Bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang, QQ.Sơn Trà, Đà Nẵng) được mệnh danh là "Kinh đô của loài voọc chà vá chân nâu" (Pygathrix nemaeus nemaeus) vì chiếm đến 25% tổng số cá thể tại Việt Nam.
Khi nghe chúng tôi hỏi chuyện về voọc chà vá chân nâu hay voọc chà vá chân đỏ ở bán đảo Sơn Trà, anh Phan Văn Mùi - Hạt phó Hạt Kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn (Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng) vui vẻ hẳn: "Voọc nớ hả, nhiều người tận mắt nhìn thấy cả đàn. Chúng thường tụ tập ở khu vực rừng phía trước miếu Bà Tiên Sa, dạn người lắm. Ngoài chỗ này, voọc chà vá chân đỏ còn xuất hiện ở khu vực Bãi Bắc, Bãi Lở và trên đỉnh Sơn Trà...".
Đường vào vương quốc voọc
Chúng tôi chọn khu vực miếu Bà Tiên Sa vì nơi đây gần, xe máy có thể chạy tới được và cũng là nơi được cho là có số lượng đàn tập trung đông nhất. Có hai đường ra khu miếu Bà Tiên Sa, đường đi không khó, song khó nhất là phải "xin" mới qua được những vọng gác để có thể tiến sâu vào kinh đô của voọc.
Nhác trông thấy bóng dáng "người lạ đột nhập" vào khu vực miếu, một bảo vệ của đơn vị thi công khu du lịch lập tức xuất hiện. "Có việc chi mà đi lên đây" - anh hỏi hơi lớn giọng. Khi nghe tôi trình bày về chuyện muốn tận mắt ngắm và chụp ảnh mấy chú voọc thì anh cười rất hiền và cho biết tên Nguyễn Tân, người thân thường gọi là Nguyễn Kìa. Anh Kìa mở chuyện: "Đi giờ này làm gì có, mà mùa này cũng không thấy chúng xuất hiện. Lần đầu tui thấy chúng là vào sáng mùng một Tết Canh Dần (2010). Lúc đó tui trực bảo vệ trên công trường. Sáng đó, phía trước miếu Bà Tiên Sa, tui thấy một bầy rất đông, cỡ trên ba chục con chứ không ít. Trông xa giông giống mấy con khỉ, nhưng khi chúng lại gần, thì khắp thân lông lá rực đỏ từ mặt mũi, tay, chân. Nhìn chúng là ưa ngay vì màu lông đa sắc, đẹp và sạch sẽ. Bọn này hay lắm, thấy tui nhưng chúng "giả lơ", cứ chuyền thoắt trên cành. Có nhiều cặp nặng cỡ 8 - 10 kg còn làm "chuyện ấy" ngay trước mắt tui nữa chứ. Nhiều ngày sau, cứ hễ tới phiên trực bảo vệ là y rằng tui thấy chúng nô đùa trên những ngọn cây ở dãy rừng phía trước miếu Bà".
Theo kinh nghiệm của những người sống lâu năm ở đây, tầm sáng sớm mùa xuân, khi những tia nắng vừa xuyên qua những giọt sương long lanh đọng lại trên cành lá, cũng là lúc những chú voọc nhẹ nhàng chuyền cành, mắt dáo dác nhìn quanh cảnh giác. Thời điểm đó là mùa sinh sản của voọc nên chúng dạn hơi người và có lẽ muốn "xuống núi du xuân" nên dễ gặp. Và, khu vực miếu Bà Tiên Sa là nơi chúng chọn để du hí.
|
Kinh đô của Voọc
Sau những cuộc "mây mưa" thỏa chí trên những cánh rừng nguyên sinh ở bán đảo Sơn Trà, nhiều chú voọc con đã ra đời. Cứ vậy, số lượng bầy đàn voọc chà vá chân đỏ ở bán đảo Sơn Trà ngày càng đông bất chấp những ẩn họa về môi trường sống. Tại hội thảo về "hiện trạng đa dạng sinh học" do Sở TN-MT TP Đà Nẵng tổ chức mới đây, ông Vũ Ngọc Thành (Khoa Sinh học trường ĐH KHTN - ĐH QGHN), cho biết: qua điều tra thực địa tại một số khu rừng trên bán đảo Sơn Trà vào năm 2007, đoàn đã xác định được 12 đàn voọc chà vá chân đỏ với số lượng khoảng 171 - 198 cá thể, trung bình từ 6 - 24 cá thể/đàn.
