Về lại thung lũng tử thần - Kỳ 1: Tìm chồng trên đỉnh Ô Kha

13/08/2014 09:00 GMT+7

Vừa qua, Thanh Niên đã trích đăng cuốn 192 Hours - Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh của tác giả Annette Herfkens, người duy nhất may mắn sống sót trên chuyến bay VN-474 của Vietnam Airlines bị rơi ở thung lũng Ô Kha (Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa).

Vừa qua, Thanh Niên đã trích đăng cuốn 192 Hours - Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh của tác giả Annette Herfkens, người duy nhất may mắn sống sót trên chuyến bay VN-474 của Vietnam Airlines bị rơi ở thung lũng Ô Kha (Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa). Gần 22 năm sau tai nạn, hôm nay, bà Herfkens trở về Ô Kha. Cũng chừng ấy năm, những ký ức tang tóc và kinh hoàng của những người VN có người thân trên 2 chuyến bay định mệnh rơi tại đây chỉ trong vòng 8 ngày vẫn đeo đuổi, lởn vởn. Địa danh Ô Kha, thung lũng chết với bao ký ức như hiện ra. 

\\192.168.0.211\Ky Thuat 1\anh TN\thu tu\225
 Bà Bích về lại Ô Kha trong năm 2012 - Ảnh: Trung Hiếu

>> 192 giờ sinh tồn sau tai nạn máy bay - Kỳ 7: Được cứu mạng
>> 192 giờ sinh tồn sau tai nạn máy bay - Kỳ 6: Thiên nhiên ảo diệu và thực tại phũ phàng
>> 192 giờ sinh tồn sau tai nạn máy bay - Kỳ 5: Cơn khát và nỗi cô đơn
>> 192 giờ sinh tồn sau tai nạn máy bay - Kỳ 4: Cơn mưa ân phúc
>> 192 giờ sinh tồn sau tai nạn máy bay - Kỳ 3: Chờ đợi trong đau đớn
>> 192 giờ sinh tồn sau tai nạn máy bay - Kỳ 2: Tỉnh dậy giữa những xác người
>> 192 giờ sinh tồn sau tai nạn máy bay - Kỳ 1: Chuyến bay kinh hoàng

Chưa bao giờ bà Trần Thị Bích nghĩ rằng ngày 14.11.1992 bà phải vĩnh biệt người chồng thân yêu của mình.

Tìm chồng mất tích, suýt chết cùng trực thăng Mi-8

Ông Huỳnh Kim Thuận - chồng bà Bích - vốn là thông dịch viên giỏi 3 thứ tiếng: Anh - Pháp - Trung. Ngày 14.11.1992, ông Thuận từ TP.HCM đáp máy bay đi Nha Trang để chuẩn bị cho việc xúc tiến một nhà đầu tư ở Pháp gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa. Khoảng 9 - 10 giờ sáng hôm ấy, bà Bích được người trợ lý của chồng thông báo qua điện thoại: “Có phải anh Thuận hôm nay đi Nha Trang không? Chị biết tin tức gì chưa? Chiếc máy bay đó mất tích rồi”. Lúc ấy, thông tin ban đầu là chiếc Yak 40 bị rơi ở biển khi bay gần tới Nha Trang. Dù bấn loạn nhưng bà vẫn le lói chút hy vọng mong manh về sự sống của chồng.

 

Ngày 22.11.1992, tức 8 ngày sau khi chuyến bay VN-474 gặp nạn, một trực thăng Mi-8 của quân đội được huy động từ Hà Nội chở theo lực lượng cứu nạn chuyến bay VN-474 lại tiếp tục gặp nạn gần vùng núi Ô Kha làm chết 7 người trên máy bay.


Một tuần sau, ngày 20.11.1992, Tổng công ty hàng không tổ chức xe đưa người thân của các nạn nhân đến Nha Trang. Tuy nhiên, do quá sốt ruột, bà Bích đã mua vé máy bay để ra Nha Trang trong sớm hôm đó. Tại đây, bà Bích hay tin sẽ có một chiếc trực thăng khởi hành lúc 10 giờ để bay vào Ô Kha, bà Bích chạy tới gặp một người trong sở chỉ huy tìm kiếm xin đi cùng. Ban đầu không ai đồng ý nhưng thấy bà quyết tâm nên cuối cùng cũng phải xiêu lòng.

“Họ bảo giờ thời tiết xấu chưa thể bay vào được. Chị cứ về nghỉ ngơi đi, khi nào bay chúng tôi sẽ gọi”, bà Bích nói. Đến quá trưa, giật mình tỉnh giấc, bà Bích chạy ra sân bay thì nghe tin chiếc trực thăng đã đi rồi. Bà Bích gặp người đã hứa cho bà bay cùng, chất vấn: “Sao các anh đã hứa cho tôi đi rồi lại nuốt lời?”. “May mà tôi không cho chị đi chứ nếu cho bây giờ không biết báo với cấp trên ra sao đây. Chiếc trực thăng bay vào Ô Kha cũng mất tích rồi chị à”, vị này rầu rĩ nói.

