Về đâu tòa nhà 120 năm tuổi?

06/11/2015 06:01 GMT+7

Người dân TP.HCM đang đặc biệt quan tâm đến “số phận” tòa nhà hơn 120 năm tuổi ở 59 - 61 Lý Tự Trọng, P.Bến Nghé (Q.1) trong quá trình TP.HCM khởi động việc xây dựng trung tâm hành chính .

Người dân TP.HCM đang đặc biệt quan tâm đến “số phận” tòa nhà hơn 120 năm tuổi ở 59 - 61 Lý Tự Trọng, P.Bến Nghé (Q.1) trong quá trình TP.HCM khởi động việc xây dựng trung tâm hành chính.

Sơ đồ di dời tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng - đồ họa: Du Sơn, ảnh: Bạch DươngSơ đồ di dời tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng - đồ họa: Du Sơn, ảnh: Bạch Dương
Theo đề bài thi tuyển ý tưởng sáng tạo kiến trúc năm 2014 mà Sở Quy hoạch - Kiến trúc công bố, trong phần yêu cầu thiết kế kiến trúc khu trung tâm hành chính TP.HCM thì tòa nhà trụ sở chính của HĐND, UBND TP.HCM hiện nay ở 86 Lê Thánh Tôn được bảo tồn. Trong khi đó đối với tòa nhà 59 - 61 Lý Tự Trọng, đề bài chỉ yêu cầu nghiên cứu bảo tồn mặt đứng.
Trong số các đồ án đoạt giải, lãnh đạo UBND TP.HCM cơ bản thống nhất chọn ý tưởng của Công ty Nikken Sekkei để làm đồ án thiết kế xây dựng trong thời gian tới. Căn cứ theo phương án này, trụ sở HĐND và UBND TP hiện hữu được giữ nguyên. Trong khi đó giải pháp bảo tồn tòa nhà 59 - 61 Lý Tự Trọng (tọa lạc ngay góc Lý Tự Trọng - Đồng Khởi) là di dời để mặt tiền công trình sẽ về trên đường Lý Tự Trọng, đoạn giữa đường Pasteur và Đồng Khởi, và dựa lưng vào trụ sở UBND TP.HCM.
Vùng lõi kiến trúc cổ
Ô phố xây dựng trung tâm hành chính bao bọc bởi các tuyến đường Lê Thánh Tôn, Pasteur, Lý Tự Trọng và Đồng Khởi. Đây là một trong những vị trí trang trọng nhất TP với mặt tiền hướng ra phố đi bộ Nguyễn Huệ, sông Sài Gòn... Nếu tính từ trụ sở HĐND và UBND TP hiện hữu trong phạm vi bán kính 500 m được xem là vùng lõi hiện hữu nhiều công trình kiến trúc cổ như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, tòa nhà 47 Lê Duẩn (nay là trụ sở UBND Q.1), tòa nhà 59 - 61 Lý Tự Trọng, khách sạn Majestic...
Có một thực tế là trước nhu cầu, áp lực của sự phát triển, khu vực trung tâm TP.HCM đang được chỉnh trang trên nền diện mạo đô thị hiện hữu ít nhiều ảnh hưởng đến “hồn vía của Sài Gòn xưa”, như dự án xây nhà ga Nhà hát TP thuộc tuyến tàu điện ngầm số 1 Bến Thành - Suối Tiên, cao ốc mới tại vị trí của Thương xá Tax… Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thị Hậu, Phó tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử VN, việc chỉnh trang là hết sức cần thiết, nhưng phải đảm bảo phát huy được giá trị văn hóa, lịch sử, trong đó có mảng kiến trúc cổ. Nếu không cân nhắc kỹ lưỡng, sẽ dẫn đến thực trạng hao mòn nhanh chóng những hình ảnh của Sài Gòn xưa trong đời sống đô thị ngày nay.
Ngày 5.11, khi trao đổi với PV Thanh Niên, nhiều kiến trúc sư cho rằng giá trị bảo tồn công trình cổ nằm ở chỗ giữ nguyên vẹn cả về kiến trúc lẫn không gian đô thị xung quanh. Nếu tòa nhà 59 - 61 Lý Tự Trọng buộc phải di dời, thì về căn bản, tổng thể kiến trúc sẽ không còn được nguyên vẹn. Và một vấn đề rất đáng quan tâm là không gian kiến trúc mới sẽ “ăn nhập” ra sao với kiến trúc cổ?...
