Về đi Giang! - Truyện ngắn của Nguyễn Hữu Tài

13/03/2016 04:52 GMT+7

(Thương tặng các em Trung, Mai, Xuân và Tùng) 1 Giang xuống bus, ngay trạm trước Trường Đinh Tiên Hoàng, lững thững đi về phía trung tâm thị xã.

(Thương tặng các em Trung, Mai, Xuân và Tùng)
1 Giang xuống bus, ngay trạm trước Trường Đinh Tiên Hoàng, lững thững đi về phía trung tâm thị xã.

Minh họa: Văn NguyễnMinh họa: Văn Nguyễn
Trời cuối hè thiêu đốt, như đổ lửa đổ than xuống lòng đường, tỏa hơi nóng ngùn ngụt, hắt lên mặt cô mùi dầu ngai ngái. Còn mấy cây số nữa mới tới nhà Bảo. Đi bộ kiểu này một hồi chắc sẽ bị nung chín thành heo quay. Nhưng kệ, Giang muốn một mình dạo bước trên những lối mòn xưa cũ, nơi ba năm trước, cô nghĩ, sẽ trở thành quê hương thứ hai của mình.
Sáng nay Bảo nói sẽ xin nghỉ làm đi đón Giang. Nhưng cô chẳng biết mình lên xe lúc nào, vì còn phải đi lòng vòng Nha Trang với ba đứa em nữa. Với lại quê anh có lạ gì đâu mà đưa với đón. Anh cứ đi làm, trưa về gặp mặt cũng không sao.
Mà đúng là không lạ thật. Những con đường to nhỏ nơi đây, như tiềm thức, đưa đường dẫn lối Giang tìm lại những kỷ niệm năm xưa.
Lúc xong đại học, Bảo bỏ lại năm tháng thanh xuân tươi đẹp, rời phố thị ồn ào, chia tay những ngày trẻ trai hoang hoải, quyết định về lại quê nhà tìm việc mà không cần đắn đo hay suy nghĩ thiệt hơn. Còn Giang, với tấm bằng báo chí trong tay, cô xin làm phóng viên tập sự tại một tờ báo khá nổi tiếng ở Sài Gòn. Bốn năm gặp gỡ và yêu thương, đủ để tạo dựng cho cả hai lòng tin vững chắc, không đứa nào phản bội lẫn nhau.
Đùng một cái, nhà Giang nhận được giấy gọi phỏng vấn đi Mỹ. Mười mấy năm chờ cậu làm thủ tục bảo lãnh, tuổi xuân đi qua chẳng trở lại bao giờ. Giang đã hai mươi lăm, quá tuổi để cùng gia đình sang Mỹ theo quy định. Và cũng đã rất nhiều năm, cô không suy nghĩ về giấc mơ Mỹ nữa. Bao cung đường hùng vĩ, New York xa hoa, lá vàng rơi lả tả lúc thu sang, hay miền tuyết trắng trải dài đến tận chân trời giữa mùa đông lạnh lẽo, qua lời kể của anh chị, đã lùi sâu vào dĩ vãng. Giang bằng lòng với những gì mình đang có và hào hứng chuẩn bị cuộc sống vợ chồng với người yêu. Ai dè, khi Sở Di trú gửi thư thông báo, gia đình đã được xét duyệt visa (và tất nhiên Giang không có trong danh sách), cậu Hai bèn nhờ luật sư viết đơn khiếu nại, vì khi làm hồ sơ, cô còn ở tuổi vị thành niên. Giờ vẫn độc thân, ở cùng ba mẹ.
“Ý tốt” của cậu nào ngờ trở thành cơn ác mộng. Mọi dự định về tương lai, sự nghiệp hay cuộc hôn nhân với Bảo phút chốc tan tành. Ba mẹ đã ngoài năm mươi. Mấy đứa em chỉ mới mười chín, đôi mươi chưa nếm trải sự đời. Làm chị lớn như cô không thể ở lại bên này tận hưởng khoảnh khắc tự do, long nhong khắp Sài Gòn mỗi tháng kiếm vài triệu bạc, hay lấy chồng, về Ninh Hòa làm dâu, để người thân phải ngụp lặn ở quê người xứ lạ. Nơi mà cậu Hai và người thân kể lại những gian truân trong nghẹn ngào khó tả. Để có được sự ổn định hôm nay, họ đã đánh đổi bằng sức khỏe, tuổi tác và cả năm tháng thanh xuân tươi đẹp của mình.
