Mấy tháng nay, ở Vĩnh Phúc rộ lên phong trào trượt patin trong giới trẻ, nhưng những người kinh doanh trò chơi mới lạ này nhanh chóng gặp khó vì ế khách.
Không chỉ ở thành phố, các sân patin đã xuất hiện ở nhiều vùng nông thôn thuộc các huyện Tam Dương, Sông Lô, Lập Thạch… và hoạt động từ sáng đến tận nửa đêm. Khách hàng đông nhất là học sinh cấp 2, cấp 3 đến thuê giày, vào sân trượt để thử cảm giác mới lạ.
Anh Dương Văn Quyết (40 tuổi, ở khu phố Long Cương, thị trấn Lập Thạch), chủ CLB patin Long Cương đã đầu tư 170 triệu đồng để san lấp mặt bằng, lát nền, làm mái che và mua giày trượt. Anh Đặng Quang Hải ở cùng thị trấn cũng góp vốn xây sân trượt. Thời gian đầu, mỗi ngày sân tập thu hút 200-300 khách, với mức giá 15.000 đồng/lượt thuê giày… và thu hàng triệu đồng mỗi ngày. Các dịch vụ kinh doanh giải khát, giữ xe... cũng thu lời không nhỏ.
Theo khảo sát của Thanh Niên, từ TP.Vĩnh Yên đến các huyện nông thôn, miền núi ở Vĩnh Phúc như H.Vĩnh Tường, H.Tam Dương, H.Lập Thạch… ở đâu cũng có 4-5 sân patin đang hoạt động, chưa kể một số đang xây dựng.
Cách đây 3-4 tháng, cả H.Lập Thạch có một câu lạc bộ patin nhưng bây giờ chỉ trong một xã đã có đến 2-3 câu lạc bộ. Chỉ tính trên địa bàn thị trấn Lập Thạch (H.Lập Thạch), chưa đầy hai tháng nay đã có 4 câu lạc bộ patin, riêng tổ dân phố Long Cương có 3 câu lạc bộ.
Việc ngày càng có quá nhiều sân patin mở ra nên chỉ sau 1-2 tháng, nhiều sân trở nên vắng khách.
Anh Hà Hùng Tâm (31 tuổi, ở thôn Bình Chỉ, xã Bắc Bình, H.Lập Thạch) đầu tư sân trượt hết 150 triệu đồng nhưng đang lo lỗ vốn vì đầu tư mà không có thu.
Anh Tâm cho biết: thời gian đầu, mỗi ngày có 70-80 lượt khách nhưng bây giờ hôm nào đông thì được 20-30 lượt. Nhiều chủ sân khác chỉ mở cửa vào giờ chiều hoặc đóng cửa, ngừng hẳn.
So với nhiều trò chơi khác, patin là trò chơi lành mạnh, bổ ích cho giới trẻ. Nhưng từ khi xuất hiện tại Vĩnh Phúc, patin đã để lại nhiều vấn đề.
Thông tin từ Phòng Văn hóa - Thể thao H.Lập Thạch cho biết, địa bàn huyện có 9 sân patin đã đi vào hoạt động nhưng chưa sân nào đủ điều kiện kinh doanh.
Cụ thể, về kỹ thuật thiết kế xây dựng mặt sân đều không đủ điều kiện cho phép, như phần “lướt sóng” không đủ độ dài tối thiểu 3 m theo qui định hoặc sóng cao quá; tay vịn không chắc, mái che không đảm bảo; phòng thay đồ, nhà vệ sinh, bảng nội qui đều không đạt yêu cầu. Hầu hết các sân đều không có hợp đồng với huấn luyện viên hướng dẫn, nhân viên y tế và hợp đồng với cơ sở y tế gần nhất; các chủ cơ sở chỉ chú trọng đầu tư giày trượt, phần lớn các dụng cụ bảo vệ như mũ bảo hiểm, ốp khuỷu tay, khuỷu chân… hầu như không có, vì vậy sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro khi xảy ra tai nạn.
Gần đây, ở sân patin xã Yên Bình (H.Vĩnh Tường) và xã Quang Sơn (H.Lập Thạch) đã có 2 học sinh ngã đập đầu xuống đất và tay vịn ở sân trượt, vì không có mũ bảo hiểm nên bị chấn thương nặng, tử vong sau đó.
Được biết, hầu hết các sân patin đang hoạt động trên địa bàn các huyện Lập Thạch, Tam Dương, Sông Lô… đang bị đình chỉ kinh doanh để chủ cơ sở hoàn thiện các yêu cầu theo qui định, nếu đủ điều kiện thì mới được cấp giấy phép kinh doanh.
Nguyễn Tuấn
>> Lộn xộn vì sân patin tự phát
>> Trượt patin lạng lách ngoài đường
>> Trượt patin đi phát quà
Bình luận (0)