Chiếc sơ mi trắng, hiệu Tailor Thắng

Nghe xong, mọi manh mối để vào Ô Kha dường như đóng lại đối với bà Bích. Tuy nhiên, lúc này một người quen giới thiệu cho bà một vị giám đốc có nhân viên tử nạn trên chuyến bay. Tìm đến nhà, vị giám đốc này dẫu không tin bà đủ sức leo tới đỉnh Ô Kha nhưng vẫn tận tình chỉ đường. “Từ Nha Trang đi xe đò vào Cam Ranh, rồi từ Cam Ranh đi lên Khánh Sơn, từ đây sẽ bắt xe ôm để tới xã Tô Hạp với đường đi dốc núi cheo leo, nơi có đỉnh núi Ô Kha cao hơn 1.500 m”, bà Bích nhớ lại. Thêm một thông tin dẫu sau này xác minh là thất thiệt nhưng lúc đó tiếp sức rất lớn để bà Bích tìm mọi cách vào Ô Kha. “Đó là có 16 người thoát nạn và đang tìm đường từ Ô Kha trở ra”, bà Bích kể. Lên tới xã Tô Hạp - nơi sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn đóng ở chân núi Ô Kha, bà Bích gặp lãnh đạo sở chỉ huy bày tỏ nguyện vọng lên Ô Kha tìm chồng. Ban đầu mọi người không đồng tình nhưng thấy bà cương quyết cũng xuôi lòng để bà đi với điều kiện “không được tiết lộ đây là người thân của nạn nhân”.

Đúng 3 giờ sáng, đoàn khởi hành đi lên đỉnh Ô Kha. Ngoài dân quân và người địa phương còn có thêm 200 bộ đội đi theo để đưa thi thể xuống. Khoảng 8 giờ sáng, đoàn tìm kiếm tới nơi máy bay rơi. Tại đây cả một khoảng đồi xanh bao la bị cánh máy bay san bằng. Thân máy bay bị “búng” sang một ngọn đồi khác cách đó chừng 800 m.  Sang tới nơi, bà Bích trông thấy hàng chục thi thể nằm la liệt. Do để ngoài trời lâu nên các thi thể bắt đầu thối rữa, nặng mùi.

Do thi thể đã được bọc vải và ni lông nên bà Bích không thể phát hiện đâu là thi thể chồng. Lúc này, bà Bích thắp một nén hương, cắm xuống đất và khấn: “Cho tới giờ phút này chưa có dấu hiệu nào cho thấy anh đã chết. Nếu thực sự anh đã chết anh phải cho em biết, còn không em sẽ không sống nổi”. Bà Bích kể khi bà vừa khấn xong, giống như ai dùng tay hất mặt bà quay sang một bên. Bỗng nhiên bà trông thấy bọc kính mà chồng bà hay mang như ai tung lên trời. Rồi bà thấy một đường mòn dẫn tới một cái vực. Nhìn xuống vực, có một đống quần áo, trong đó lòi ra chiếc áo sơ mi trắng sọc xanh dương mà chồng bà mặc ngày đi Nha Trang. “Lúc đó thường đàn ông mặc áo sơ mi trắng nhưng nếu trên cổ áo ghi tên hiệu Tailor Thắng, số 57 Lê Thánh Tôn thì chắc chắn là áo của chồng tôi. Ảnh chỉ có mặc quần áo mà tiệm này may”, bà Bích nói.

Sự thật đau đớn chợt vỡ ra, khi bà Bích kéo chiếc áo lên, dòng chữ Tailor Thắng, số 57 Lê Thánh Tôn trên cổ áo dần hiện ra. Lúc này bà mới tin rằng chồng mình đã mất. (còn tiếp)

Cơ duyên

Bà Bích kể năm 2012, khi thấy bà Annette Herfkens trên các kênh nước ngoài, bà đã lên Facebook để liên lạc với bà Annette nhưng không được hồi âm. Sau khi đi Ô Kha lần thứ 2 về, bà Bích liên lạc với bà Annette và kể câu chuyện mất chồng của mình cho Annette nghe. Từ đó, hai người thường xuyên trao đổi với nhau qua email và điện thoại. Năm 2013, nhân dịp ra nước ngoài, bà Bích đã tới nhà bà Annette ở New York.

Trung Hiếu

>> Ra mắt hồi ký vụ rơi máy bay ở Việt Nam
>> Tác giả hồi ký về máy bay rơi đến Việt Nam cùng con gái

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.