Hai tháng dài đằng đẵng, trong đầu Giang chỉ quanh quẩn mấy câu quen thuộc: Ra đi hay ở lại? Sống vì mình hay cho gia đình? Tự do vẫy vùng trong giấc mơ Mỹ hay làm một người vợ hiền ở nơi “chó ăn đá gà ăn sỏi”? Cô thất thần đi hỏi bạn bè ở Việt Nam lẫn Mỹ. Mười người thì hết chín bảo nên đi. Chồng thì không thằng này cũng có thằng khác. Chứ gia đình và cơ hội chỉ có một mà thôi.
Giang hỏi Bảo muốn em phải làm gì? Đi hay ở? Em tôn trọng quyết định của anh. Bảo cắn chặt môi, rồi nói: Em lớn rồi, đủ sức quyết định đời mình. Với lại khi em hỏi anh câu ấy, nghĩa là trong em đã có thêm một sự lựa chọn. Mà khi em đã có sự lựa chọn khác, nghĩa là em không toàn tâm toàn ý với quyết định ban đầu. Vậy hãy làm theo những gì lòng em mách bảo, để sau này khỏi hối hận, băn khoăn.
Giang khóc hết ba ngày trước những lời tưởng nhẹ nhàng nhưng chua chát như kim châm muối xát ấy. Không suy nghĩ gì thêm nữa, cô gạt nước mắt, quyết định ra đi.
Những ngày đầu chập chững nơi xứ người, vất vả đi học, đi làm kiếm tiền ổn định cuộc sống, các cuộc nói chuyện giữa Bảo và Giang chỉ xoay quanh một câu hỏi: Anh có đợi em không? Trên màn hình iPhone, qua Facetime mờ ảo, lần nào Giang cũng thấy Bảo trầm tư hết năm giây, rồi nhoẻn miệng cười không nói. Chỉ một lần duy nhất, Giang nhận được lá thư tay anh gửi giữa một ngày Nashville tuyết đổ. “Anh không biết hai đứa mình có mãi đợi nhau không. Em cứ làm những gì mình thích. Đi tới tất cả những nơi em muốn. Thậm chí tìm một người nào đó để yêu thương. Tới lúc mòn chân phiêu lãng, trở về, hai đứa còn duyên và chưa có người nào khác, nhất định sẽ mở rộng lòng, bắt đầu lại cuộc tình dang dở. Còn không, sẽ buông tay, để tụi mình mãi mãi như hai bóng mờ dĩ vãng. Không nợ, chẳng nần, không một lời oán trách, bởi có lần nào đó trong đời, mình đã thuộc về nhau”.
2 Giang lặng lẽ ngồi cạnh Bảo trên đỉnh núi Ổ Gà, dõi mắt nhìn đèo Bánh Ít đông đen xe cộ vào buổi chiều nắng nhạt. Phía tay trái Giang, nhà cửa thấp cao chen giữa cây cối xanh tươi, đồng lúa mênh mông trải dài vô tận. Trước mặt, bên dưới núi Hòn Hèo phủ đầy mây trắng, là đầm Nha Phu màu mỡ cá tôm, nơi con sông Dinh tìm về và đổ dồn ra biển. Còn bên phải, thị xã Ninh Hòa, khuất mình trên quốc lộ bắc - nam, buồn như bản bolero lạc lõng giữa dòng đời hối hả. Chiều tháng chín, khi hoa cúc vườn nhà bên nở rộ sắc vàng, hai đứa thả lỏng lòng, lãng đãng tìm lại vài kỷ niệm ngọt ngào, lơ thơ tuổi thanh xuân mơ mộng.
