Vẻ đẹp của “Dòng chảy thơ tôi”

05/03/2013 10:18 GMT+7

Tăng Hồ Đạt (Tú Giang) là thương binh hạng 2/4. Theo lời tác giả thì anh sáng tác thơ để giãi bày tâm sự, ghi lại những kỷ niệm, khoảnh khắc đáng nhớ của cuộc đời trong những lúc vui buồn. Tập Dòng chảy thơ tôi (NXB Quân đội nhân dân, 2013) gồm 80 bài chọn ra từ mấy trăm bài thơ anh sáng tác trong những ngày chiến tranh chống Mỹ ác liệt và những ngày sau hòa bình khi anh đã rời quân ngũ, chuyển ngành.

Anh tuyên ngôn về thơ thật giản dị: Bao kỷ niệm vui, buồn, tình yêu và lý trí/ Đã trở thành dòng chảy thơ tôi.

Thơ Tăng Hồ Đạt nghiêng về “hướng ngoại” - hướng tới những vấn đề lớn của cộng động xã hội và trách nhiệm công dân với Tổ quốc, vì thế nó thấm đượm tính nhân đạo, nhân văn. Tình yêu quê hương và nhân vật trữ tình - em, là mảng đề tài chiếm số lượng lớn trong thơ anh. Quà anh tặng cho người yêu cũng thật “đặc biệt”: Yêu em anh chẳng có chi/ Dăm ba con chữ thôi thì tặng em (Vọng yêu).

Vẻ đẹp của “Dòng chảy thơ tôi”

Là người con đất Hải Dương, nhưng bàn chân anh hầu như đã đi khắp các chiến trường gian khổ, ác liệt từ núi rừng Trường Sơn tới miền Đông, miền Tây Nam bộ cho tới nước bạn Campuchia. Nhưng để lại ấn tượng sâu sắc nhất vẫn là cảnh vật và con người miền Tây Nam bộ: Quê ta kênh rạch bốn bề/ Bốn mùa hoa trái tình quê mặn nồng (Về miền Tây); hoặc: Say miền đất mẹ giàu tôm cá/ Đất mở lòng người tình chứa chan (Tình ca U Minh)… 

Dòng chảy thơ anh lúc ẩn lúc hiện. Có khi trên đường hành quân ra trận anh nhớ tới mẹ cha, bạn bè, người yêu. Có khi nhớ một tiếng gà gáy sáng, một ánh sao trời, một vành trăng khuyết, một bến nước, dòng sông, con đò… Riêng về đề tài người mẹ, người cha, người vợ, anh có nhiều vần thơ chân thành, cảm động: Tảo tần nuôi con chẳng quản thân/ Mẹ đi buôn bán khắp xa gần/ Gánh nặng đường xa cùng bốn chợ/ Chắt chiu từng cắc trả nợ dần (Ký ức người mẹ). Khi nghe tin mẹ mất, anh ngửa mặt kêu trời: Đau khổ quá kêu lên nghìn tiếng mẹ/ Nhưng đâu thấy mẹ chỉ thấy trời lạnh ngắt/ Rừng U Minh sương đọng lá cây tràm (Thư gửi cha).

Sẽ thiếu sót khi khắc họa gương mặt tác giả qua mỗi vần thơ mà thiếu mảng đề tài “trào phúng” ấm nồng gia vị đời thường. Đó là tiếng cười tếu táo vui đùa của người lính trong gian khổ. Các bài như “Khoan giếng”, “Khách sạn ngàn sao”… là những tiếng cười khúc khích qua lối chơi chữ dân gian: Vui lòng cô chủ chứa chan/ Thợ khoan ngây ngất rút cần nghỉ ngơi/ Nghề khoan cực lắm ai ơi/ Khoan cho người sướng giếng tôi khô khòng (Khoan giếng). Và đây là đẹp như tranh, kém chi cung vua phủ chúa nhưng thật độc đáo với những âm thanh lạ: Vẳng nghe khúc nhạc vo vo/ Như sáo phường trò dạo khúc Nam ai/ Giật mình muỗi chích bên tai/ À đây khách sạn chẳng ai với mình (Khách sạn ngàn sao)…

Thơ Tăng Hồ Đạt không lấp lánh câu chữ, không tuyên ngôn ầm ĩ mà thơ anh cứ âm thầm như nước suối trong nguồn chảy ra theo dòng cảm xúc chân tình. Thơ anh viết ở nhiều loại thể: thơ 4 chữ; 5 chữ; 7 chữ; thơ tự do… Nhưng theo tôi, thành công hơn cả là những bài viết theo thể lục bát. Những câu chữ vừa dân dã vừa hiện đại, có sự kết hợp khéo léo giữa ngôn ngữ đời thường với ngôn ngữ văn chương. Đặc biệt ngôn ngữ mang chất lính, chất địa phương vùng miền hiện lên khá rõ nét. Vì thế tính hiện thực, tính trí tuệ và trữ tình luôn quện chặt trong mỗi hình tượng thơ, và neo lại được trong lòng người đọc.

  Lê Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.