Thời gian gần đây, để giảm phần nào tình trạng chờ đợi của người bệnh, các BV của TP đã áp dụng mô hình khoa vệ tinh, phòng khám vệ tinh, bên cạnh các chương trình khác như Đề án 1816 (chuyển giao chuyên môn cho tuyến dưới), tổ chức khám sớm, khám thông tầm (không nghỉ trưa), khám ngoài giờ...
BV Ung bướu TP.HCM đã cho xây dựng khoa nội ung bướu vệ tinh trong khuôn viên BV Q.2, với quy mô 1 trệt, 3 lầu, diện tích sử dụng gần 4.000 m2, sức chứa 150 giường nội trú. Nơi đây đã bắt đầu hoạt động đầu năm 2014. Ngoài ra, BV Ung bướu vừa liên kết với BV 175 để san sẻ 50 bệnh nhân xạ trị/ngày và xây dựng BV vệ tinh ở BV đa khoa tỉnh Khánh Hòa, BV Ung bướu tỉnh Cần Thơ.
BV Chấn thương chỉnh hình đã có khoa vệ tinh với 100 giường tại BV An Bình và 50 giường tại BV Q.Tân Phú. BV Nhi đồng 1 cũng có khoa vệ tinh tại BV Q.Tân Phú với 50 giường bệnh, và 150 giường tại BV Q.Bình Tân - giúp giảm gần 16% số lượng chuyển bệnh nhi lên BV tuyến trên.
Bên cạnh đó, Sở Y tế TP.HCM bước đầu triển khai thí điểm phòng khám bác sĩ gia đình tại một số BV quận, huyện như BV Q.10, BV Q.Thủ Đức, BV Q.2, BV Q.Bình Tân...
Trả lời Thanh Niên, bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên - Trưởng khoa Điều trị ngoại của Viện Tim TP.HCM đề xuất: “Cần có giải pháp để những BV chuyên khoa đầu ngành, tuyến cuối ở TP.HCM chỉ giải quyết những bệnh khó, chuyên sâu. Ngay cả, những ca bệnh khó, sau khi giải quyết chuyên sâu thì BV tuyến trên cũng cần chuyển về tuyến dưới hay hệ thống bác sĩ gia đình. Tuyến trên nghiên cứu, rút ngắn số ngày điều trị, nằm viện để không dồn ứ lượng bệnh đông đúc”.
Thanh Tùng
Bình luận (0)