Bao năm yêu thương vời vợi, Bảo nhiều lần dẫn Giang về phố thị, chở nhau trên chiếc Cub cánh én cũ mèm, dọc ngang khắp cùng ngõ hẻm. Phố của anh và Giang, những con đường nho nhỏ, ngoằn ngoèo, chẳng đèn xanh đèn đỏ, không xe cộ ồn ào, hay người bấm còi tin tin. Nơi ấy, có cánh đồng vào vụ trơ chân rạ, mấy chị nông dân ra giữa sân phơi lúa nói cười, từng đoàn xe công nông kĩu kịt chở thóc về kho. Xa xa, ai đó đốt đồng khói bay đầy giữa nền trời xanh thẫm. Anh chở cô đi ăn tô bún cá ngon nhất trần đời. Ghé bên đường ăn thêm hai cuốn chả cuốn chấm nước tương và mấy cái nem ủ chua bằng lá chùm ruột. Chưa no bụng, hai đứa ghé lại hàng ốc ngựa, ốc nhảy, ốc hương nướng mọi, với ốc bươu hấp sả ngon kinh hồn.
Cũng ngay tại mỏm đá cheo leo trên núi Ổ Gà này, hai đứa đã khúc khích mơ về một đám cưới thiệt vui của mình. Trước ngày rước dâu, trai tráng trong làng kéo tới nhà hò hét chặt tàu dừa che rạp trước sân, treo hoa giấy bồng bềnh như mây trời đầy bốn góc, đủng đỉnh từng chùm toòng teng trước cổng. Bà con lối xóm ai cũng lăng xăng cắt cổ gà làm lagu, chặt vịt ướp chao, xắt thịt thiệt mỏng, làm bò quanh bếp hồng thơm ngát. Má hối chị dâu ngâm nếp, hầm đậu, vắt dừa làm xôi bảy màu với bánh xu xê đãi khách. Ba chắp tay sau đít, đi ra đi vô kêu đứa này đi mượn ghế, biểu đứa kia đi lấy thêm chén đũa, la đứa nọ sao cứ ngồi đó ngó hổng chịu phụ tay phụ chân làm cho lẹ chứ mấy năm rồi nhà mới có một đám cưới rộn ràng.
Ngày cưới, đầu trên cuối ngõ, cả làng nô nức như hội kỳ yên, xôn xao bàn tán. Rước nhà gái về rồi. Rước nhà gái về rồi tụi bây ơi. Nghe con nít la trước ngõ, chú Bảy bật quẹt, châm mớ pháo bông tung tóe lên trời. Bạn bè anh áo màu xanh đỏ, chân lóng cóng mang giày, tay bưng mâm trầu cau, quả hỏi, tủm tỉm vô nhà. Lũ con nít nhảy lò cò, trèo lên cây ổi trước sân, la ỏm tỏi khi anh hun nhẹ lên mặt cô dâu.
Cô dâu chú rể
Đập bể bình bông
Đổ thừa con nít
Bị đòn tét đít
Cô dâu ngồi khóc
Chú rể ngồi cười
Cô dâu năm mười
Chú rể chạy trốn.
Má anh mặc áo dài xanh, cổ đeo dây chuyền vàng cười toe toét. Ba mặc áo vest đứng dưới cổng lá dừa bắt tay, choàng vai rước họ và bà con chòm xóm vô nhà làm lễ. Anh đứng bên cô dâu xinh xắn, thầm thì vào tai hỏi nhỏ, em có yêu anh không? Hỏi chơi thôi chứ cưới xin rồi, sắp ở chung nhà, ăn chung mâm, ngủ chung giường mà không yêu sao đặng.
Vậy mà đùng một cái, Giang đành đoạn bỏ Bảo để ra đi.
