Tận dụng đồ bỏ đi
Vừa dệt thổ cẩm trên ngôi nhà dài sát bìa rừng, chị H'Wân vừa trò chuyện với chúng tôi sau nhiều lần hẹn gặp. "Nhà mới làm chuồng bò xong, nuôi cặp bò mẹ con mà làm chuồng mất 3 ngày trời", chị cười và tiếp lời: "Tôi đang dệt thổ cập cho một vị khách đặt để làm khăn. Ngoài việc nương rẫy, tôi cũng cố gắng tranh thủ dệt thổ cẩm để giữ nghề và tạo nguồn thu nhập". Đưa tay thoăn thoắt trên khung dệt, chị hào hứng kể chuyện lên ý tưởng tận dụng những vật dụng bỏ đi để làm đồ trang trí trong nhà.
Cách đây 2 năm, chị H'Wân nhận thấy việc bỏ đi những miếng vải thổ cẩm thừa là quá phí trong khi công sức bản thân bỏ ra để dệt nhiều vô cùng. Ban đầu, chị tận dụng những miếng vải thừa và miếng gỗ từ việc dựng nhà dài để gia công nên vật trang trí trong nhà. "Dệt được một tấm vải thổ cẩm truyền thống cực lắm, thay vì bỏ những miếng vải thừa đi, tôi nảy ý tưởng làm lấy một bức tranh thổ cẩm, vừa trang trí và không cảm thấy tiếc công sức của mình", chị H'Wân chia sẻ.
Chị H'Wân kể, bức tranh thổ cẩm đầu tiên mà chị làm đã được gia đình và bạn bè ủng hộ. Mặc dù, bức tranh rất đơn giản, chỉ là miếng vải thổ cẩm thừa được đính lên trên mặt gỗ nhưng cũng tạo nên sự mới lạ, độc đáo. Trong một lần đang làm rượu cần, chiếc ché bị nứt, chị dùng dây thừng cỡ nhỏ cuốn xung quanh và dùng những miếng vải thổ cẩm thừa để trang trí cho thêm bắt mắt. Chiếc ché tưởng chừng đã bị bỏ đi nhưng lại trở thành vật dụng đẹp mắt trong ngôi nhà dài của chị.
"Mỗi buổi tối, lúc có thời gian rảnh, tôi lại ngồi mày mò thiết kế cho những đồ bỏ đi như chiếc ché, khúc gỗ, chiếc ghế nhỏ để trang trí cho ngôi nhà dài thêm phần màu sắc. Hồi đầu làm, tôi cũng chỉ làm cho vui, trưng bày ở các góc nhà bớt phần trống trải. Sau này, bạn bè đến nhà chơi, uống rượu cần, trò chuyện rồi hỏi mua lại chiếc ché có đính vải thổ cẩm. Tôi cũng thoải mái, bán với giá rẻ, xem như lấy tiền công thôi…", chị H'Wân nói.
Sản phẩm độc đáo
Chị H'Wân dẫn chúng tôi lên ngôi nhà dài để giới thiệu thêm về các sản phẩm mà chị đã chế tác. Trong không gian đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người Ê Đê, chị lấy trên cột nhà xuống một bức tranh thổ cẩm vừa được làm cách đây không lâu. Bức tranh được đính vải thổ cẩm, họa tiết được gia công rất tinh xảo, đan xen là những sợi dây thừng nhỏ, tạo nên sự hài hòa, bắt mắt.
Các sản phẩm thổ cẩm được chị H'Wân trưng bày trong căn nhà
ẢNH: HỮU TÚ
"Ai cũng hỏi tôi, làm cái này có khó hay không, theo tôi thì không có gì khó cả. Nếu kiên trì và thể hiện được ý tưởng của mình thì sẽ tạo nên một sản phẩm độc đáo không chỉ là một bức tranh. Các sản phẩm sẽ không có cái nào giống nhau, cũng có thể xem là phiên bản giới hạn vì tận dụng những thứ bỏ đi, đó chính là nét đặc biệt trong mỗi sản phẩm của tôi", chị H'Wân nói.
Chị H'Wân cho hay, hiện nay, nhu cầu khách hàng đặt làm các vật dụng làm từ thổ cẩm ngày càng nhiều. Tùy theo ý tưởng của khách hàng, chị sẽ sáng tạo và thiết kế ra những sản phẩm độc đáo. Tùy theo kích thước và số lượng vải thổ cẩm, mỗi sản phẩm sẽ có giá dao động từ 150.000 – 300.000 đồng.
Các bức tranh thổ cẩm được chị H'Wân gia công tinh xảo
ẢNH: HỮU TÚ
Nâng niu bức tranh thổ cẩm trên tay, chị H'Wân khoe tháng vừa rồi bán được 8 sản phẩm, trong đó có 2 bức tranh, 1 bình bông và 3 chiếc giỏ đều được trang trí thổ cẩm. Các sản phẩm thổ cẩm độc lạ của chị chưa từng được trưng bày hay sản xuất đại trà. Đây là những sản phẩm sáng tạo, dựa vào các vật dụng sẵn có nhưng không dùng nữa, qua bàn tay của chị sẽ biến thành những sản phẩm "giới hạn".
Trong một lần đi tham quan ở miền Bắc, chị H'Wân mua về 3 chiếc nón quai thao để biến tấu thành nón thổ cẩm. Lúc nhìn thấy chiếc nón quai thao, chị liền liên tưởng đến cồng chiêng của người Ê Đê. Từ đó, chiếc nón quai thao được chị thiết kế, khâu từng miếng vải thổ cẩm và đan xen là dây thừng nhỏ. 3 chiếc nón được chị trưng bày tại không gian của nhà dài. Sau khi đến nhà uống rượu cần, bạn bè cũng hỏi mua với giá 650.000 đồng/chiếc, chị cũng nhiệt tình "sang tay" để chia sẻ sự độc đáo, lan tỏa thêm "hồn" thổ cẩm đến với mọi người.
"Bây giờ nhiều khách đặt làm nhưng tôi không có thời gian. Sản phẩm mà tôi làm ra được rất nhiều người đón nhận và ủng hộ, điều này rất vui. Sau hơn 2 năm mày mò, tôi thấy cho dù có làm ra hình thù gì thì họ vẫn nhận ra được là thổ cẩm người Ê Đê. Tôi lưu giữ văn hóa của dân tộc mình trên những vật dụng được xem như bỏ đi, hoàn thiện rồi thì nó mang "hồn" của thổ cẩm Ê Đê…", chị H'Wân bày tỏ.
Bình luận (0)