Thế giới đã dùng thuật ngữ “căn bệnh Hà Lan” từ cách đây vài thập niên để cảnh báo các quốc gia sống chủ yếu dựa trên xuất khẩu tài nguyên. Trên thực tế, xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản đã và đang mang về cho VN chúng ta hàng chục tỉ USD mỗi năm; nhưng các chuyên gia đều cảnh báo, phát triển kinh tế dựa vào tài nguyên thô chẳng khác gì “ăn thịt” chính mình.
Lệnh cấm xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản thô có từ sau khi sửa đổi luật Khoáng sản (năm 2011) nhưng xem ra không mấy hiệu quả. Quá nhiều ngoại lệ, dưới hình thức xuất khẩu hàng tồn, đã khiến chúng ta rơi vào tình trạng “cấm cứ cấm, xuất cứ xuất”.
Nếu so sánh 2 mô hình phát triển khác nhau của tỉnh Quảng Ninh (chủ yếu dựa vào tài nguyên khoáng sản) với tỉnh Vĩnh Phúc (hầu như không có tài nguyên khoáng sản) sẽ thấy “căn bệnh Hà Lan” đang hiện diện ở VN. Quảng Ninh đứng thứ năm về tổng thu ngân sách theo con số tuyệt đối. Song, Vĩnh Phúc lại bỏ xa Quảng Ninh về mức thu ngân sách trên tổng mức đầu tư của xã hội.
Sau Nhật Bản và Trung Quốc, mới đây Indonesia đã cấm xuất khẩu tài nguyên, như một cách để “bảo toàn” tài nguyên khoáng sản trong nước. Còn chúng ta phải làm gì để chấm dứt chuyện “vay mượn của tương lai”, hạn chế chảy máu khoảng sản đang diễn ra ồ ạt hiện nay?
Chúng ta vẫn chưa có chiến lược dự trữ tài nguyên khoáng sản cho nhu cầu phát triển kinh tế, đó là một thực tế. Dù luật Khoáng sản đã ra đời từ năm 1996 và qua 2 lần sửa đổi, nhưng tình trạng khá phổ biến hiện nay là ở đâu có khoáng sản, ở đó có khai thác, khai thác tối đa, khai thác bằng mọi giá và khai thác bất kỳ loại khoáng sản nào để xuất khẩu, không quan tâm đến hậu quả. Trong khi vẫn tiếp tục xuất khẩu than với mức giá được nhiều chuyên gia kinh tế cho là thấp, thì Tập đoàn than - khoáng sản cùng một số tập đoàn, tổng công ty khác như Tập đoàn điện lực, Tổng công ty thép... lại xây dựng đề án nhập khẩu than. Vòng luẩn quẩn ấy vô hiệu hóa mọi nỗ lực trong chiến lược tiết kiệm và sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản của VN.
Việc Trung Quốc tăng cường ưu tiên nhập khẩu các sản phẩm của ngành khai khoáng titan của VN (trong khi trữ lượng titan của Trung Quốc được đánh giá đứng đầu thế giới) là vấn đề rất đáng suy nghĩ.
VN cần phải nhanh chóng nghiên cứu xây dựng các trung tâm dự trữ khoáng sản và cấm triệt để xuất khẩu khoáng sản thô. Các trung tâm dự trữ khoáng sản này nên đặt ở các địa phương có nguồn tài nguyên lớn về khoáng sản để thuận lợi cho việc thu mua khoáng sản thô dự trữ cho chế biến sâu, đồng thời kêu gọi đầu tư để sớm tiếp nhận công nghệ và hình thành các nhà máy chế biến các sản phẩm sâu.
Khai thác tài nguyên để xuất khẩu vẫn là ngành kiếm được nhiều lợi nhuận, nhưng cái lợi đó chỉ chảy vào một nhóm nhỏ doanh nghiệp, trong khi nền kinh tế đã, đang và sẽ tiếp tục phải trả giá trong nhiều năm nữa.
Bình luận (0)