Vật liệu xây không nung cho các công trình

27/04/2022 08:00 GMT+7

Các tỉnh thành hiện đang đẩy mạnh việc sử dụng vật liệu xây không nung cho nhiều công trình nhằm góp phần bảo vệ môi trường.

Vật liệu xây tiên tiến

Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLKN) trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ công bố rộng rãi thông qua Quyết định số 567 ngày 28.4.2010 (QĐ567). Quyết định này khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất và kinh doanh VLKN. Các tỉnh thành phát triển sản xuất và sử dụng VLKN để thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả chung cho toàn xã hội.

Cổng vào dự án tại TT.Mái Dầm, H.Châu Thành, Hậu Giang

Nguyễn Đức

Theo QĐ567, hằng năm, toàn quốc sử dụng khoảng 20 triệu tấn phế thải công nghiệp (tro, xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao…) để sản xuất VLKN, tiết kiệm được khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp và hơn 100 ha diện tích chứa phế thải. QĐ567 yêu cầu phát triển sản xuất và sử dụng VLKN thay thế gạch đất sét nung…

Ngày 23.12.2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2171 phê duyệt chương trình phát triển VLKN tại Việt Nam đến năm 2030 (QĐ2171) và nhấn mạnh phát triển VLKN thành một ngành công nghiệp tiên tiến, hiện đại; đáp ứng nhu cầu sử dụng của xã hội; sử dụng hiệu quả tài nguyên đất nông nghiệp; tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường. QĐ2171 yêu cầu phát huy những cơ sở sản xuất hiện có, đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; đa dạng hóa về chủng loại sản phẩm phù hợp với thực tế thi công các công trình xây dựng theo hướng nâng cao năng suất, đáp ứng yêu cầu về chất lượng; ưu tiên phát triển những sản phẩm vật liệu nhẹ, các cấu kiện kích thước lớn để góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành xây dựng; tận dụng tối đa các nguồn phế thải có thể tái chế, tái sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất VLKN; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh và sử dụng VLKN.

Ông Nguyễn Đức Trường (phải) trong một lần đến hãng Poyatos

Thời gian qua, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành nhiều văn bản quy định việc sử dụng VLKN trong các công trình và áp dụng đối với những tổ chức, cá nhân có liên quan tới hoạt động sản xuất, nhập khẩu VLKN, hoạt động đầu tư xây dựng công trình.

Dự án quy mô lớn

Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, UBND tỉnh Hậu Giang đã vạch ra lộ trình khá cụ thể cho việc sử dụng VLKN và kêu gọi doanh nghiệp triển khai dự án nhà máy sản xuất VLKN cung ứng cho các công trình. Ngày 20.1.2020, UBND tỉnh Hậu Giang đã ký ban hành Quyết định số 150 chấp thuận Công ty TNHH MTV Than Trường Sơn (Công ty Than Trường Sơn) thực hiện dự án “Kho bãi than và nhà máy sản xuất VLKN” tại Cụm công nghiệp Phú Hữu A (giai đoạn 1) tọa lạc ấp Phú Thạnh, TT.Mái Dầm, H.Châu Thành, Hậu Giang.

Theo UBND tỉnh Hậu Giang, dự án này quy mô vốn đầu tư lớn, xây dựng theo tiêu chuẩn công nghệ hiện đại, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Nhà đầu tư dự án sử dụng thiết bị công nghệ chế biến than là thiết bị chế biến sàng nghiền sản phẩm (than đá) công nghệ tự động, khép kín, tiên tiến, hiện đại, đảm bảo mới; thiết bị công nghệ sản xuất VLKN được nhập khẩu và nhận chuyển giao công nghệ châu Âu, dây chuyền tự động hóa hoàn toàn, công suất trên 100 triệu sản phẩm/năm, kiểu dáng Megabloc - Poyatos mới nhất, hiện đại, tiên tiến đứng đầu thế giới hiện nay, có nguồn gốc xuất xứ của hãng Poyatos (Tây Ban Nha)… UBND tỉnh Hậu Giang và cơ quan chức năng tại địa phương hỗ trợ nhiều mặt để Công ty than Trường Sơn (email: tscoalhcm@gmail.com; website: www.tscoal.vn) triển khai dự án đúng quy định pháp luật, đảm bảo tiến độ, bảo vệ môi trường; đồng thời thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi liên quan thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, miễn - giảm tiền thuê đất...

Tòa nhà văn phòng dự án

Ông Nguyễn Đức Trường, Giám đốc Công ty Than Trường Sơn, cho biết dự án tại TT.Mái Dầm, H.Châu Thành triển khai trên diện tích 136.052 m2, công suất thiết kế 3 triệu tấn sản phẩm/năm (1 triệu tấn than, 2 triệu tấn VLKN), tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỉ đồng. Sản phẩm và dịch vụ cung ứng ra thị trường là than đá, VLKN từ xỉ than (gạch, ngói xây dựng, gạch lát vỉa hè; các cấu kiện, vật liệu phục vụ ngành giao thông, công trình thủy lợi…) đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Nguồn nguyên liệu chính phục vụ cho sản xuất gồm than đá (nguồn mỏ than Quảng Ninh, than nhập khẩu từ Indonesia, Nga, Úc, Trung Quốc…), xỉ than (nguồn xỉ than thu gom từ những nhà máy nhiệt điện tại Hậu Giang và các tỉnh thành ĐBSCL), cát, xi măng, vôi (nguồn cung từ xi măng Hà Tiên, xi măng Cần Thơ - Hậu Giang; Tân Châu, An Giang; Kiên Lương, Kiên Giang)… Đặc biệt, máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất VLKN nhập về từ Tây Ban Nha cho ra sản phẩm đẹp, bền, chắc, đảm bảo vệ sinh môi trường.

“Đến cuối tháng 3.2022, Công ty Than Trường Sơn đã đầu tư xong giai đoạn 1 hoàn thành cơ sở hạ tầng cho hoạt động kinh doanh than đá và tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 xây dựng nhà máy sản xuất VLKN. Công ty đã ký hợp đồng nhập dây chuyền sản xuất VLKN công suất trên 100 triệu sản phẩm/năm với hãng Poyatos của Tây Ban Nha. Dây chuyền này tự động hóa, hiện đại, tiên tiến hàng đầu thế giới hiện nay. Công ty đảm bảo tiến độ xây dựng dự án và dự kiến quý III/2023 khánh thành đi vào hoạt động. Song song đó, Công ty Than Trường Sơn cũng triển khai cầu cảng bến thủy nội địa tại dự án phục vụ tàu trọng tải lớn hoạt động…”, ông Nguyễn Đức Trường thông tin.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.