Một chiếc ghe chầm chậm trôi qua chất chồng xếp lớp những cái bao căng tròn ngay hàng thẳng lối, rồi tiếp một chiếc nữa phủ đầy lá dừa khô, cái nón lá không lành lặn nhô lên phía trước mui ghe tô đậm thêm nỗi nhọc nhằn phận đời lênh đênh sông nước. Lục bình trải kín cảm giác như những chiếc ghe phải chật vật rẽ nó mà đi. Những con cò chấp chới phía bờ bên kia, sà gần sát đám lục bình, chần chừ, cuối cùng vỗ cánh bay cao.
Có hai người giăng lưới. Một trên bờ, một dầm dưới nước. Người trên bờ quăng tấm lưới và người dưới nước thu lại. Cô vừa ghi được khoảnh khắc tấm lưới bung lên hết cỡ, tung xòe, chuyển lượn thấp cao. Lúc cô đang hào hứng review tấm hình và tưởng tượng chiếc soire bằng voan bật ra trong vòng xoay một trăm tám mươi độ thì nhạc báo tin nhắn khiến cô khựng lại một chút, nó như đưa cô trở về thực tại là có một vật nhỏ trên bàn chứa đầy những thông tin, mối liên lạc, công việc, giải trí, thư giãn… Cảm giác thế giới trong đó mới là thật còn mọi thứ bên ngoài, hiện hữu nơi đây chỉ là ảo, rồi sẽ mất!
Cô cầm lấy điện thoại định tắt nguồn cho đỡ vướng bận, nhưng lại thôi. Không việc gì chỉ vì tin nhắn của một người mà cắt đứt liên lạc với nhiều người khác.
Lục bình về càng lúc càng dày, cảm giác dồn ứ, nặng trĩu. Cô nhìn tấm thảm xanh lừ lừ trôi, tự dưng khúc phim thời thơ ấu trở về thật chậm. Hình như ba đang giăng lưới ở khúc sông mờ ảo sương mù. Có buổi chiều nhạt nắng dáng mẹ thong thả hiện ra ở một khúc quanh, sau lưng là dải tre dài, dày đậm. Hình như có tiếng cười trong căn bếp nhỏ. Quá khứ mờ dần khi mọi người lớn lên rời bỏ gian bếp quanh năm ấm sực mùi sả, gừng của mẹ. Năm năm rồi mười năm lang thang qua nhiều thành phố, vài đất nước, cô trở về. Không phải bởi những email nặng trĩu nước mắt và nỗi lo lắng canh cánh bên lòng của mẹ, ở đó có ai không? Cũng không phải những đêm dài khó ngủ chìm vào những dòng chữ trên khung chat, đủ chuyện xa gần cuối cùng luôn là lời nhắn: “Về đi em, Sài Gòn lúc nào cũng vui!”. Cũng không phải cô chán cái nhịp điệu không nhanh, không chậm với công việc làm không buồn, không vui, không áp lực. Cũng không phải vì K. hay vì H., những mối tình nói không sâu đậm thì không đúng nhưng chưa đủ chín để quyết định gắn hai mảnh ghép, dán chặt đời nhau. Cũng không phải cô muốn về để thử sức với một lời mời bạn bè thật trân trọng. Về. Cũng có khi chỉ bởi câu chat ngắn ngủn: “Sài Gòn vui”. Cũng có khi bởi muốn tìm lại cảm giác đã quên mất từ lâu với những hối hả, bon chen, trong môi trường mà ai cũng than thở vừa ô nhiễm vừa không an toàn. Cô vẫn tự hỏi điều gì khiến cô trở lại. Cô có hối tiếc không? Không, cô không hối tiếc. Cô có liều quá không? Vừa lúc dấy lên ý nghĩ rằng có chút liều thì lập tức bị dập tắt ngay bởi lời phản biện, trở về một nơi chốn (cho rằng) không bình an mà đó là nhà của mình thì quả là bất hạnh. Cô không muốn mình bất hạnh!