Ba năm, hai đứa gặp nhau đúng một lần, rồi việc ai nấy làm, đời ai nấy sống. Hơn ngàn ngày xa cách, cả hai giữ liên lạc bằng những tin nhắn có lúc ngọt ngào, khi thì dửng dưng, lạnh lùng trên Facebook. Hay thỉnh thoảng Facetime nói chuyện và những lá thư tay cô nắn nót gửi về. Giang vẫn mỏi mòn chờ cái gật đầu từ Bảo, để khi nào có quốc tịch, cô sẽ bảo lãnh anh sang. Chứ làm sao về cho được khi mọi thứ vẫn rất ngổn ngang. Nhà cửa vẫn còn thuê mướn, học hành cũng chẳng thấy xong. Nhưng nhiều lần Giang cũng tự hỏi với lòng, khi không có người yêu bên cạnh, giữa một môi trường đầy rẫy các mối quan hệ của Bảo bên kia và bao người Việt ở chỗ làm hay những gã Mỹ ở giảng đường, tuy hơi cục mịch nhưng lúc nào cũng ân cần thái quá, liệu anh và cô có gìn lòng giữ dạ mãi chăng? Mười mấy ngàn dặm xa xôi cách trở, khi con sóng bờ bên này không sang nổi tít tắp bờ bên kia, thì tình yêu lấy gì đắp bồi mà tồn tại?
Hôm rồi ở Sài Gòn, Giang có tới thăm anh Trung, người quen của cô bên Mỹ. Hơn hai năm trước, anh bị tai biến, vỡ mạch máu não sau khi đi làm về. Trung tâm 911 phải điều trực thăng tới cứu. Mọi người đã chuẩn bị tang lễ bởi theo lời bác sĩ, anh chỉ có mười phần trăm cơ hội sống sót. Vậy mà Trung vẫn hồi phục một cách thần kỳ không thể nào ngờ tới. Sau một tháng nằm ICU (1) và hai tháng ở Rehab (2), anh xuất viện, về nhà dưỡng bệnh. Và Trung kể, đó là những ngày kinh khủng nhất đời mình. Việc duy nhất anh có thể làm là uống thuốc đúng giờ rồi chờ y tá tới nhà tập vật lý trị liệu. Hơn một năm luẩn quẩn trong nhà chờ con đi học, vợ đi làm về, anh đâm ra sợ những chiều tắt nắng. Nhất là khi trời bắt đầu chuyển sang tháng mười một. Ngày cứ ngắn dần, ngắn dần mê mải. Ngồi bên cửa sổ, nhìn ra đường, mới ba giờ nắng nhạt lắm rồi, bốn giờ mặt trời đã về sau núi. Ngoại ô Nashville hoang vắng, không một tiếng xe bóp kèn hối hả, cũng chẳng có tiếng người náo nhiệt xôn xao. Quanh anh chỉ có trận gió hoang vu thổi từ đồng cỏ như khóc hờn than oán, hay thỉnh thoảng có tin báo lốc xoáy trên ti vi kinh khiếp. Cứ như anh bị cuộc đời ruồng bỏ trên hoang đảo xa xăm.
Tới mùa đông thứ hai, Trung không thể chịu nổi cảnh im ắng rợn người ấy nữa. Anh cũng lờ mờ nhận ra Loan coi anh như một gánh nặng phải đeo mang sau cả ngày miệt mài trong tiệm nails bộn bề khách khứa. Trung nói với vợ, thôi cho anh về Việt Nam, để ba má và em trai chăm sóc. Có bạn bè, người thân một bên, biết đâu anh sẽ nhanh chóng phục hồi, rồi lại sang đây đi làm, kiếm tiền lo cho mẹ con em. Ở đây thêm ngày nào, chắc anh lên cơn tâm thần mất. Không cần đắn đo suy nghĩ, Loan gật đầu đồng ý và thu xếp cho anh về lại quê xưa.
Một năm ở Sài Gòn, trông coi quán ăn của em trai, Trung đã hoạt bát, tươi tỉnh nhiều hơn trước. Không còn phải ngồi một mình đối diện những buổi chiều rơi trên xứ người hiu hắt. Chỉ có điều, di chứng của lần chết hụt vẫn còn trên nửa phần thân thể. Những bước đi chậm rãi, cánh tay thỉnh thoảng run run khi cầm nắm, nói năng có phần ngập ngừng, đứt quãng. Chỉ cần vài tháng vật lý trị liệu nữa, mọi thứ sẽ trở lại bình thường thôi em.
