Từ năm 2012, ĐH Quốc gia TP.HCM đã công bố bản dự thảo đề án cải tiến công tác tuyển sinh ĐH theo hướng đánh giá năng lực dựa vào các môn thi tích hợp như: toán, tiếng Việt, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, Anh văn và năng khiếu. Các năm qua, ĐH này đã lập ra tổ công tác đề án cải tiến tuyển sinh chuẩn bị cho đề án ấy.
Tuy nhiên, mới đây bất ngờ ĐH Quốc gia TP.HCM công bố bản dự thảo đề án mới thay đổi hoàn toàn so với trước đó: không tổ chức thi mà chỉ xét tuyển, chủ yếu dựa vào kết quả kỳ thi quốc gia do Bộ tổ chức năm 2015. Lý giải thay đổi này, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc, nói: “Đề án thay đổi cho phù hợp kỳ thi quốc gia của Bộ. Với sự tồn tại của kỳ thi này, nếu ĐH Quốc gia vẫn tổ chức thi riêng sẽ gây áp lực nặng nề cho toàn xã hội”. Đến nay, ĐH này cũng vẫn chưa dám công bố chính thức đề án vì chưa có quy chế chính thức của Bộ.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng từng huy động hết lực lượng của trường để hoàn tất đề án tuyển sinh gửi Bộ vào tháng 8.2014 theo hướng chỉ thi tuyển 2 môn toán và Anh văn. Nay trường này cũng đang chỉnh lại đề án để phù hợp quy định của Bộ: không tổ chức thi riêng, chỉ xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi quốc gia, giữ lại khối thi cũ và có khả năng bổ sung thêm khối D1.
Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM phải chuyển hướng hoàn toàn đề án tuyển sinh mà trường đã công bố trên mạng lấy ý kiến cán bộ, giảng viên nhà trường từ đầu 2014. Nhưng theo PGS-TS Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng, trường vừa thông qua đề án tuyển sinh mới: xét tuyển thí sinh dựa vào kết quả kỳ thi quốc gia, thêm khối D1 bên cạnh các khối thi cũ.
Về sự thay đổi bất đắc dĩ này của các trường, thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết: “Căn bản là các trường không có sự chủ động. Lộ trình cải tiến kỳ thi 3 chung Bộ đưa ra không nhất quán. Văn bản Bộ ban hành càng không nhất quán. Chỉ riêng thời hạn các trường nộp đề án tuyển sinh đã đổi tới 3 lần. Bộ yêu cầu trường xây dựng quy định thực hiện trong đề án nhưng quy chế Bộ chưa có nên các trường phải dựa vào quy chế tuyển sinh năm ngoái. Rốt cuộc là các trường vừa làm đề án vừa học, ít trường nào dám mạnh dạn xé rào để thực hiện một kỳ thi riêng mà đa phần dựa vào kết quả kỳ thi quốc gia”.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Bộ cần sớm ban hành quy chế chung, kèm theo các hướng dẫn cụ thể về những điểm mới của kỳ thi để các trường an tâm chốt đề án. Một khi chưa có quy chế chính thức thì các trường còn hồi hộp lo sợ những quy định thay đổi đột ngột của Bộ về kỳ thi này.
Hà Ánh
>> Bộ GD-ĐT công bố đề án tuyển sinh riêng của các trường ĐH, CĐ
>> Đề án tuyển sinh riêng của 62 trường đại học, cao đẳng
>> 3 trường Cao đẳng ra đề án tuyển sinh riêng năm 2014
>> Thêm 3 trường công bố đề án tuyển sinh riêng
Bình luận (0)