Cao tốc thúc đẩy du lịch phát triển
Chỉ vài tháng sau khi tuyến cao tốc đường bộ Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào vận hành rồi sau đó kết nối với tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Bình Thuận đã dần trở thành tâm điểm trong "tứ giác vàng" về du lịch của phía nam, bao gồm TP.HCM - Vũng Tàu - Đà Lạt - Nha Trang. Cùng với thế mạnh nghỉ dưỡng và thể thao giải trí trên biển, ngay trong tháng đầu tiên tuyến cao tốc chính thức thông xe (tháng 5), toàn tỉnh đón hơn 800.000 lượt khách.
Tính chung nửa đầu năm nay, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động với lượng khách tăng mạnh. Bình Thuận đón 4,46 triệu lượt khách, tăng 86% so với cùng kỳ năm 2022 (đạt 66% kế hoạch năm). Trong đó, khách du lịch quốc tế 133.900 lượt, tăng 5,42 lần và khách nội địa 4,2 triệu lượt, tăng 82,65%. Doanh thu từ du lịch đạt hơn 11.348 tỉ đồng, tăng 2,52 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 71,4% kế hoạch năm.
Đây không phải lần đầu tiên ngành du lịch Bình Thuận ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng nhờ việc mở đường cao tốc. Hồi năm 2015 sau khi cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đi vào hoạt động, cũng đủ giúp doanh thu từ khách du lịch nội địa của tỉnh Bình Thuận tăng gấp 5 lần. Đồng thời, hàng loạt khu nghỉ dưỡng, lưu trú đẳng cấp nhanh chóng được hình thành, đưa Mũi Né trở thành "thủ đô resort" của VN. Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã tiếp tục nhanh chóng tận dụng lợi thế một dải cao tốc được nối dài cùng dịp đăng cai tổ chức năm du lịch quốc gia để tạo ra sức hút kéo nhà đầu tư từ khắp nơi về Bình Thuận.
Trước Bình Thuận, Quảng Ninh và Hạ Long cũng đã từng ghi dấu ấn với bước đột phá ngoạn mục trở thành thủ phủ du lịch miền Bắc, nhờ "hiện tượng" cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái cùng đồng loạt cơ sở hạ tầng được triển khai thần tốc như cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn...
Giúp ngành du lịch tái cơ cấu hệ thống sản phẩm
Hơn nửa thập niên trước khi TP.HCM rốt ráo đặt vấn đề liên kết du lịch với các tỉnh vùng ĐBSCL, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation, đã khẳng định là "khó" với thực trạng hạ tầng giao thông hiện hữu. Khi đó, ĐBSCL được đánh giá sở hữu rất nhiều tiềm năng để có thể trở thành thủ phủ du lịch của cả nước. Đặc biệt, nơi đây rất "được lòng" đối tượng khách châu Âu, châu Mỹ... là nhóm khách hạng sang, chi tiêu nhiều.
ĐBSCL có những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, sông nước mênh mông bao phủ; văn hóa độc đáo với cộng đồng người Khmer sở hữu những lễ hội truyền thống đặc sắc; nắng đẹp quanh năm, ít thiên tai, có thể khai thác du lịch quanh năm… Thế nhưng, 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL lại cứ mãi luẩn quẩn trong "căn bệnh" sản phẩm du lịch na ná giống nhau, còn TP.HCM là trung tâm trung chuyển hành khách thì không cách nào liên kết để xây dựng thành một tuyến sản phẩm hấp dẫn, mang lại giá trị cao.