Kiến nghị bảo tồn nguyên trạng
Ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT-TT, cho biết sở đã gửi văn bản cho Thường trực UBND TP kiến nghị bảo tồn nguyên trạng kiến trúc và vị trí tòa nhà 59 - 61 Lý Tự Trọng. “Nếu dời cả tòa nhà đi vị trí khác thì giá trị bảo tồn sẽ không đảm bảo”, ông Hỷ nói.
Theo ông Hỷ, phương án đề xuất bảo tồn hiện nay là theo hướng di dời tòa nhà 59 - 61 Lý Tự Trọng. Tuy nhiên, hiện TP vẫn chưa có quyết định cuối cùng là di dời nguyên trạng tòa nhà dịch sang vị trí mới, hay là tháo dỡ tòa nhà hiện hữu rồi xây lại ở vị trí mới ở đoạn giữa 2 đường Pasteur và Đồng Khởi và chỉ tái hiện lại đường nét kiến trúc.
Trước đó tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Sở TT-TT vào ngày 27.12.2014, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà (nguyên Giám đốc Sở TT-TT, hiện là Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) cho biết việc tháo dỡ hoặc di dời tòa nhà cổ để xây dựng khu hành chính mới cần tính toán hết sức kỹ lưỡng để bảo tồn nguyên vẹn tòa nhà cổ này. “Tôi rất mong muốn tòa nhà đó được bảo tồn”, ông Hà nói.
“Thần đèn” khẳng định di dời được tòa nhà
Với kinh nghiệm nhiều năm di dời nhiều công trình lớn, tôi khẳng định sẽ di dời được tòa nhà này nếu ở vị trí mới có đất để làm bệ móng mới chắc chắn. Việc di dời không thể di dời nguyên bộ móng tòa nhà được, vì không kích lên hết được độ sâu của giàn móng, mà chỉ di dời mặt trên tòa nhà (phần nền trở lên mái). Phương pháp kỹ thuật chúng tôi đã có, kinh nghiệm thực tế qua nhiều công trình rồi. Chúng tôi từng làm những công trình hơn 300 năm tuổi, di dời và nâng cao lên nhưng vẫn giữ được tổng thể kiến trúc. Chúng tôi làm đà kiềng cứng cáp, đảm bảo kết cấu công trình, tường không bị rạn nứt… Quy mô 2 tầng, ngang rộng mỗi chiều vài chục mét như tòa nhà này thì không có vấn đề gì lớn.
“Thần đèn” Nguyễn Văn Cư
Tòa nhà gắn liền lịch sử vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa
Tòa nhà 59 - 61 Lý Tự Trọng trước đây là tòa nhà Nha Giám đốc nội vụ, mà người dân hay gọi là dinh Thượng Thơ, do chính quyền xứ Nam kỳ xây vào những năm 1860 với vai trò điều hành trực tiếp toàn bộ các vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa. Công trình này chỉ quan trọng sau Dinh Norodom (phiên bản trước của Dinh Thống Nhất ngày nay). Cho đến năm 1888, chức năng của cơ quan này được nhập vào Thơ ký Thống đốc Nam kỳ (vị trí 213 Đồng Khởi). Bản đồ cũ vào năm 1890, cho thấy một tòa nhà quy mô lớn hơn được xây dựng như hiện nay (tòa nhà 59 - 61 Lý Tự Trọng).
Vào đầu thế kỷ 20, cơ quan này còn có tên là Văn phòng Chính phủ cùng các bộ phận như thanh tra, lao động... Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tòa nhà có một giai đoạn ngắn được dùng làm trụ sở Bộ Nội vụ, kể từ năm 1955 là Bộ Kinh tế của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Hiện nay tòa nhà này là trụ sở chính của Sở TT-TT TP.HCM và văn phòng của một số cơ quan, đơn vị nhà nước. Như vậy có thể khẳng định công trình kiến trúc này gắn liền với lịch sử vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa và TP.HCM ngày nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.