Ký ức đưa cô trở về quãng thời gian ở cùng K. Những buổi sáng dậy sớm theo một lập trình cố định: chuông reng đánh thức, vệ sinh cá nhân, thay quần áo và rời nhà. Dòng xe đổ về trung tâm nối đuôi trật tự, không vội vã. Phía bên kia ngược chiều vun vút ánh đèn vàng tương phản với lớp màu đèn đỏ chi chít phía bên này. Cho xe vào nơi đỗ rồi thong thả trên vỉa hè vô nơi làm việc - phải qua hai đoạn dốc ngắn. Có khúc cua một bên là đỗ quyên đỏ và một bên hoa điệp vàng, đẹp rực rỡ mùa tháng năm. Con đường quanh năm râm mát nhờ vòng theo một công viên. Hồi đó, chủ nhật nào K. cũng rủ cô vào công viên bạt ngàn cổ thụ, những vườn hoa đủ sắc, những con đường đổ về vài cái hồ thật lớn là trung tâm của mỗi khu vực có lối kiến trúc giống hệt nhau, khiến cảm giác đi loanh quanh rồi cũng về lại chốn cũ. Sự tĩnh lặng của thiên nhiên thỉnh thoảng được đánh thức bởi đàn chim ríu rít kéo qua như tiếng vọng ngân xa dần luôn tạo cảm hứng cho K. say sưa nói về loài côn trùng và những con khỉ. Hai phạm trù chẳng liên quan với nhau nhưng là niềm say mê của K. và anh dành trọn đời cho nó. Chưa đi hết công viên thì hai người chia tay. Lý do gì thì cô chẳng nhớ.
Sau đó cô quen H., rồi xa nhau như thế nào cô cũng không rõ mà cô không nghĩ mình hời hợt đến thế! Một mối tình nhạt, không có gì gợi nhớ thoáng qua nhanh. Thời gian luôn có lý của nó. Khắc sâu, in đậm hay vẽ vời lớt phớt đều có căn nguyên. Con người có những tần số riêng mà khi và chỉ khi chạm đúng rung động mới tạo nên tín hiệu cảm nhận, dài hay ngắn, mau hay lâu phụ thuộc vào trái tim và cả lý trí. Một khi lý trí phải làm công việc phân tích, suy xét, hạ tay cho điểm thì trái tim chỉ còn biết ngậm ngùi! Hiểu và biết để sống có lý, có tình chưa bao giờ dễ dàng cả. Đôi khi, lý và tình là hai đường song song không bao giờ gặp nhau, nếu có giả định giao nhau ở vô cực cũng chỉ là một khái niệm ảo!
Tin nhắn thứ năm dài hơn, nội dung không trùng với bốn lần trước: “Anh muốn nhìn thấy em. Không, anh muốn nhìn thấy cái chấm tròn màu xanh hiện lên bên phải tên em. Làm ơn đi mà!”. Có cần thiết không khi chỉ muốn nhìn thấy một cái nick sáng đèn? Có nghĩa gì đâu từ buổi trưa hôm ấy trong một quán cà phê khi cô không hề có ý định sẽ vào đó dùng bữa hay đơn giản chỉ là uống ly cà phê hay ly nước quả ép, nghe vài bản nhạc ưa thích. Đời bày cuộc vui, đời cũng bày luôn những chuyện trớ trêu mắt không muốn thấy tai không muốn nghe. Cô từ chối đi ăn trưa với sếp và đối tác. Cô bảo rằng mệt và muốn về sớm. Có một hội chứng thật của chiều thứ bảy kéo dài, ám ảnh nhiều năm mà cô không định hình được nó là gì. Nỗi bâng khuâng mơ hồ, nỗi buồn vu vơ không rõ hình hài, nỗi chán chường nhẹ trong cái mệt mỏi dồn ứ của một tuần làm việc. Cảm giác đợi chờ ai đó, cái gì mà không biết là ai, cái gì. Mơ mơ hồ hồ, lãng đãng của ảo giác khi mọi người về hết, ký túc xá vắng lặng chỉ còn mình cô trong cái nôn nao, bồn chồn, thấp thỏm. Cô chưa bao giờ lý giải được. Tuy nhiên, cô biết, hội chứng này sẽ qua nhanh khi chiều qua nhanh, vấn đề là chịu đựng, gặm nhấm nó hay tìm cách lấp đầy khoảng trống. Cô bước vào quán trong vô thức. Khi cô ngồi xuống, đặt túi xách lên bàn định mở điện thoại truy cập một trang mạng mà cô sực nhớ cần phải kiểm tra lại thì cô thấy anh. “Về đi em, Sài Gòn lúc nào cũng vui!”. Dòng chữ trong khung chat bỗng dưng hiện ra trước mắt cô, lồ lộ, rõ ràng, capslock, in đậm. Anh không ngồi một mình mà với một mái tóc buông dài cô không rõ mặt. Vừa lúc cậu phục vụ bước đến đưa tấm menu thì cô bỗng nghe giọng mình nhẹ, thoảng nhưng dứt khoát: “Xin lỗi tôi nhầm điểm hẹn một người bạn. Anh thông cảm nhé”. Cậu phục vụ cười nhẹ, dễ dãi: “Vâng, không sao đâu chị. Hy vọng lần khác chị lại đến”.
