Về Hội An làm giàu

21/12/2005 21:58 GMT+7

Có rất nhiều bạn trẻ sau thời gian dài bôn ba vào Nam tìm việc, nay trở về Hội An và làm giàu nhanh chóng bằng nghề may quần áo cho... Tây.

Thời gian tính bằng "đô"

10 giờ sáng, cô Lose Vrises, du khách người Anh tìm đến cửa hàng vải D.D trên đường Trần Hưng Đạo mua một cái áo jacket. Sau một hồi lựa chọn, cô Lose Vrises quyết định mua một cái áo màu cà phê sữa, nhưng cái áo này lại hơi ngắn so với cô. Không nản lòng, cô yêu cầu chủ cửa hàng may gấp cho mình một cái áo tương tự như thế và đề nghị phải xong trước 12 giờ trưa, bởi 14 giờ chiều cùng ngày cô phải lên xe cùng đoàn tham quan thành nội Huế. Sau một lúc trao đổi về giá cả, thời gian với cô chủ Diễm, hai bên thống nhất. Vẻ mặt Lose Vriser tươi hơn khi biết được giá chỉ bằng 1/20 so với ở nước cô. Nhấc điện thoại, vài phút sau, chủ cơ sở may quen thuộc đã cử người đến nhận áo về may. Ở Hội An, giao dịch may áo quần cho khách du lịch diễn ra nhanh chóng... Diễm làm chủ cửa hàng vải D.D khi mới 26 tuổi và đang sở hữu một cửa hàng giày dép thời trang với số vốn đầu tư trên 1 tỉ đồng. Nói tiếng Anh lưu loát, nụ cười tươi luôn nở trên môi, giao dịch nhanh gọn với giá cả hợp lý... là lợi thế lớn khiến cho cửa hàng của Diễm luôn đông khách. "Hiện nay ở Hội An có vài trăm cửa hàng vải lớn nhỏ, cạnh tranh quyết liệt. Nếu kinh doanh chỉ lo lợi trước mắt, đánh mất uy tín thì khách hàng không bao giờ trở lại" - Diễm tâm sự.

Các "tập đoàn" may mặc

Những ngày giữa năm 2005, có một vị du khách người Anh tìm đến một cửa hàng vải trên đường Trần Hưng Đạo đặt hàng. Lô hàng này khá đặc biệt với 500 chiếc áo vest nam và nữ, mỗi cái áo như vậy là một số đo riêng. Thời gian mà vị khách này đặt hàng chỉ gói gọn trong vòng 20 ngày. Nếu không hoàn thành phải đền bù hợp đồng gấp 3 lần, lên đến hàng chục triệu đồng. Nhận hàng, chủ cửa hàng vải rất lo, nhưng không lẽ chào thua, đánh mất danh tiếng số 1 may đồ cho Tây mà Hội An tạo dựng lâu nay. Thế là chủ sạp vải gọi điện cho gần 10 cơ sở may, phân chia số lượng hàng. Đến ngày hẹn, ông khách người Anh đến đã thấy lô hàng 500 chiếc áo nằm gọn  trong những thùng hàng. Ngạc nhiên đến thú vị, ông khách giao tiền và không quên "bo" thêm cho bà chủ. Quen mối, vị khách này còn tìm đến để đặt hơn 7.000 chiếc áo sơ-mi và 3.000 túi xách, nhưng thời gian thì hạn hẹp hơn. Nghe chủ sạp vải ới một tiếng, đơn hàng lập tức được phân về các nơi... 15 ngày sau, lô hàng đã hoàn thành. Vị khách người Anh không hiểu vì sao mà lượng hàng lớn như thế được hoàn tất trong thời gian ngắn mà nhìn quanh chẳng thấy một người thợ nào? Anh K.B, chủ cơ sở may nằm trong hẻm đường Nguyễn Trường Tộ giải thích thắc mắc của vị du khách ấy cũng như của chúng tôi: "Ở Hội An, có 90% thanh niên làm nghề may, nếu không may quần áo thì cũng may túi xách, mũ nón, giày dép. Với lượng công nhân lành nghề này thì có đơn hàng nhiều hơn vẫn dư sức bàn giao đúng hạn".

Làm giàu từ nghề may

Năm 2000, N.C quê ở xã Cẩm Kim khăn gói về quê sau một thời gian dài tìm kiếm cơ hội làm giàu nhưng bất thành. Đang ngồi buồn ở nhà thì mấy đứa bạn rủ lên Hội An chơi, nhân tiện tìm một việc gì đó hợp với nghề thợ may đang thịnh hành ở phố cổ. Ban đầu chỉ giúp việc cho một cơ sở may áo quần cho khách Tây bên sông Hoài, dần dần N.C cũng tích lũy được kinh nghiệm, quyết mở cơ sở riêng. Nhờ nắm bắt nhanh nhu cầu của khách, siêng năng giao dịch với các chủ cửa hàng vải và giao trả hàng đúng hẹn nên N.C càng nhanh chóng tìm được chỗ đứng vững chắc. Trở thành ông chủ trẻ ở tuổi 30 với một cơ ngơi bề thế, thu nhập vài chục triệu mỗi tháng nhưng N.C vẫn như ngày nào, cần mẫn và say mê với công việc. Tương tự, T.P quê ở Đà Nẵng nắm bắt nhu cầu mua sắm quần áo của khách du lịch nước ngòai, cũng vào Hội An mở tiệm may áo quần. Lanh lẹ, nói năng chững chạc, T.P lội khắp các phố ở Hội An đặt quan hệ với các chủ cửa hàng vải - là nơi mà khách du lịch đến mua quần áo, để kiếm nguồn hàng. Cứ thế, mỗi ngày lượng khách hàng của T.P ngày càng nhiều, các đơn hàng tới tấp tìm đến T.P... Chỉ trong một thời gian ngắn, từ chỗ chỉ có 2, 3 máy may với dăm ba người thợ, T.P mở rộng quy mô, mua sắm hàng loạt máy may đắt tiền, tuyển vài chục thợ có tay nghề, giàu lên nhanh chóng.

Có ba nghề thu nhập cao nhất ở Hội An hiện nay được nhiều người nhắc đến: Số một làm chủ sạp vải, thứ hai làm du lịch, thứ ba làm nghề may! Khi mà lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến Hội An ngày càng nhiều thì ba nghề trên vẫn còn hái ra tiền dù rằng việc cạnh tranh ngày càng diễn ra gay gắt...

Hữu Trà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.