Về Nga Sơn, chạm tay vào nỗi nhớ

28/11/2020 14:00 GMT+7

Nga Sơn những ngày tháng năm, quanh những triền đê ngút ngắt màu xanh cây cói. Cói như áng tóc trữ tình của cô thiếu nữ, xõa buông dài trong nắng hè phơ phất gió…

Những cây cói cao quá đầu người, không nhiều lá nhưng với thân dài, mảnh mai, mềm mại mà dẻo dai, săn chắc được lớn lên từ đất biển Nga Sơn.
Nga Sơn - tôi đã về vùng đất huyền tích; về quê ngoại thương yêu, về làng nghề dệt chiếu hơn 200 năm tuổi, nức tiếng xa gần!
Ngoại kể, hồi mười lăm tuổi, bà đã biết chẻ cói, dệt chiếu. Những liếp chiếu đầu tiên của ngoại dệt nên, tuy chưa đủ khéo, nhưng là khởi đầu công việc của con dân sinh ra, lớn lên ở làng nghề truyền thống. Rồi những ngày tháng khốc liệt, cam go của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngoại lên đường, tham gia đội Thanh niên xung phong, chiến đấu trên tuyến đường “xương cá” Trường Sơn. Bom gầm, đạn thét, thần chết không chừa một ai, nhưng vì miền Nam ruột thịt, ngoại trở thành người con gái đếm bom rơi. Tuổi đôi mươi, trẻ trung và nhiều mơ mộng, ngoại cũng hẹn thề khi độc lập - tự do cùng anh lính lái xe tăng về chung mái nhà đôi lứa. Nhưng, người lính năm xưa không về nữa, chỉ kịp để lại trong bà dòng ký ức vỡ đôi, thơm nồng hơi thở thanh tân. Rồi bà gặp ông, người lính miền Nam trong những ngày đầu độc lập ở Sài Gòn, cả hai cùng dắt díu nhau về Cà Mau lập nghiệp.
Nhớ năm cậu Út cưới vợ, ngoại cứ nhắc miết chuyện đôi chiếu tân hôn. Ngoại bảo, cái Na (tên mẹ tôi), ni, mi nói ngoài nớ, gửi vào cho tau hai liếp chiếu viền để chải gường cưới cho hắn. Thời này rồi, chiếu cói chi nữa, mình mua cho hắn tấm nệm, thế là xong, mẹ tôi nói. Ôi giời ơi…, đã mất lã mà mi muốn mất cả trua…, nghe bà quát tháo, tôi muốn rụng tim ra ngoài. Đám cưới của Út được diễn ra theo nghi lễ Nam bộ, duy chỉ có đôi chiếu cói Nga Sơn chải gường tân hôn hình loan phụng, rặt nếp người Thanh Hóa là không đổi. Biết Út cũng không ưng chuyện này, nhưng thương má một đời góa bụa, nhặt gom vào mình hết thảy những gian lao, cậu im lặng để ngoại vui!
Vượt chặng đường hơn 2000 km, tôi về Nga Sơn để chạm tay vào nỗi nhớ quê nhà của ngoại. Về làng nghệ dệt chiếu - Nga Liên, nơi ngoại sinh ra và lớn lên, tôi chợt thấy mình bé nhỏ, ngủ quên trên chiếc võng ru êm của bà thuở nào. Đôi bàn tay vụng về, không dệt được đôi chiếu ân tình, dịu dàng trong nắng sớm Nga Liên như thời tuổi ngoại, nhưng mùi cói quyện hương, đưa tôi lạc vào cõi tiên, nơi có nàng Giáng Hương ngóng chờ chàng Từ Thức. Dạo chơi mải miết cõi bồng lai, tôi trở về thực tại, chợt thèm ăn một quả dưa hấu ngọt lành, để nhớ câu chuyện Mai An Tiêm thuở xưa bị đày ra hoang đảo. Và tôi lại nhớ bà, hễ chiều buông nắng xuống, ngoại lại mang lá chiếu cói ra chải ở bậu cửa, mênh mang nhớ về những ngày xưa cũ. Ngoại ơi, nơi miền xanh thẳm đó, chắc bà đang mỉm cười khi đứa cháu yêu của mình, đôi bàn chân đã lấm lem phù sa của dòng sông Đáy, sông Hồng bồi đắp nên dáng hình xứ sở; và được xua đi mọi ưu tư phiền muộn bởi giọt mồ hôi lấm tấm rơi xuống miền cổ tích Nga Sơn.
Ngoại kể, để làm ra lá chiếu, người dân Nga Sơn phải tỉ mẩn qua nhiều công đoạn, từ trồng và thu hoạch cói. Chỉ tính riêng việc xử lý cói và dệt chiếu thôi, cũng lắm nhọc nhằn rồi. Cói phơi một nắng gọi là ưởn được đánh đống để ngoài sân phơi, che bằng bổi đã khô, sau ba nắng là cây cói có màu trắng xanh, đem bó lại gọi là gù. Khi dệt chiếu, ta dùng sợi đay mắc lên thành từng hàng theo chiều dài sợi nọ cách sợi kia khoảng 1 cm, trước khi mắc đay ta xuyên những sợi đay qua lỗ cái go… Và để có một lá chiếu đẹp, ta phải mất khoảng 4 giờ đồng hồ dệt nên. Còn dệt chiếu cải hoa thì phải nhuộm cói bằng phẩm màu, mất hơn 1 ngày mới hoàn thành. Chiếu dệt màu trắng thường được in hoa văn rồi đem hấp cho chín phẩm màu. Khi dệt hết một lá chiếu thì được cắt ra và ghim những đầu sợi đay thừa lại với nhau để giữ cho cây cói không bị bong ra khi sử dụng.
Đặt biệt chỗ, mỗi lá chiếu làm ra phải có hai người dệt mới thành. Hóa ra, bởi thương đứa con trai sớm mồ côi cha; mong con mình đề huề hạnh phúc, ngoại mới nằng nặc tìm đôi chiếu cói quê nhà chải lên gường tân hôn cho Út! Tình mẹ của ngoại dành cho Út như dãy tường thành thiên nhiên Tam Diệp, sừng sững soi mình trên con đường thiên lý! Và không quên, ngoại như nhắc nhớ cậu con trai, làm người phải biết tổ tông, biết gốc tích quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn!
Về Nga Sơn, con chạm tay vào nỗi nhớ quê nhà của ngoại!
Về Nga Sơn, con bỗng thấy lấp lánh gương mặt ngoại năm xưa, thời niên thiếu!
Về Nga Sơn, về với vùng đất huyền tích; về để thấy quê hương trên mọi nẻo quê hương!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.