Sau khi Nga đưa quân vào Ukraine từ tháng 2.2022, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) ban đầu khuyến nghị cấm các vận động viên Nga và đồng minh Belarus tham gia thi đấu quốc tế.
Nhưng sau đó họ đã được phép tham dự Thế vận hội Paris, với một số lưu ý.
Họ sẽ thi đấu với tư cách là vận động viên trung lập cá nhân tự do - mà không có cờ, quốc ca và biểu tượng của đất nước họ.
Các VĐV trung lập cũng phải vượt qua quá trình kiểm tra của IOC.
Các vận động viên không được tích cực ủng hộ cuộc chiến ở Ukraine hoặc ký hợp đồng với bất kỳ cơ quan quân sự hoặc an ninh nào.
Và tất cả các tiêu chí chống doping phải được đáp ứng.
Các vận động viên cũng sẽ phải ký điều kiện tham gia của Paris, trong đó có cam kết tôn trọng điều lệ Olympic, bao gồm cả “sứ mệnh hòa bình của Phong trào Olympic”.
Ủy ban Olympic quốc tế IOC đã thành lập Hội đồng đánh giá tư cách cá nhân của vận động viên trung lập để thực hiện công việc đánh giá từng vận động viên và nhân viên hỗ trợ của họ.
Hội đồng ba thành viên chỉ bao gồm các thành viên IOC. Giám đốc Giám sát đạo đức và tuân thủ của IOC, Paquerette Girard Zappelli, là thư ký của hội đồng.
Moscow đã chỉ trích các quyết định của IOC, cho rằng cơ quan Olympic đang xâm phạm quyền của các vận động viên - và phá hủy chủ nghĩa Olympic.
Ủy ban Olympic Nga cũng đã bị IOC đình chỉ vào tháng 10 vì công nhận hội đồng Olympic khu vực cho các khu vực do Nga chiếm đóng ở Ukraine, điều này càng khiến Moscow tức giận.
Nga có kế hoạch tổ chức sự kiện thể thao đa quốc tế của riêng mình, Đại hội Thể thao Hữu nghị, vào cuối năm 2024.
Bình luận (0)