Nhắc tới Loan, anh bỗng chạnh buồn. Đôi mắt biết nói của Trung ủ đầy tâm sự. Anh có giận chị ấy không? Bà con bên đó nói ra nói vô dữ lắm. Vợ chồng ăn đời ở kiếp, có hai đứa con ràng buộc, mà mới một năm xa cách, chị đã tìm cho mình một bến đỗ chẳng lấy gì hợp pháp. Không em à. Những lúc như thế này Loan cần một người đàn ông cận kề sẻ chia chăm sóc. Anh đã nhận ra sự khác lạ của cô ấy sau sáu tháng nằm nhà. Loan đi sớm, về muộn và hay gắt gỏng với anh. Em biết rồi đó, bệnh tật nằm nhà, anh nhạy cảm với mọi thứ xung quanh. Nhiều bữa cứ hay tủi thân, tự giày vò, thấy mình đớn hèn và bất lực. Anh chỉ thương hai đứa nhỏ. Tụi nó chưa đủ lớn để hiểu được chuyện gì đang xảy ra trong cuộc đời ba má chúng. Anh đã bàn với Loan, Noel này nhờ Dũng sang dẫn hai đứa về chơi ít tuần. Còn chuyện thủ tục thì cũng đã bắt đầu. Năm tới anh qua đó ký là xong.
3 Giang dõi mắt nhìn về trung tâm thị xã. Chiều nay mọi thứ chung quanh bỗng nhiên buồn rưng rức. Mà cái buồn bữa nay lạ lắm. Nó không buồn rụng, buồn rời như những chiều đông Nashville tê tái bên kia trời. Mỗi bữa, sau khi đi học, đi làm về, cô thường đi trên lối mòn đại lộ Broadway, một mình chui vô bar uống ly Jack Danile’s và nghe country thật đã. Giọng hát trầm ấm của chàng ca sĩ miền viễn tây có lồng ngực rộng như đồng cỏ không thấy đâu bờ bãi, cứ như thanh tre vót mỏng, cứa qua cứa lại trên vết thương lòng chưa kịp liền sẹo, kéo da non. Hay những ngày cùng mấy đứa em road trip khắp hang cùng ngõ hẻm. Từ Nashville chạy qua Memphis, ghé thăm lâu đài của Elvis Presley, nghe rock ‘n’ roll trong từng nhịp thở. Tới New Orleans nghe ca sĩ tung hứng với blues và jazz ở đại lộ Bourbon. Vô French Quarter uống một ly cà phê sữa đá và ăn đĩa bánh beignets thiệt ngon ở Café Du Monde. Rồi băng qua các cây cầu bắc ngang những đầm lầy rộng nhất nhì thế giới của Louisiana, men xuống vùng đồng quê Texas, thỏa thích với thau crawfish ngon không thể nào tả nổi. Trong đầu Giang lúc đó chỉ ước có Bảo ở đây, hai đứa chạy một lèo lên tận Chicago, ghé công viên Millennium, đứng dưới hạt đậu thủy tinh khổng lồ, để như Leo và Paige, hai nhân vật trong phim The Vow, trao cho nhau một lời thề ước. Dù cuộc đời đẩy xô thế nào đi chăng nữa, hai đứa vĩnh viễn sẽ tìm về lại với nhau.
Nhưng bên cạnh Giang lúc ấy chỉ là bốn bề gió nổi. Không một tiếng ân cần nhắc nhở, cũng chẳng một lời an ủi dịu dàng, hay nụ hôn đê mê siết chặt. Tự nhiên Giang thấy yếu lòng dễ sợ. Những lúc như thế này chỉ cần một ai đó nói thương yêu, chắc Giang sẽ ngã vào vòng tay họ, để lòng bớt đi niềm trống trải miên man.
- Mai mấy giờ tàu chạy?
- Tám giờ sáng.
- Có gì anh chở em ra ga rồi đi làm luôn.
