Nguồn tư liệu lịch sử Đại Việt về chủ đề này dừng lại ở thế kỷ 14 với bộ Đại Việt sử lược. Sách này rõ ràng đã đứng về phía Lê Hoàn, nói rằng Đinh Điền và Nguyễn Bặc đã e ngại Lê Hoàn “gây bất lợi cho đứa con thơ”. Đó cũng chính là lời cáo buộc dối trá mà Quản Thúc, Sái Thúc và Hoắc Thúc đã dùng để tấn công Chu công Đán. Đi xa hơn nữa, ta chỉ còn những tư liệu do nhà Tống để lại. Điều đáng ngạc nhiên là bức tranh lịch sử triều Đinh trong sử liệu nhà Tống lại có nhiều điểm khác biệt đến không ngờ.
Lịch sử sáng lập triều Đinh dưới góc nhìn của sử gia thời Tống
Triều đại nhà Đinh tương đương với thời kỳ hai vua đầu tiên của nhà Bắc Tống. Trung Quốc lại là quốc gia có bề dày kinh nghiệm trong việc lưu trữ tư liệu và biên soạn lịch sử. Âu Dương Tu (1007 - 1072) là một trong các sử gia sớm nhất đã chép lại các thông tin lịch sử về dòng họ Đinh cầm quyền ở nước ta - mà bấy giờ họ gọi là Tĩnh Hải quân - trong Tân ngũ đại sử và Kê cổ lục. Một sử liệu quan trọng khác là Tục tư trị thông giám trường biên được Lý Đảo (1115 - 1184) biên soạn vào đầu thời Nam Tống (tương đương với thời nhà Lý).
Các thông tin lịch sử ghi chép trong những bộ sử này cho ta biết rằng Đinh Bộ Lĩnh là con của Thứ sử Hoan Châu Đinh Công Trứ - nha tướng của Dương Đình Nghệ. Sau khi Đinh Công Trứ chết, Đinh Bộ Lĩnh nối nghiệp. Năm 963, Ngô Xương Văn chết. Mười hai châu trong nước đại loạn. Đinh Bộ Lĩnh cùng con trai là Đinh Liễn đã đem quân dẹp loạn. Dân chúng cảm ơn đức, nên suy tôn Đinh Bộ Lĩnh làm Giao Châu súy, hiệu là Đại Thắng vương, cho Đinh Liễn làm Tiết độ sứ. Năm 965, Nam Hán đã phong cho Đinh Liễn làm Giao Châu tiết độ (theo sử Việt, năm này loạn sứ quân mới vừa bắt đầu). Đinh Bộ Lĩnh xưng vương 3 năm thì nhường ngôi cho con là Đinh Liễn. Đinh Liễn lên ngôi (vua) được 7 năm thì nghe tin nhà Tống đã tiêu diệt Nam Hán, nên sai sứ sang thần phục nhà Tống. Tống Thái Tông phong cho Đinh Liễn làm Kiểm hiệu Thái sư sung Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, An Nam đô hộ.
Theo quan điểm của nhà Tống, triều đại nhà Đinh từ năm 965 đến năm 980 gồm có 3 “vua”: Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn và Đinh Toàn. Nhưng Việt sử chỉ thừa nhận nhà Đinh có 2 vua, không bao gồm Đinh Liễn. Đinh Liễn cùng lắm chỉ là “vua” khi nước ta cần giao thiệp với Trung Quốc, như lời Ngô Sĩ Liên nói “từ đấy về sau có sai sứ sang nhà Tống thì lấy Liễn làm chủ”. Tản Đà cho rằng đó là một thủ thuật ngoại giao. Nguyên nhân là vì “vua Đinh dẫu nhận phong ở Tầu mà trong bụng thật không yên chịu”. Vấn đề nằm ở chỗ cách làm này rõ ràng đã bồi đắp vị thế chính trị cho Đinh Liễn. Nhưng thực tế Đinh Bộ Lĩnh không có ý định truyền ngôi cho Đinh Liễn. Điều này dẫn đến những mâu thuẫn trong nội bộ triều Đinh đã tạo điều kiện cho vụ Đỗ Thích thí Đinh Đinh nổ ra.
Dấu ấn Đinh Liễn và vụ án Hạng Lang
Trong quá trình dẹp loạn sứ quân, dựng lên triều Đinh, cũng như trong việc bang giao với Nam Hán và nhà Tống, vai trò của Đinh Liễn hiện lên hết sức rõ nét. Tuy nhiên, ngay từ buổi ban đầu của sự nghiệp, chúng ta đã sớm được thấy Đinh Bộ Lĩnh tỏ thái độ lạnh lùng tàn nhẫn với sự sống chết của Đinh Liễn. Đinh Bộ Lĩnh cho Đinh Liễn đi làm con tin cho nhà Ngô. Năm 951, Thiên Sách vương và Nam Tấn vương nhà Ngô đi đánh Hoa Lư, đã cho treo Đinh Liễn lên cây sào để uy hiếp Đinh Bộ Lĩnh. Đinh Bộ Lĩnh không nao núng, còn sai hơn 10 tay nỏ nhằm bắn vào Đinh Liễn. Hai vương kinh ngạc trước sự tàn nhẫn đó nên đã bãi binh.
Sau khi triều Ngô rơi vào hỗn loạn, Đinh Liễn từ Hoa Lư trốn về và đã đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình dẹp loạn sứ quân. Sử sách Trung Hoa đã ghi nhận rằng Đinh Liễn là người đã chỉ huy đội quân đánh vào kinh đô nhà Ngô và dẹp tan các thế lực sứ quân quan trọng nhất. Các sự kiện chính trị hiếm hoi của triều Đinh được sử gia người Việt chép lại cũng cho thấy rằng: phân bố quyền lực sau khi triều Đinh thành lập nghiêng hẳn về phe Đinh Liễn. Lê Hoàn - người “theo giúp Nam Việt vương Liễn” - được phong làm Thập đạo tướng quân, chỉ huy binh mã trong cả nước. Bản thân Đinh Liễn được giới thiệu với bên ngoài là “vua” của Giao Châu.
Ưu thế chính trị này còn được thể hiện bằng hàng trăm cột kinh do Đinh Liễn dựng ở Hoa Lư với lời văn huênh hoang về việc tranh quyền và giết người em trai là Đại Đức Đính Noa Tăng Noa. Đó hẳn là Đinh Hạng Lang - người được Đinh Bộ Lĩnh chọn làm thái tử kế ngôi và bị giết đầu năm 979. Đinh Liễn vượt qua ranh giới cường thần chính thức trở thành phản thần. Trong bối cảnh chính trị như thế, Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn cùng lúc bị giết trong một sự kiện được kể lại hết sức mù mờ. Phải chăng Đỗ Thích và Lê Hoàn đã lợi dụng mâu thuẫn đó để mưu đồ làm vua? Hay phải chăng các đại thần Nguyễn Bặc, Lê Hoàn vì chính nghĩa đã liên minh nhau lại trong một cuộc binh biến mà cả hai Đinh đều chết? Đó là những câu hỏi chưa có lời giải đáp rốt ráo.
(Trích từ sách Mật bổn - những bí ẩn lịch sử Việt Nam cổ trung đại, do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành)
Bình luận (0)