Tuy nhiên, ông Vũ Ngọc Thành cũng cho rằng số lượng voọc chà vá chân đỏ ở Sơn Trà còn có thể cao hơn vì số lượng đàn ghi nhận nói trên chỉ được khảo sát ở một số khu rừng với thời gian hạn chế (chỉ có 8 ngày cho chuyến điều tra). Ông Vũ Ngọc Thành nói thêm, từ tháng 8.2008 đến tháng 6.2010, đoàn đã mở rộng và triển khai nghiên cứu sâu về phân bổ, tập tính, thức ăn đã xác định thêm 6 đàn voọc chà vá chân đỏ mới, nâng tổng số cá thể của chủng quần voọc chà vá chân đỏ tại bán đảo Sơn Trà lên khoảng 300 con.
Hiện tại, đây là chủng quần có số lượng lớn nhất và có khả năng chiếm đến 25% số cá thể của loài này ở Việt Nam. "Như vậy, bán đảo Sơn Trà là một trong số ít khu vực, nếu không nói là duy nhất ở Việt Nam có mật độ cá thể voọc chà vá chân đỏ cao, từ 4 - 5 cá thể/km2" - ông Thành nhận định. Đây là tín hiệu đáng mừng vì trong những tài liệu điều tra, khảo sát, nghiên cứu trước đây (1969, 1973, 1995, 1997) đều cho rằng số lượng voọc chà vá chân đỏ tại bán đảo Sơn Trà là rất thấp và đang suy giảm nghiêm trọng, thậm chí có thể tuyệt chủng cục bộ.
Tiềm ẩn các mối đe dọa
Voọc chà vá chân đỏ - còn gọi là voọc chà vá chân nâu hay voọc ngũ sắc sống tập trung ở Nam Lào và miền Trung Việt Nam (từ Nghệ An - Gia Lai). Mỗi năm sinh một lứa, mỗi lứa chỉ có một con. |
Dù bán đảo Sơn Trà được bảo vệ khá nghiêm ngặt, song theo ông Vũ Ngọc Thành vẫn còn tình trạng săn bắt động vật trái phép. Trong quá trình điều tra thực địa, đoàn nghiên cứu của ông Thành đã phát hiện rất nhiều dãy bẫy thòng lọng cũ, mới tự tạo, mỗi dãy bẫy kéo dài từ 1 - 3km. Mới đây, ngày 25.8.2010, một người dân ở phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) bắt được một chú voọc chà vá chân nâu khoảng 2 tháng tuổi và sau đó đã bàn giao cho Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng. Đây không phải là lần đầu tiên Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng tiếp nhận voọc chà vá chân nâu do dính bẫy bị thương. Đầu năm 2010, Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng đã tiếp nhận 3 trường hợp voọc chà vá chân nâu bị thương từ các đơn vị đang thi công hạ tầng ở bán đảo Sơn Trà.
Nhận thấy nguy cơ hiển hiện, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến "kinh đô" của loài voọc quý hiếm này, mới đây, UBND TP Đà Nẵng đã quyết định phê duyệt đề án Bảo tồn đa dạng sinh học Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà giai đoạn 2010 - 2020 với tổng vốn đầu tư 40 tỉ đồng. Đây là tin mừng cho loài voọc chà vá chân đỏ vốn có biệt danh "Nữ hoàng của các loài voọc".
Hữu Trà
Bình luận (0)