'Vé máy bay Phú Quốc luôn cao kể cả ngày thường, có lúc 10 triệu đồng khứ hồi'

Mai Hà
Mai Hà
15/11/2023 18:20 GMT+7

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, câu hỏi đặt ra là tại sao du lịch nội địa có lúc bùng lên rồi lại xẹp xuống. Thậm chí, một số điểm du lịch lớn như Phú Quốc còn rơi vào tình trạng khá gay go.

Chia sẻ tại hội nghị phát triển du lịch sáng 15.11, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhìn nhận du lịch nội địa đã cho thấy vai trò quan trọng, nhất là những lúc khó khăn. Tuy nhiên, du lịch nội địa có lúc bùng lên rồi lại xẹp xuống. Ở một số điểm du lịch lớn, tình trạng khá gay go, như ở Phú Quốc.

'Vé máy bay Phú Quốc luôn cao kể cả ngày thường,có lúc 10 triệu đồng khứ hồi' - Ảnh 1.

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

VGP

Theo ông Thiên, du lịch năm vừa qua có sự phục hồi tương đối tốt. Nói "tương đối" bởi vì chưa hết tầm và còn nhiều điểm chưa thông suốt.

"Chúng ta phải kiểm điểm lại tại sao du lịch đã bùng lên, có lúc rất tốt, tưởng rằng sẽ bứt phá rồi lại suy giảm như vậy? Chính sự suy giảm này làm cho niềm tin của người tiêu dùng hướng tới du lịch bên ngoài chứ không phải trong nước. Không chỉ riêng ngành du lịch, mỗi hệ thống có lẽ phải có trách nhiệm với vấn đề này", ông Thiên nói.

Cũng theo chuyên gia này, sau dịch Covid-19 đã chứng kiến thời kỳ du lịch "trả thù" bùng lên. Nhưng sau đó, do thu nhập giảm sút, người dân bắt đầu "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành".

Trong khi đó, các địa phương du lịch trọng điểm không tạo ra được động lực mới cho các doanh nghiệp thì sẽ mất thời cơ. Đơn cử, hình ảnh Phú Quốc, Hạ Long mà giảm đi thì ảnh hưởng đến toàn bộ du lịch quốc gia.

"Giá vé máy bay từ các thị trường du lịch lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, cả đường bay quốc tế đến Phú Quốc luôn cao hơn các địa phương khác, kể cả trong ngày thường chứ không riêng dịp lễ tết. Có những thời điểm vé khứ hồi Hà Nội - Phú Quốc giá trên 10 triệu đồng. Những điều này đang ảnh hưởng đến lựa chọn của du khách.

Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang

Theo ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, năm 2023, du lịch Kiên Giang duy trì đà tăng trưởng khá. Tuy nhiên, cũng có thời điểm du lịch giảm cục bộ so với cùng kỳ, điển hình là dịp 30.4 - 1.5, khách nội địa giảm 9,4% nhưng khách quốc tế tăng 9%. Dịp lễ 2.9, lượng khách giảm 32,9% so với cùng kỳ và khách quốc tế cũng giảm.

Một tín hiệu tích cực là từ cuối tháng 10 đến nay, lượng khách tăng mạnh trở lại, nhất là khách quốc tế. Từ đây đến cuối năm, sẽ đón tiếp 3 chuyến bay của khách Ấn Độ tổ chức đám cưới tại Phú Quốc. 

Lý giải cho việc sụt giảm khách tại một số thời điểm, theo lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, do tác động tiêu cực của tình hình thế giới, khách quốc tế đến Việt Nam nói chung, Kiên Giang nói riêng sụt giảm, không ổn định. Mặt khác, do cạnh tranh giữa các điểm đến, khu, điểm du lịch trong khu vực. 

'Vé máy bay Phú Quốc luôn cao kể cả ngày thường,có lúc 10 triệu đồng khứ hồi' - Ảnh 3.

Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines

VGP

Bên cạnh đó, các sản phẩm dịch vụ du lịch của tỉnh Kiên Giang dù đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn đối với du khách trong tình hình mới. Sau khi mở cửa trở lại, hoạt động du lịch chỉ mới tập trung quảng bá trong nước là chính, xúc tiến quảng bá ở nước ngoài còn hạn chế, nhiều khách quốc tế chỉ biết đến Kiên Giang, Phú Quốc qua các kênh gián tiếp. 

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng kiến nghị Chính phủ trước mắt sớm kết nối nhiều hơn đường bay quốc tế, tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam tại nước ngoài. Thực hiện chính sách thị thực linh hoạt. Xem xét điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất cho phù hợp Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị.

Từ phía hãng hàng không, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, nhìn nhận sau dịch Covid-19 và chính sách mở cửa của Chính phủ, thị trường đã tăng trưởng trở lại. 

Tuy nhiên, tăng trưởng vận tải hàng không Việt Nam vẫn đang ở mức thấp. Đến hết tháng 10 năm nay, thị trường vận tải hàng không quốc tế đã quay lại mức 97% so với trước dịch Covid-19, nhưng khu vực châu Á - Thái Bình Dương mới đạt được mức 73% và Việt Nam cũng đang ở mức 72% so với trước dịch.

"Hiện tại, Việt Nam đã đạt mục tiêu 10 triệu khách. Tuy nhiên, để đạt được mức 50 triệu khách quốc tế vào năm 2030 như gợi ý của Thủ tướng thì trong 7 năm tới có rất nhiều việc cần triển khai", ông Hà nêu.

Lãnh đạo Vietnam Airlines cũng đề xuất cần xem lại việc cập nhật chiến lược phát triển du lịch quốc gia. Xác định yếu tố cạnh tranh của Việt Nam so với các điểm đến khác trong khu vực, khi đó mới xây dựng được tốc độ tăng trưởng phù hợp. Tốc độ tăng trưởng du lịch của Việt Nam phải ở mức nhanh và đưa ra lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, để Việt Nam trở thành điểm đến trong khu vực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.