Nhìn đâu cũng ra việc
Gặp tôi, anh Phan Quốc Tế (32 tuổi), Bí thư Chi đoàn thôn Hà My vào đầu bằng phép tính vui: “Hiện nay mức trợ cấp cho cái “chức” bí thư chi đoàn thôn của tôi được 315.000 đồng/tháng. Vị chi để có 15 triệu tôi phải làm việc gần 4 năm và không tiêu một xu thì mới đủ”.
|
Anh Tế kể trước khi “bén duyên” với Đoàn, anh có học mót được nghề cơ khí rồi về mở một xưởng nhỏ ở địa phương. Sau này có vợ con, để có tiền trang trải cuộc sống gia đình, anh đi theo hướng “đa ngành đa nghề”. Cụ thể, ngoài làm thợ cơ khí, anh còn cho thuê rạp tổ chức đám cưới, nuôi cá... Nhưng dẫu cuộc sống còn bộn bề khó khăn, anh Tế vẫn rất mê các hoạt động đoàn thể. Khi chưa có “chức quyền” anh đã xăng xái trong việc làng việc nước và đến tháng 6.2012, anh được cấp ủy tín nhiệm và các bạn trẻ bầu vào “ghế nóng” bí thư chi đoàn thôn.
Ngặt nỗi, tiền không có nhưng anh Tế nhìn đâu cũng ra việc, lại toàn là việc cần sức trẻ và cần... tiền. “Đặc biệt là con đường liên xã đi qua thôn, đã được đắp bê tông từ lâu nhưng không đèn không điện. Cá nhân tôi lúc ấy chỉ muốn làm sao để thắp sáng con đường quê mình”, anh Tế nói.
“Cái khó ló cái khôn”, một ngày cuối năm 2013, anh Tế “liều mạng” lấy tư cách cá nhân vay 15 triệu đồng của hợp tác xã với suy nghĩ cùng lắm là bán chiếc xe máy còi trả nợ. Nhờ có ngón nghề điện, cơ khí, Tế ra chợ huyện mua một mớ bóng đèn, chóa, dây nhợ đủ kiểu về. Sau 3 ngày huy động đoàn viên thanh niên trong thôn bỏ công, 40 bóng điện (công suất 36 W/bóng) đã được lắp, thắp sáng cho đoạn đường hơn 1,6 km. “Tôi mới lắp thêm một đồng hồ tổng và bộ điều khiển nên từ 18 giờ 30 đến 21 giờ 30 hằng ngày điện tự động đóng mở. Tiền điện, chi đoàn cũng thanh toán luôn”, anh Tế khoe. Chi phí toàn bộ công trình này, theo anh Tế, hơn 16 triệu đồng.
Cách làm sáng tạo
Đèn sáng choang, người dân đi lại thích thú. Sau đó anh Tế đã kêu gọi người dân trong thôn, anh em đi làm xa về quê ăn tết cùng “chung tay”, góp mỗi người một ít để trang trải “nợ nần”. “Cũng bởi đây là cái tết đầu tiên bà con có đèn đường, phấn khởi quá nên ai cũng góp. Mỗi người một ít, tổng số tiền quyên góp không những đủ “trả nợ” mà còn dư 5 triệu đồng để lại làm quỹ Đoàn...”, anh Tế bảo.
Hỏi vì sao anh sẵn sàng vay nợ, anh cười và lý giải: “Tôi rất tự tin và tôi không hề “liều”. Người dân ở quê vốn chất phác, không xét nét tính toán nhưng cái gì cũng phải để họ “chộ” (nhìn thấy) đã”. Anh tự tin: “Đấy, bây giờ đèn đường sáng choang, bà con đã thấy việc tốt chi đoàn làm nên họ tự nguyện góp tiền thay vì chúng tôi phải đi “xin” như bình thường”. Trước thành công của công trình này, anh Tế chia sẻ trong năm 2014 anh sẽ “bổn cũ soạn lại” để thắp sáng nốt 2 km đường liên thôn.
Chị Trần Thị Thu, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Quảng Trị cho rằng: “Có thể số tiền chưa lớn, công trình cũng chưa to nhưng cách làm lại rất sáng tạo, đặc biệt đối với cấp chi đoàn, hầu như không có nguồn quỹ nào để hoạt động. Câu chuyện nhỏ của anh Tế đã thể hiện mạnh mẽ tinh thần của thanh niên dám làm dám chịu trách nhiệm”.
Nguyễn Phúc
>> Anh Nguyễn Đắc Vinh tiếp đoàn thanh niên XHCN Kim Nhật Thành
>> Thanh niên Việt Nam ủng hộ hoạt động của Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới
>> Đại hội Đoàn thanh niên Quân đội
>> Đoàn thanh niên xây nhà cho mẹ liệt sĩ
Bình luận (0)