Hình như có bước chân đuổi theo hay cô tưởng tượng? Đường phố đông đúc xe cộ và người dù là trưa thứ bảy. Thành phố này chẳng bao giờ biết buồn và cô đơn. Chỉ có con người sống trong đó buồn và cô đơn, thảng hoặc hoặc triền miên.
Sau đó là những dòng inbox tới tấp đến từ một phía không có lời hồi đáp cho dù cô biết phía bên kia đã hiện lên chấm tròn nhỏ có hình đại diện trên điện thoại hay dấu tick trên máy tính báo cho biết cô đã đọc. Cô thấy mình giống nhân vật trong một tiểu thuyết ngôn tình khi post lên Facebook dòng trạng thái: “Sài Gòn lúc nào cũng vui?” và khóa hẳn trang cá nhân sau đó ba giờ với 65 lượt like và hai dòng bình luận, ừ thì Sài Gòn vui mà, bởi Sài Gòn bao dung nên Sài Gòn lúc nào cũng vui!
Hai người giăng lưới đã lên bờ, ướt sũng, buồn hiu. Vẻ thất vọng thấy rõ khi trong cái xô chỉ vỏn vẹn vài con cá bé tí. Họ bàn bạc với nhau gì đó rồi kéo sang phía bên kia, ở vị trí đối xứng với điểm buông lưới khi nãy qua bóng chiếc cầu in xuống mặt nước. Cô bé phục vụ hỏi cô mang thức ăn ra được chưa? Cô chỉ gọi một cái lẩu nhỏ cho một người. Quán vắng. Giai điệu của jazz nhẹ, chậm rãi, bình tĩnh, mượt mà vừa dứt để lại một khoảng lặng ngắn rồi bắt đầu một chuỗi giai điệu về những câu chuyện thật buồn và rơ ràng hơi chơi vơi trong không gian rộng rãi, thoáng, loãng này. Đôi nam nữ bàn bên cạnh đang chụm đầu chú mục vào máy ảnh. Thức ăn trên bàn bốc khói nghi ngút nhưng xem ra những tấm hình thú vị hơn cái mùi thơm phức kích thích vị giác. Cô cầm máy hình đứng lên bước đến tựa người vào lan can khi cô phục vụ bày bàn. Một con cò đậu trên dề lục bình trôi chậm gần sát. Nó tìm bắt cá. Cô nín thở. Những tấm hình hứa hẹn sẽ rất đẹp, rõ nét. Cô bấm liên tiếp cho đến khi con cò liệng chao lên và từ từ bay xa mất hút. Cô chụp được những khoảnh khắc nó đang ngậm con cá, chúi đầu xuống nước và lúc nó buông thả đôi chân, chấp chới đôi cánh. Tự nhiên cô thấy lòng rộn rã mà không biết niềm vui từ cái gì, giữ lại một khoảnh khắc hiếm có hay chứng kiến được những chuyển động rất nhỏ của tự nhiên?
