VAR tiếp tục gây tranh cãi dữ dội
Công nghệ trợ lý trọng tài video (VAR) được LĐBĐ thế giới (FIFA) áp dụng nhằm hỗ trợ trọng tài sửa sai tình huống giúp trận đấu công bằng hơn. Tuy nhiên, việc ai có quyền sử dụng VAR trong trận đấu đang bị đặt câu hỏi rất lớn.
Tự động phát
[VIDEO] TRẬN BỒ ĐÀO NHA - IRAN, TRỌNG TÀI ĐÃ SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ VAR
|
Sử dụng VAR đúng hay sai, thú vị hay không thú vị, chắc chắn hiện đang là thắc mắc của không ít người hâm mộ. Thậm chí, giới chuyên gia bình luận thuộc hàng cự phách của bóng đá thế giới mà nổi tiếng phải kể đến trên kênh BBC Sport với các cựu danh thủ như Alan Shearer hay Didier Drogba cũng đang cãi nhau ỏm tỏi.
Chỉ tính sau khi hai bảng đấu A và B kết thúc thì World Cup năm nay có đến 19 quả phạt đền, đã nhiều hơn bất kỳ vòng chung kết World Cup khác trong lịch sử. Trong đó có đến 9 quả được xác định nhờ công nghệ VAR. World Cup năm nay vẫn chưa thi đấu hết vòng bảng, nên chắc chắn con số phạt đền sẽ còn gia tăng giữa bối cảnh VAR sẽ còn liên tục được sử dụng.
Cũng nhờ có VAR, World Cup 2018 cũng xác lập kỷ lục mới đến nay chưa có trận đấu nào kết thúc với tỷ số hòa 0-0.
|
Khách quan có thể nhìn nhận một mặt nào đó VAR đang tạo ra sự thú vị cho World Cup. Tuy nhiên, vấn đề là cách sử dụng VAR đang gây tranh cãi dữ dội và nhiều người đặt câu hỏi quyền sử dụng VAR của trọng tài có công bằng không?.
FIFA cho rằng, áp dụng VAR sẽ mang lại công bằng cho trận đấu, hỗ trợ trọng tài sửa sai các quyết định bắt sai trên sân để điều chỉnh lại cho đúng, hoặc đang phân vân thì sẽ dùng VAR để xác định.
|
Dễ thấy, sử dụng VAR đang thuộc quyền trọng tài chính hoặc sự tư vấn từ tổ trọng tài VAR ngồi trong phòng lạnh trên khán đài, trong khi đó các đội bóng nếu có tình huống tranh cãi muốn xem VAR đều không được.
Đây chính là mấu chốt của vấn đề, vì có một số tình huống trọng tài đã lờ luôn quyền xem VAR. Như vụ LĐBĐ Serbia cáo buộc FIFA đã “ăn cướp” khi không sử dụng VAR để xác định tình huống tiền đạo Mitrovic bị 2 hậu vệ Thụy Sĩ quật ngã xuống sân như võ sĩ đấu vật ngay trong vòng cấm.
|
Hay như sử dụng VAR rồi vẫn đưa ra quyết định gây tranh cãi như quả phạt đền mà tuyển Pháp được hưởng ở trận thắng Úc 2-1 khi tiền đạo Griezmann té ngã trong vòng cấm không thực sự rõ ràng bị phạm lỗi. Đó là lần đầu tiên VAR được sử dụng nhưng đã có ý kiến trái chiều.
Mới nhất là rạng sáng ngày 26.6, siêu sao Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha) đã thoát 1 chiếc thẻ đỏ mười mươi (chỉ nhận thẻ vàng) dù trọng tài đã xem lại VAR thấy rõ với pha đánh cùi chỏ vào mặt cầu thủ Morteza Pouraliganji của Iran.
Chưa hết, ở trận cùng giờ các cầu thủ Ma Rốc còn điên tiết hơn với việc trọng tài Irmatov (Uzbekistan) bẻ còi xem lại VAR công nhận bàn thắng phút cuối của Aspas cho Tây Ban Nha gỡ hòa 2-2. Cầu thủ Nordin Amrabat của Ma Rốc sau trận đã chửi: “VAR chết tiệt”, ngay trước ống kính máy truyền hình quay đang trực tiếp đi khắp thế giới.
|
Các đội được hưởng lợi nhờ VAR thì tỏ ra khá vui vẻ nhưng cũng thừa nhận như HLV Fernando Santos (Bồ Đào Nha) nói: “Có một chút gì đó rất khác lạ ở đây (ý nói việc VAR can thiệp vào trận đấu)”. Trong khi, HLV Carlos Queiroz của Iran đánh giá: “VAR không tốt chút nào”, dù Iran cũng được hưởng 1 quả phạt đền ở cuối trận nhờ VAR để gỡ hòa 1-1. Thế nhưng, ông Queiroz cho rằng VAR không tốt ở tình huống Ronaldo phạm lỗi rõ như vậy mà không bị phạt thẻ đỏ. Ông Queiroz cũng đặt câu hỏi liệu có chăng FIFA dùng VAR để ưu ái những đội mạnh hoặc siêu sao như Messi hay Ronaldo, trong khi các đội “thấp cổ bẻ họng” thì bị xử triệt để là một sự thiếu sự công bằng ghê gớm.
|
Ông Queiroz cũng nói một câu chính xác nhất cho những thắc mắc về VAR hiện nay: “Ai đang thực sự là trọng tài của VAR?”. Ông Queiroz cũng nói thêm: “Chúng tôi đã hỏi FIFA, hỏi họ để biết rằng ai mới là người quyết định trận đấu. Chúng tôi có quyền được biết. Thế nhưng họ im lặng”.
VAR vẫn còn sử dụng, FIFA vẫn im lặng và World Cup thì đang nhảy múa cuồng loạn theo VAR.
Bình luận (0)