- Ừa. Nếu anh rảnh.
- Khi nào em về bển?
- Tuần sau. Anh có người
yêu chưa?
- Vẫn ế.
Bảo bật quẹt, đốt điếu
“con mèo”, thả khói phì phèo về phía trước.
- Anh hút thuốc từ khi nào?
- Từ lúc bị bỏ rơi…
Tiếng Bảo hòa với tiếng gió vi vu ấm áp lạ thường, vậy mà Giang cứ ngỡ như anh đang thì thầm một lời oán trách.
- Vậy mình tiếp tục đợi nhau nữa hả anh?
Bảo rùng mình khoảng hai giây. Vai run run lên vì xúc động.
- Có gì đâu mà chờ với đợi hả em?
Bảo đang nói dối! Bao tháng bao năm anh vẫn mòn mỏi đợi Giang về. Ngày đó, Bảo biết, chỉ cần anh kêu cô ở lại, thì Giang sẽ nghe lời và hai người sẽ bắt đầu xây dựng một mái nhà hạnh phúc. Nhưng anh không cho mình cái quyền ấy. Anh không thể rứt Giang ra khỏi gia đình và người thân ruột thịt. Anh không thể bắt cô sống bên cạnh mình mà tâm hồn trông ngóng về phương trời xa thẳm. Rồi lỡ tình yêu không như ý muốn, cuộc hôn nhân không thành trọn vẹn, anh sẽ cả đời có tội với cô.
Ngày Giang bước chân lên máy bay, Bảo biết, mình gần như mất cô vĩnh viễn. Bởi tận sâu trong tâm khảm, Bảo không nghĩ mình sẽ rời bỏ chốn yên bình này, để cùng cô sang bên ấy, làm lại cuộc đời. Anh cũng thừa biết, Giang chẳng thể bỏ gia đình để về đây gắn bó với mình suốt kiếp. Những đứa bạn anh sang Mỹ, sang Tây du học, có đứa trở về Sài Gòn lập nghiệp, có đứa quay quắt tìm đường ở lại xứ xa. Con trai còn bay nhảy chốn này chốn nọ. Còn con gái, tụi nó bảo về làm gì khi tuổi sắp ba mươi, không có gì ngoài bằng cấp. Nhà khá giả, có công ty này nọ không sao. Tụi tao sợ cảnh vác hồ sơ xin việc khi không có nhiều kinh nghiệm. Nhiều đứa bỏ tiền kết hôn giả hay chấp nhận cưới một người lòng dạ chẳng yêu. Để đêm về, chung chiếu chung chăn, mới biết con tim không cùng nhịp đập.
Ma lực của cái thẻ xanh và cuốn hộ chiếu màu xanh đen vẫn vô cùng mãnh liệt. Đủ để người ta bất chấp tất cả, chỉ mong muốn đổi đời.
Bạn bè luôn bảo anh ngu. Tại sao không gật đầu để vài năm nữa Giang có quốc tịch, bảo lãnh mày sang, vừa gần người yêu, vừa đi làm kiếm tiền, đôi đường vẹn cả. Rồi tới phiên mày thành người Mỹ, bảo lãnh ba má, anh chị qua, rời xa cái thị xã hắt hiu này, thênh thang cuộc đời cao rộng. Vậy mà Bảo lại dửng dưng trước tương lai thơi thới đó. Mặc cho bọn trẻ chung quanh mê đi Tây đi Mỹ, ham Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn, say sưa với những dự án, cung đường khám phá, ba anh em Bảo dường như thoát khỏi cái vòng cương tỏa. Đất đai, sông nước Ninh Hòa như hóa thành trăm ngàn hạt bụi, cuộn hòa cùng máu thịt tụi anh. Năm dài, tháng rộng, đi đâu cho đã rồi cũng chỉ nghĩ đến hai tiếng trở về. Anh Khánh sau mấy năm bôn ba với vợ ở Hà Nội, nhà cửa có sẵn, việc làm ổn định, lương mỗi tháng hơn ngàn bạc, vậy mà cũng bỏ hết, lôi vợ con về lại quê nhà. Giờ lương anh năm triệu, chị dâu dạy học mỗi tháng chắc được hai triệu. Nhiều khi lên lớp, cô nói cô hiểu, trò nói trò hiểu, vì với tụi nhỏ ở quê, cô toàn nói tiếng… hành tinh lạ. Anh Tân sau bốn năm học ở Sài Gòn, cũng về Nha Trang làm việc. Rồi ba xin cho một chân trong ủy ban huyện, thế là quay về cận kề hôm sớm với gia đình.