Tin nhắn lại đổ nhạc. Lần này cô cầm lấy điện thoại và mở hẳn biểu tượng SMS: “Em đang ở đâu?”. Trước khi khóa Facebook, messenger của cô đầy đủ các tiện ích của phiên bản mới nhất. Nó chỉ rõ vị trí của cô và bạn bè, thông báo cho biết khi có ai đó vừa xuất hiện ở gần. Chạy trốn cuộc chơi không phải là kế sách tối ưu khi con người vẫn còn muốn có một sợi dây liên lạc ảo dù chỉ riêng mình biết. Tuy nhiên, đôi khi tiện ích của công nghệ cũng gây ra lắm điều phiền toái. Không thể đồng thời ẩn vị trí của mình mà rõ vị trí người khác, cuối cùng phải chấp nhận biệt tăm tích về nhau.
Cô bé phục vụ đã dọn bàn xong, lên tiếng mời cô dùng bữa. Mùi thơm đánh thức các giác quan. Cô lấy muỗng nếm thử và thấy nó có vị ngọt hơi quá của đường. Cô không thích những món ăn có vị đường, nó lấy mất và lấn át nhiều vị tự nhiên của nguyên liệu, dễ thành giả tạo.
Tin nhắn thứ sáu đổ nhạc, kéo dài, ai oán, tuyệt vọng: “Cho anh biết em đang ở đâu?”. Cô bấm nút tắt màn hình và thong thả gắp bún bỏ vào chén.
Từ xa một chiếc sà lan nặng nề lừ lừ trôi đến. Lục bình dạt hết về bên này. Nước vẫn xuôi dòng. Có lần ai đó nói với cô, nước lên xuống, xuôi ngược cả ngày nhưng cô chưa bao giờ thấy được chính xác thời điểm con nước đổi chiều dù khá nhiều lần ngồi ngắm sông rất lâu với anh hồi cô mới trở về. Những ngày lang thang khắp xó xỉnh Sài Gòn bỗng dưng tấp nập trở lại. Con đường mòn ngoằn ngoèo vừa đủ chiếc xe máy, có lúc bị cọ quệt lạt sạt bởi đám cỏ dại cao quá đầu. Những trưa, chiều ngồi bên sông, những câu chuyện trôi theo dòng nước hết vơi lại đầy. Những con phố kín người trong một lễ hội. Ngôi chùa nằm trên một cù lao giữa sông cùng ly cà phê nóng thơm dịu trong buổi chiều êm ả đến nao lòng. Ngôi giáo đường bỏ hoang chằng chịt dây leo và cỏ tranh với bước chân trẻ thơ sục sạo. Quán cà phê vắng, trang trí đẹp và lãng mạn luôn có những giai điệu ngọt ngào. Sài Gòn vui và ấm áp. Như bàn tay siết chặt đón cô trở về. Nồng ấm nào rồi cũng nhạt phai ư? Tại cô suy nghĩ mông lung và hạn hẹp trong phân tích, nhận định hay bởi cô muốn dành riêng cho mình cảm nhận về một Sài Gòn cô đơn, giằng xé?