"Do hạn chế về hạ tầng, sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL phân chia theo hướng đông và tây, lấy sông Hậu làm chính, điều này dẫn đến tình trạng chia cắt tài nguyên, không có sự kết nối các tỉnh. Hầu hết các địa phương đều chỉ tận dụng thế mạnh sông nước, xây dựng sản phẩm na ná nhau và chỉ khúc nổi cao nhất đoạn sông Hậu được hưởng lợi, phía tây lép vế so với phía đông. Cuối cùng, hình thành nên bệnh "nhái" sản phẩm giữa các địa phương. Thế mạnh của mỗi địa phương không được phát huy trong chuỗi sản phẩm chung. Đặt TP.HCM là thị trường nguồn cũng không kết nối được vì nội chuyện đi đâu cũng chờ phà, cầu xây đến đâu, kẹt xe tới đó cũng đã khiến khách nản, không muốn đi rồi", ông Kỳ nói.
Xoay trục du lịch ĐBSCL theo tốc độ cao tốc
Đặt TP.HCM là thị trường nguồn, trong mối quan hệ liên kết với ĐBSCL cần điều chỉnh lại tuyến sản phẩm theo hướng bắc - nam và một trục chính. Cụ thể, trục hướng chính tâm đi từ TP.HCM xuống Mỹ Tho, Long An, Tiền Giang, xuống Cần Thơ, xuống thẳng đến Rạch Giá. Đây là tuyến đã hoàn thiện nhất về giao thông gồm đường bộ và hàng không, có lợi thế sản phẩm du lịch miệt vườn, cây ăn trái.
Hai tuyến hành lang gồm cánh bắc là từ TP.HCM đi đến Long An, rẽ xuống Cao Lãnh, Đồng Tháp, đi xuống Long Xuyên, An Giang, Châu Đốc và kết thúc điểm cuối tại Hà Tiên. Trục này có những di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng tại từng tỉnh, thế mạnh là giáp biên giới Campuchia, có thể phát triển du lịch biên mậu. Cánh phía nam, vùng duyên hải từ TP.HCM đi xuống Mỹ Tho rẽ sang Bến Tre đi Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng tới Cà Mau, có những sản phẩm toàn bộ trục bắc và trung tâm không có, đó là biển. Bên cạnh 3 trục dọc, có thể kết nối giữa các trục ngang đông - tây bằng hệ thống sông ngòi chằng chịt, phát triển giao thông thủy, tạo nên mạng lưới kết nối nội vùng bằng hình xương cá. Đây mới thật sự là liên kết và trung tâm TP.HCM có thể tiếp cận sản phẩm các tỉnh một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất.
Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ
Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation đánh giá thời gian qua khi hệ thống giao thông đường bộ, hàng không, hàng hải, đường thủy khu vực miền Nam nói chung và Tây Nam bộ nói riêng được quan tâm đầu tư đồng bộ, đã tạo ra thay đổi rất lớn. Các tuyến đường dọc, đường ngang, đường cao tốc, đường vành đai, cầu… liên tục được đầu tư, rút ngắn thời gian một nửa so với trước đây, giúp du khách từ TP.HCM đi tới các tỉnh ĐBSCL tiếp cận nhanh hơn, sâu hơn vào các tài nguyên du lịch. Thời gian di chuyển được rút ngắn đồng nghĩa với tăng thời gian lưu trú tại địa phương. Du khách có nhiều hơn trải nghiệm, sinh hoạt, thâm nhập vào văn hóa địa phương và chi tiêu nhiều hơn, mang lại nhiều giá trị kinh tế hơn cho địa phương.
"Hệ thống cao tốc là xương sống, đi cùng mỗi tuyến sẽ có đường nhánh tỏa ra như hình xương cá. Đường nhánh tỏa tới đâu, du lịch có thể phát triển được ngay tới đó, làm nổi bật những giá trị đặc trưng của từng địa phương về cảnh quan, địa lý, văn hóa, nếp sống… Với chính sách mới cho phép kéo dài thời gian lưu trú cho khách nước ngoài lên tới 45 ngày, cùng xu hướng caravan đang thịnh hành, mạng lưới đường cao tốc tỏa khắp nơi sẽ là cơ hội để ngành du lịch xây dựng những bộ sản phẩm mới đa dạng, hấp dẫn, tạo ra giá trị kinh tế cho nhiều địa phương", ông Kỳ lạc quan nói.
Bình luận (0)