Vẽ khỉ chào năm Thân

28/01/2016 06:19 GMT+7

Một triển lãm tranh khỉ đa sắc được tổ chức theo cách vừa trưng bày vừa vẽ thêm tại Laca, 26 Lý Quốc Sư, Hà Nội.

Một triển lãm tranh khỉ đa sắc được tổ chức theo cách vừa trưng bày vừa vẽ thêm tại Laca, 26 Lý Quốc Sư, Hà Nội.

Các họa sĩ vẽ trong triển lãm tranh khỉ - Ảnh: Lê BíchCác họa sĩ vẽ trong triển lãm tranh khỉ - Ảnh: Lê Bích
Không gian nghệ thuật của cuộc triển lãm rộn ràng hơn khi gần như cả nhóm nghệ sĩ G39 cùng nhau vẽ một bức tranh khỉ dài chừng 2 m, rộng 1 m. Họa sĩ Lê Thiết Cương, “thủ lĩnh âm thầm” của nhóm họa sĩ đã thành lập 10 năm nay, dường như đã dùng nhiều màu hơn so với phong cách tối giản của ông.
Triển lãm “Khỉ Bính Thân”
Trong bức tranh chung, vẽ ngay tại hôm khai mạc triển lãm 26.1, một chú khỉ với những khóe miệng, nét cơ màu vàng chanh, màu tím tươi tắn. Họa sĩ Tào Linh vẽ những đường đen xám lớn, trầm. Phạm Trần Quân lại chọn tông màu hồng pháo… Những nét bút không giống nhau, người dùng cọ cỡ lớn, người dùng dao để vẽ. “Chúng tôi vẽ chào năm mới Bính Thân, vẽ khỉ Bính Thân”, ông Lê Thiết Cương nói.
Cũng vì vẽ để đón chào năm mới nên ông Cương cho biết màu sắc 25 tác phẩm của nhóm 15 họa sĩ đều rất tươi tắn và có nhiều sắc hồng ấm. Những chú khỉ trong tranh khá thân thiện, luôn trong trạng thái động, ngay cả khi chỉ là một khuôn mặt khỉ. Trong triển lãm Khỉ Bính Thân này phần lớn các họa sĩ chọn chất liệu sơn trên giấy. Chỉ có một bức sơn dầu lớn và một bức sơn mài nhỏ.
Nếu như tranh của Lê Thiết Cương vẽ một khuôn mặt khỉ đang cười tươi tắn, lạc quan rất “thiếu nữ” thì Nguyễn Quốc Thắng lại chọn cách vẽ một chú khỉ khổng lồ đậm màu sắc gorilla (khỉ đột) đang chuẩn bị làm việc gì đó lớn lao. Hoàng Thị Phương Liên mô tả mẹ con khỉ ấm áp như những chú thú nhồi bông trên nền vàng tĩnh lặng. Tô Hiếu Chiến lại vẽ một vũ điệu khỉ nhiều màu đan lẫn vào nhau từng lớp từng lớp cử động. Trong khi chú khỉ của Tào Linh, vẫn như họa sĩ này thường vẽ, kiệm đường nét và có những khúc quanh bất ngờ vô cùng. Nguyễn Hồng Phượng thì có chú khỉ mắt nhắm mắt mở vô cùng ngây thơ…
“Tôi thích triển lãm này vì có nhiều phong cách, nhiều đề tài. Rất ấm cúng và gần gũi”, bà Hoài Thu, một người đến uống cà phê và ngắm tranh nói.
Đại diện G39 cho biết, triển lãm con giáp như thế này sẽ được tổ chức thường niên. Năm ngoái, nhóm đã tổ chức triển lãm Dê Ất Mùi và năm nay là Khỉ Bính Thân.
Triển lãm năm nay kéo dài đến hết ngày 2.2.
Hình tượng khỉ trong mỹ thuật Việt
Theo nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, nếu như có một số họa sĩ chuyên vẽ một con vật rồi thành danh với những tác phẩm đó như Lê Trí Dũng với ngựa, Lê Đình Nguyên với trâu… thì với khỉ chúng ta chưa có một họa sĩ nào “chuyên” như vậy.
Một góc bức tranh khỉ dài 2 m - Ảnh: Lê Bích
Một góc bức tranh khỉ dài 2 m - Ảnh: Lê Bích
Bản thân tạo hình khỉ trong mỹ thuật truyền thống của ta cũng không áp đảo. Về mặt số lượng, theo ông Thế, khỉ không ít cũng không nhiều. Số lượng vẽ khỉ chắc chắn ít hơn tứ linh là long ly quy phụng. Tạo hình của khỉ cũng theo hướng rất đời thực chứ không cách điệu. Khỉ đuổi bắt chim trên bia Văn Miếu là một ví dụ. Tuy nhiên, nó cũng ảnh hưởng bởi một số quan điểm Nho giáo. Chẳng hạn, hai con khỉ to nhỏ cõng nhau được hiểu là tiền bối hậu bối. Nó cũng được hiểu rằng bố làm to thì con cũng làm to. Hình tượng khỉ đi với ong thì là phong hầu, phong tước hầu.
Các bức tranh khỉ ở Laca dường như tiếp nối sự phóng khoáng, gần gũi của hình tượng khỉ trong mỹ thuật Việt. Những “chàng, nàng” khỉ trong tranh còn trở nên gần gũi hơn khi ngoài những bức tranh đã được chuẩn bị, được treo thì họa sĩ vẫn tiếp tục vẽ thêm ở đây, trên nhiều khổ giấy khác nhau. Đây cũng chính là điều mà ông Lê Thiết Cương cùng bạn bè tâm niệm trong hàng loạt “chiến dịch tranh” được thực hiện gần đây.
“Phải đặt câu hỏi về việc làm thế nào để những họa sĩ nổi tiếng gần gũi với công chúng hơn. Phải chăng khi nổi tiếng rồi thì không cần tham gia các hoạt động nghệ thuật cho cộng đồng, để nghệ thuật lan tỏa trong cộng đồng?”, ông Cương đặt câu hỏi.
Vẽ khỉ tặng khách
Trong một triển lãm đang diễn ra song song ở chợ Hàng Da, Hà Nội là Tết Dome vào thứ bảy tuần qua, ông Cương cũng cùng bạn bè vẽ ngẫu hứng nhiều tranh khỉ để tặng công chúng.
Những bức tranh này được vẽ trên giấy dó; khổ tranh như những bức tranh dân gian Đông Hồ thường gặp. Dự kiến tại triển lãm tranh khỉ tại Laca, có thể ông Cương và các bạn cũng sẽ vẽ ngẫu hứng như vậy làm quà tặng trong 3 ngày. Và nếu như chợ Hàng Da là một địa điểm thương mại thì không gian Laca lại là một quán cà phê - dễ tiếp cận công chúng hơn là những triển lãm tranh được tổ chức trong các gallery sang trọng. Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, giá bán một bức tranh khỉ tại triển lãm chỉ từ 3 - 4 triệu đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.