VĐV Việt Nam rút khỏi đội tuyển và những vụ phản đối quan chức trong quá khứ

01/07/2022 23:10 GMT+7

Việc được tham dự một giải đấu, đoạt chức vô địch rồi giành vé đến với một giải đấu đẳng cấp hơn chắc chắn niềm tự hào, hạnh phúc to lớn của một VĐV chuyên nghiệp. Tuy nhiên, Đỗ Thị Kim Yến lại từ chối dự Đại hội thể thao thế giới , tại sao vậy?

Kim Yến viết trong đơn xin không cùng đội tuyển bóng ném bãi biển nữ Việt Nam thi đấu tại Mỹ: “Tại giải bóng ném bãi biển vô địch châu Á (Thái Lan) và giải bóng ném bãi biển vô địch thế giới (Hy Lạp) đều có HLV Nguyễn Thái Hòa tham dự. Trong khi HLV Nguyễn Thái Hòa là người trực tiếp đào tạo, huấn luyện tôi ở địa phương Bình Định, đồng thời cùng đội tuyển quốc gia đạt huy chương vàng giải vô địch châu Á. Nhưng nay lại không có tên trong danh sách để tham dự Đại hội. Bản thân tôi cảm thấy hụt hẫng và tâm lý không được ổn định, nên tôi viết đơn này xin phép không tham dự giải tại Mỹ cùng đội tuyển. Kính mong Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT, Ban huấn luyện xem xét và quyết định”.

Đội tuyển bóng ném bãi biển nữ Việt Nam với 10 VĐV cùng 2 HLV phụ trách chuyên môn chính là HLV Huỳnh Minh Ngôn và HLV Nguyễn Thái Hòa. 12 con người này đã cùng nhau đem về thành công cho đội tuyển bóng ném bãi biển nữ Việt Nam, cụ thể là chức vô địch châu Á (Thái Lan) hồi tháng 4.2022 và giành suất tham dự giải vô địch thế giới (Hy Lạp) đã diễn ra hồi cuối tháng 6, ở giải này Việt Nam xếp hạng 13/16 đội tuyển tham dự.

Tuy nhiên, đến khi chuẩn bị sang Mỹ tham dự Đại hội Thể thao Thế giới từ 8-16.7, 1 trong 2 người phụ trách chuyên môn chính là HLV Nguyễn Thái Hòa lại bất ngờ bị loại. Thay vào đó, một quan chức được bổ sung vào danh sách đi Mỹ với chức danh trưởng đoàn.

Được biết, theo điều lệ của Đại hội Thể thao Thế giới - sự kiện dành cho các môn không được thi đấu trong Thế vận hội, ban tổ chức sẽ đài thọ cho tối đa 11 vận động viên và 1 thành viên của đội tuyển, nhưng đoàn có thể tham gia tối đa 14 người. Như vậy là có 2 người phải dự đại hội với chi phí tự túc hoặc lấy từ ngân sách. Những chi phí ngoài đài thọ thì đoàn tham dự tự chịu theo biểu giá của phía ban tổ chức đưa ra.

Thế là đội tuyển bóng ném bãi biển nữ Việt Nam được chốt danh sách đi Mỹ với 13 thành viên. Trong đó, đương nhiên có 10 vận động viên, nhưng lại hụt mất 1 HLV và có đến 2 cán bộ. 2 cán bộ gồm ông Đào Đức Kiên là Trưởng bộ môn bóng ném bãi biển và 1 quan chức (có chức danh là trưởng đoàn), đến giờ danh tính vị quan chức chưa được công bố.

Từ đó nữ tuyển thủ Đỗ Thị Kim Yến vì hụt hẫng khi không có HLV Nguyễn Thái Hòa góp mặt trong ban huấn luyện, đã từ chối tham dự Đại hội Thể thao Thế giới ở Mỹ. Quả là đáng tiếc cho đội tuyển bóng ném bãi biển nữ Việt Nam!

Trước đây, thể thao Việt Nam cũng từng xảy ra câu chuyện thiếu người làm chuyên môn và thừa người làm quản lý. Đặc biệt là ở Thế vận hội Olympic Rio 2016, nhiều vận động viên đã phải tự thân vận động, đơn độc về mặt chuyên môn khi đến nơi thi đấu. 2 tay vợt cầu lông là Nguyễn Tiến Minh và Vũ Thị Trang không có HLV đi cùng. Người được giao nhiệm vụ hỗ trợ cho họ là Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 2, ông Nguyễn Trọng Hổ, nguyên là HLV điền kinh. Để rồi, khán giả đã chứng kiến cảnh Nguyễn Tiến Minh và Vũ Thị Trang thay nhau ngồi trên băng ghế chỉ đạo dù họ đều là VĐV.

Không chỉ chuyện suất đi thi đấu quốc tế, việc chia tiền thưởng trong nội bộ đội bao gồm cả quan chức cũng nhận thưởng từng gây ra nhiều tranh cãi. Sau SEA Games 27, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam dù thua Thái Lan 1-2 ở trận chung kết nhưng vẫn nhận được 2,7 tỉ đồng tiền thưởng (sau thuế) từ VFF. Trong đó, việc vị trưởng đoàn được nhận 98 triệu tiền thưởng (mức B) đã khiến nhiều cầu thủ bức xúc. Nhiều thành viên của tuyển nữ Việt Nam cho rằng trưởng đoàn không có nhiều đóng góp về chuyên môn khi không cùng đội trải qua chuyến tập huấn trước thềm SEA Games 27 và chỉ có mặt ở Myanmar vài ngày và chủ yếu làm công tác đối ngoại.

Trước đó, một số thành viên tuyển nữ còn cho biết rằng trưởng đoàn đã tự đề xuất mình nhận thưởng 125 triệu (loại A, cao nhất) nhưng sau đó vấp phải sự phản đối nên đã xuống loại B.

Việc 1 đội tuyển thi đấu nước ngoài nhất là đến những nơi xa như Mỹ, châu Âu...nếu có lực lượng hùng hậu từ cấp quản lý đến HLV và VĐV thì rất tốt. Tuy vậy, nếu vì lý do eo hẹp kinh phí thì thiết nghĩ các quan chức cũng nên nhường suất cho lực lượng đang theo sát chuyên môn trong tập luyện và thi đấu. HLV và VĐV thể thao vất vả, thậm chí là hi sinh nhiều cho thành tích chung, chuyện này là sự thật. Vì vậy trong hoàn cảnh nào đi nữa thì họ mới là những người xứng đáng được hưởng nhiều quyền lợi nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.