Công ty CP Tập đoàn Thái Hòa được xem là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam với 12 công ty con, công ty thành viên từ nam chí bắc. Thế nhưng, 6 tháng đầu năm, Thái Hòa lỗ 212,2 tỉ đồng và lỗ lũy kế lên đến 431,53 tỉ đồng (chiếm 74,72% vốn điều lệ).
|
Tính đến 30.6, tài sản ngắn hạn nhỏ hơn nợ ngắn hạn với mức 550,3 tỉ đồng. HĐQT công ty giải thích từ năm 2008, do xây dựng thêm nhà máy chế biến cà phê tại Lâm Đồng, Buôn Ma Thuột, Sơn La, Lào... và đầu tư trồng cà phê, cao su nhưng các dự án này chưa đi vào hoạt động nên chưa có doanh thu. Bên cạnh đó, năm 2011 và 2012, lãi suất vay tăng mạnh khiến hiệu quả kinh doanh giảm. Cộng với từ cuối năm 2008, do ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế, thị trường xuất khẩu truyền thống bị thu hẹp, giá xuất khẩu giảm mạnh trong khi công ty mua cà phê tích trữ với giá cao. Hàng tồn kho bị giảm chất lượng khiến công ty phải trích lập dự phòng giảm giá đến 54,15 tỉ đồng. Theo công ty kiểm toán, khả năng tiếp tục hoạt động của Thái Hòa phụ thuộc vào kết quả kinh doanh trong quý 3 này, sự hỗ trợ của các tổ chức tín dụng để giãn nợ, tái cơ cấu nợ và kế hoạch bán một phần các tài sản, dự án, công ty con hoạt động không hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm nay, Công ty CP container phía Nam (VSG) bị lỗ 23,54 tỉ đồng, lỗ lũy kế đến hết tháng 6 là 105,4 tỉ đồng (gần bằng vốn điều lệ 110 tỉ đồng). Đó là chưa kể theo đơn vị kiểm toán, nếu chênh lệch tỷ giá được ghi nhận vào kết quả hoạt động kinh doanh sẽ khiến cho con số đến ngày 30.6 lên đến 156 tỉ đồng. VSG sẽ không có nhiều cơ hội thoát lỗ trong những tháng còn lại. Bởi ngành vận tải biển đang cực kỳ khó khăn và khoản nợ ngắn hạn đã vượt tài sản ngắn hạn 75,9 tỉ đồng.
Những trường hợp như Thái Hòa, VSG rất nhiều hiện nay. Theo ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, dù chưa thấy doanh nghiệp (DN) nào công bố phá sản nhưng có nhiều DN trong hiệp hội vài tháng qua không thấy thông báo số lượng hàng sản xuất và tiêu thụ. Nghĩa là họ đã ngừng sản xuất vì sức tiêu thụ quá chậm. Điều này là phù hợp với tình hình chung khi sức tiêu thụ của ngành thép chỉ ở mức 350.000 tấn/tháng, giảm khoảng 30%. Ngay cả những DN lớn như Thép Việt, Pomina cũng phải giảm lượng sản xuất.
Một DN ngành gỗ ở quận 12, TP.HCM cho biết các gói hỗ trợ thuế, lãi suất của nhà nước chưa thấy có hiệu quả gì đối với DN này trong khi giá đầu vào tăng cao (như điện, xăng dầu...). Hiện giá thành sản xuất đã tăng từ 5 - 7% trên một đơn vị sản phẩm so với quý trước nhưng DN này cũng không dám tăng giá bán ra vì sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Bà L.A - Giám đốc DN này cho biết kể từ cuối năm ngoái, các khoản vay của DN đã bị biến thành nợ xấu nên phải chịu lãi suất lên đến 19%/năm. Hiện ngân hàng yêu cầu phải trả nợ cũ mới được vay vốn với lãi suất thấp hơn. Yêu cầu này quá khó bởi đặc thù của ngành gỗ là vòng quay của đồng vốn từ 6 tháng đến 1 năm. Theo bà L.A, chính sách miễn, giảm thuế gần như không phát huy hiệu quả khi DN làm ăn không có lãi. Điều bà cần nhất là nhà nước có chính sách hỗ trợ cụ thể cho từng đối tượng. Với những DN có thời gian quay vòng vốn lâu như ngành gỗ thì cần có những khoản vay ưu đãi trung và dài hạn. Trong bối cảnh hiện nay, đối với các khoản vay cũ lãi suất cao thì DN rất cần được khoanh nợ hoặc hạ lãi suất, cho vay mới.
Mai Phương - Chí Nhân
Bình luận (0)