Bảo đã quen lắm rồi những con đường, quán xá, hàng cây, món ăn mặn lạt chốn này. Cuộc sống bao năm vẫn thế, nhẹ nhàng, an nhiên và bình thản. Sáng cà phê, trưa cơm nhà, chiều lê la vỉa hè, lai rai vài chai bia lạnh. Đôi khi anh nghĩ, nhịp sống vội vã ngoài kia đã vô tình bỏ rơi phố thị. Nhờ thế, kỷ niệm của anh và Giang bao năm trời vẫn nguyên vẹn, chẳng đổi thay.
Hạnh phúc đối với Bảo đơn giản là mỗi ngày được nhìn thấy ba má, anh chị, cháu chắt khỏe mạnh, tươi cười. Mỗi trưa và chiều, được ăn với nhau bữa cơm gia đình đầm ấm.
4“Mười lăm phút nữa tàu sẽ tới”. Tiếng cô nhân viên dõng dạc trên loa, thúc hối mọi người ra sân ga bởi tàu dừng lại chưa đầy mười phút.
Bảo đứng đó, Giang đứng đây, sát cạnh bên nhau mà ngỡ có một biển đời ngăn cách. Giang muốn cầm tay anh thật chặt. Giang muốn ôm anh thật lâu. Giang muốn hai đứa hôn nhau đắm say như thuở mới bắt đầu bước vào cuộc yêu vội vã. Giang muốn nói với Bảo vài lời, có thể là một tiếng nhớ thương hay đôi câu nồng ấm, để anh nhoẻn miệng cười, chứ không phải ánh mắt buồn buồn và cái nhếch mép lạnh lùng, bất cần nhưng vô cùng khắc khoải.
Giang không thích cảm giác lửng lơ cá vàng này nữa. Giang muốn chính miệng anh thừa nhận, mối quan hệ của hai đứa bây giờ là gì? Bè bạn bình thường hay yêu thương như cũ? Giang cần một cái gì rõ ràng và chắc chắn, để làm động lực sống bên phía kia trời. Bảo không hiểu hay chẳng chịu hiểu, với những người xa xứ như cô, tiền bạc, cửa rộng nhà cao không là gì hết. Chịu làm việc cật lực vài năm sẽ có. Cái cô cần là một chút niềm tin vững chắc. Niềm tin vào đấng tối cao nhiệm màu, quyền phép. Niềm tin sẽ sớm trở lại quê nhà. Niềm tin có người đứng đợi mình ở phía cuối con đường sau bao tháng năm chia xa khắc khoải…
Nhưng sao môi miệng Giang lúc này đắng nghét. Cơ thể hoàn toàn bất động. Chẳng thể điều khiển nổi bàn tay hay giọng nói bản thân mình.
Tàu lừng lững tiến vào sân ga.
Mọi người nhốn nháo, tay xách nách mang xuống tàu, lên toa náo nhiệt.
Bảo xách ba lô cô, tiến về phía trước.
Giang thấy mình hóa đá, không thể nhấc nổi bước chân đi.
Bảo chậm rãi đi ngược về phía Giang, cầm tay cô thầm thì như một lời đề nghị. Giữa tiếng còi tàu kéo dài giục giã và giọng người cười nói xôn xao, tiếng anh như trận mưa trái mùa chảy tràn qua vùng đất khô cằn, sỏi đá nhưng sao Giang nghe như một lời ân cần dụ dỗ, lẫn trách hờn, tê tái, mặn chát ở đầu môi.
- Về đi Giang!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.