|
Tại hội nghị về công tác đảm bảo an ninh trật tự du lịch do Công an TP.HCM và Sở VH-TT-DL tổ chức mới đây, Công an TP.HCM khuyến cáo các khách sạn nâng cao cảnh giác để bảo vệ tài sản của du khách.
Muôn hình vạn trạng
Theo đại úy Nguyễn Văn Lợi (Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP.HCM), không chỉ ở ngoài đường, gần đây kẻ trộm còn ăn mặc đàng hoàng vào thuê phòng khách sạn bằng giấy tờ giả để theo dõi du khách. Khi thấy họ rời phòng đi ra khỏi khách sạn chúng dùng khóa vạn năng mở cửa để ăn cắp tài sản rồi tẩu thoát. Sự vụ chỉ bị phát hiện khi khách đi chơi trở về phòng và thấy tài sản của mình bị mất.
|
Tình trạng trộm trà trộn để ra tay, nhất là thời điểm khách làm thủ tục nhận phòng và trả phòng, hành lý để ở sảnh cũng được cảnh báo. Đặc biệt, khách lưu trú ở những khách sạn hạng sang luôn được đưa vào tầm ngắm của cướp giật. Nhiều khách sạn 5 sao bị ám ảnh bởi khách của mình liên tục bị cướp giật. Ông Nguyễn Phát Việt, đại diện khách sạn Nikko (Q.1, TP.HCM), cho biết năm 2012 khách của khách sạn gặp 15 vụ cướp giật khi đi chơi ở bên ngoài; 3 vụ tài xế taxi trấn lột khách ngay tại cổng chợ Bến Thành. Qua năm 2013, khách sạn tiếp nhận 26 vụ khách bị cướp giật; 4 vụ khách bị taxi dù trấn lột ở chợ Bến Thành. Từ tháng 1 - 7.2014, khách ở Nikko bị 9 vụ cướp giật, 3 vụ móc túi, 1 vụ taxi dù trấn lột và đặc biệt, 1 khách đi xích lô từ Sài Gòn Square trên đường Lê Lợi đến Hội trường Thống Nhất bị “chém” 500.000 đồng.
Các hãng lữ hành cũng nơm nớp lo sợ khách của mình bị cướp giật. Ông Phan Xuân Anh, Tổng giám đốc Công ty Du ngoạn Việt (chuyên đón khách tàu biển quốc tế), than thở ở trung tâm TP.HCM không có bãi đậu xe để thả khách tham quan, mua sắm. Vì thế, xe công ty ông phải đậu ở khu vực nhà thờ Đức Bà rồi từ đây khách đi bộ vào trung tâm nhưng “đi bộ càng xa rủi ro bị cướp giật càng lớn", ông Anh nói.
Đi chơi không dám mang tiền
Phó phòng Lữ hành (Sở VH-TT-DL TP.HCM) Nguyễn Đức Chí cho biết 6 tháng đầu năm nay xảy ra 68 vụ xâm hại tài sản của người nước ngoài. Số liệu các vụ từng năm giảm dần. Tuy nhiên, thực tế số vụ xảy ra nhiều hơn nhưng khách không khai báo vì không đủ chứng cứ hoặc lo ngại thủ tục rườm rà. Theo ông Chí, tình trạng cướp giật tài sản của du khách đang là vấn đề bức xúc, gây tâm lý hoang mang và cảm giác không an toàn khi đi du lịch ở TP.HCM. Không ít du khách đã hoảng sợ và cho rằng sẽ không dám trở lại.
|
Ông Việt cho biết thêm có trường hợp khách bị cướp giật vào ban đêm đã lên công an phường trình báo, công an hẹn sáng hôm sau, tới sáng thì hẹn lại chiều do trực ban đi họp. Khách không thể đợi bởi trưa họ phải trả phòng và về nước. Đại úy Lợi thừa nhận đang tồn tại thủ tục hành chính rườm rà trong các trường hợp tiếp nhận trình báo khách bị cướp giật, nên cần xử lý nhanh gọn và công an địa phương phải chấn chỉnh thái độ tiếp nhận. “Cũng có trường hợp ở các địa phương còn đẩy đuổi, không tiếp vì cho rằng du khách báo bị xâm hại giả để về nước lấy tiền bảo hiểm”, ông Lợi nói. Vì thế, nhiều khách không trình báo công an sở tại mà đến lãnh sự quán. Sau đó lãnh sự quán tập hợp nhiều người trình báo trong một thời gian dài rồi mới gửi công hàm đến Công an TP.HCM.
Trước tình trạng cướp giật phức tạp, Công an TP.HCM đề nghị các công ty du lịch, hướng dẫn viên nên nhắc nhở du khách khi ra đường phải có ý thức cảnh giác phòng ngừa; không nên mang theo tài sản quý... Nhưng ông Phan Xuân Anh cho rằng không dặn dò khách kỹ về cướp giật thì không được, còn đề cập quá nhiều đến chuyện này sẽ khiến khách sợ du lịch tới VN. Khách đi du lịch thì phải chụp hình, nhưng luôn phải hồi hộp, lo lắng vì sợ cướp giật. Đến TP.HCM du lịch là để xài tiền, nhưng luôn được căn dặn phải cất tiền ở khách sạn thì làm sao mua sắm, chi tiêu.
N.Trần Tâm
>> Bắt khẩn cấp băng nhóm chuyên cướp giật du khách
>> Du khách nơm nớp lo cướp giật
>> CSGT bắt hai tên cướp giật túi xách của du khách Úc
Bình luận (0)