luồng” cá cơm từ biển vào đất liền để thu được thành quả cao nhất. Có tàu khai thác một ngày lời 3 - 4 triệu đồng, thậm chí trên 10 triệu nhưng có khi phải chịu lỗ chi phí. “Đó là những lúc dong ghe theo luồng cá cơm nhưng biển động bất ngờ. Nghề này trời yên mới đặng”, ông Nguyễn Văn Hùng (ngụ xã Khánh Hội, H.U Minh), có tàu khai thác cá cơm ven tuyến Vàm Giáo Bảy - Ba Hòn, cho biết.
Giá ổn vì cầu hơn cung
Hiện các doanh nghiệp thu mua và sơ chế cá cơm ở Cà Mau cũng đang hoạt động sôi nổi theo mùa khai thác. Tại Sông Đốc, cá cơm tươi sau khi thu mua, làm sạch được cho vô lò hấp rồi mang ra phơi chật ních các khoảng đất trống ven con lộ nhựa độc đạo về miền biển này. Khách phương xa lần đầu đến đến đây sẽ bất ngờ với mùi thơm đặc thù của cá cơm ngay từ khi còn cách trung tâm thị trấn Sông Đốc hơn 2 cây số.
Dân trong nghề tiết lộ rằng, để được 1 kg cá cơm khô phải tốn trên 3 kg cá tươi. Hiện cá cơm tươi được mua từ 8.000 - 10.000 đồng/kg (tùy chất lượng) và bán ra từ 45.000 - 50.000 đồng/kg. Ông Trần Quốc Khải, chủ một cơ sở thu mua và sơ chế cá cơm ở Sông Đốc, cho biết: “Vào vụ chưa lâu nhưng mỗi ngày chúng tôi thu mua cả chục tấn cá tươi, giá đầu vào cao hơn khoảng 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước nên ai cũng vui”.
Theo lời ông Khải, đầu ra của cá cơm 3 năm gần đây khá ổn định, một phần vì doanh nghiệp đầu tư, cải tiến trang thiết bị… để cho ra lò những mẻ cá cơm khô an toàn vệ sinh và đảm bảo chất lượng. Doanh nghiệp cũng chú trọng bao bì, nhãn mác cũng như xuất xứ hàng hóa nhằm xây dựng tên tuổi và thương hiệu ổn định lâu dài trên thị trường.
Ông Phạm Văn Tình cho biết ông chuyên thu mua cá cơm khô ở Sông Đốc cung cấp cho thị trường miền Đông Nam bộ và Tây nguyên. Trong đó, Tây nguyên là đầu ra giàu tiềm năng cho cá cơm, đặc biệt là cá cơm bún và cá cơm đầu nhọn. “Vào mùa cá chưa lâu nên thị trường còn hút hàng lắm, có bao nhiêu cũng bán hết, giá cả cũng nhỉnh hơn so với trước. Song, vào cao điểm thì chưa biết thế nào vì cung phụ thuộc cầu nhưng kinh nghiệm cho thấy thời điểm tết giá cả luôn tăng”, ông Tình nói.
Hằng Ni
>> Gian nan nghề đánh cá cơm
>> Ngư dân Lý Sơn bội thu cá cơm
>> Ngư dân Lý Sơn được mùa cá cơm than
>> Cá cơm khô mùa biển động
Bình luận (0)