Cô lơ đễnh nhìn ra mặt nước lúc này đã khá thoáng. Những chiếc xe máy trôi qua cầu từ hai phía như những con kiến cần mẫn với trò chơi dự báo thời tiết. Bỗng dưng cô nhớ lại bài toán cộng hưởng khi hai tần số trùng nhau trong dao động cưỡng bức. Trên đời này chuyện gì lại không thể xảy ra? Lục bình trôi đi rồi nó sẽ trở về khi con nước đảo chiều. Cuộc sống cũng vậy, tất cả chỉ là một chu kỳ tuần hoàn của vạn vật, buồn, vui, khổ đau, hạnh phúc, bế tắc, hân hoan đều có quy luật đến và đi. Cô muốn lấy máy hình ghi lại khoảnh khắc chiếc sà lan trôi qua cầu nhưng lại đâm trách mình bị phụ thuộc vào nó quá nhiều mà không chịu tận hưởng cảnh vật thật ngay lúc này đây. Và, trong cái khoảnh khắc cô đang phân vân giữa giữ lại hình ảnh trên võng mạc hay trong máy hình thì cô thấy chiếc sà lan dường như bị chệch hướng. Mọi thứ diễn ra rất nhanh sau đó bởi một tiếng động kinh hoàng làm tê liệt hết các giác quan. Cột nước tung bắn cao bung xòe như một dòng suối vào thời điểm phun trào. Sau đó thêm một tiếng nổ rầm trời, tóe lửa và khói bốc lên. Cô như hóa đá, chết trân. Lúc cô bình tĩnh lại thì chung quanh cô có rất nhiều người. Họ ồn ào chỉ trỏ về phía cầu. Cô thấy tim mình đau nhói, tức thở khi nhìn thấy phía nhịp cầu sà xuống sông có một chiếc xe máy lơ lửng. Tiếng lào xào. “Trời, may quá họ bơi vào nắm lấy được thanh sắt rồi kìa…”. Người đổ về đầu cầu cũng như về quán càng lúc càng đông. Cô thấy lồng ngực nặng trĩu và thở khó nhọc. Vô thức cô mở điện thoại, vào biểu tượng tin nhắn, bấm nói chuyện với một người:
“Em đang ở… Có một chuyện kinh khủng quá sức chịu đựng của em. Anh đến với em gấp đi”.
Cô buông điện thoại, chỉ kịp nghe mơ hồ từ rất xa vọng lại: “Anh sẽ đến nhanh nhất”.
Trong tiếng lao xao, có người ngất xỉu, cô thấy mình đang đi trên một chiếc cầu, rồi chiếc cầu bị đứt gãy đột ngột, cô thấy mình chới với bám vào một thanh sắt, trườn lên đó và rồi đột nhiên mọi thứ tan biến khi cô thấy mình đi giữa công viên với K., có rất nhiều con khỉ và K. xách theo một chiếc hộp thật lớn đựng côn trùng. K. nói đám côn trùng sẽ hóa thành lũ bướm màu xanh. Rồi cô thấy mình đi với H. trong một chiều nắng nhạt ở G. Gió thổi mạnh và lạnh, tai cô ù đi vì gió. Cuối cùng cô thấy anh và cô lang thang trên một cánh đồng lau trắng rập rờn, lóa mắt. Hình như phía trước là dòng sông, có một người ngồi ôm gối ngó mông lung. Rồi mọi thứ chấm hết khi cô nghe có tiếng nói bên tai: “Em không sao mà, anh sẽ đưa em về nhà”.
Người đổ về càng lúc càng nhiều. Anh dìu cô bước chậm và họ rất khó khăn mới thoát khỏi đám đông. Anh đỡ cô lên ghế ngồi và đóng cửa xe. Cô nhìn qua cửa kính. Khói nhuộm đen một khoảng trời. Hàng trụ điện bê tông bị dằn nghiêng hẳn về một phía, dây điện đứt sà ngang dọc. Cô nhắm mắt, lục bình về dày đặc, hình như nước bắt đầu xoay chiều. Những con cò vẫn vô tư chập chạ. Ánh nắng mặt trời đang vào lúc quái nhất.
Cô nghe Adele thổn thức: I remember you said: “Sometimes it lasts in love. But sometimes it hurts instead”. Never mind. I'll find someone like you...” (*)
Anh nắm lấy tay cô, mọi thứ qua hết rồi, em. Nhưng cô chắc chắn, nhiều năm sau nữa cô khó có thể quên được cảm giác chết đứng, khó thở, mất ý thức mà cô đã chịu đựng, hôm nay.
(*) Bài hát I'll find someone like you của Adele - Em nhớ anh đã từng nói: “Đôi khi tình yêu kéo dài yêu thương. Nhưng đôi khi nó bị thay thế bởi nỗi đau”. Đừng bận tâm. Rồi em sẽ tìm thấy một ai đó như anh.
Bình luận (0)