Trong chuyến tàu xuyên biên giới để trở lại Ba Lan vào hôm qua, tôi đã gặp những màu áo cam rệu rã.
Sau trận Bồ Đào Nha - Hà Lan trên sân Metalist, tôi rời Kharkov để trở lại thủ đô Warsaw của Ba Lan, nơi Euro 2012 khởi đầu cách đây gần hai tuần. Tất cả các chuyến tàu chạy thẳng từ Kharkov lên Kiev đều chật cứng người, thế là tôi phải đi đường vòng, từ Kharkov qua Poltava, rồi từ đây đi tàu nhanh lên Kiev, để rồi sau đó lên tàu IC xuyên biên giới, trở lại Ba Lan.
|
Đi cùng tôi, có những người Hà Lan, những người Bồ Đào Nha. Mỗi nhóm người một tâm trạng. Người Bồ Đào Nha chốc chốc lại hô to: “Pu-chu-gô! Pu-chu-gô!”. Người Hà Lan im lặng, dù trên lưng áo họ vẫn còn những dòng chữ và số: “Nhớ về năm 88”. Người Hà Lan, bây giờ mỗi lần bước vào các cuộc đấu lớn, là họ lại ngoái nhìn về quá khứ, chứ không phải hướng tới tương lai.
Nhưng cũng như mấy lần trước, giấc mơ trở về quá khứ huy hoàng của người Hà Lan đã chấm dứt, thậm chí trước khi trận đấu với Bồ Đào Nha bắt đầu. Trước đấy, dù vẫn còn một chút hy vọng mong manh, nhưng rất ít người Hà Lan tin rằng họ có thể vượt qua cửa hẹp để vào tứ kết. Họ đã tự đánh mất hình ảnh và cơ hội của mình, một cựu vô địch châu Âu và đương kim á quân thế giới, bằng những trận thua tồi tệ. Họ đã loạng choạng trước Đan Mạch, ngây thơ như một đứa trẻ trước Đức và gồng mình lên trong tuyệt vọng trước Bồ Đào Nha. Hà Lan rốt cuộc đã trở thành nỗi thất vọng lớn nhất của Euro 2012, khi thua cả ba trận đấu. Một kết cục còn hơn cả bi kịch, đặc biệt là chỉ 2 năm sau khi họ vào đến chung kết World Cup.
Tan trận, tôi đã nán lại rất lâu trên khán đài Metalist. Khán đài với những dãy ghế màu xanh, làm nổi rõ màu vàng cam rực rỡ của người Hà Lan. Màu vàng ấy, mấy ngày trước đã nhuộm rực Kharkov. Trước trận đấu, trong cơn hoang mang, họ cũng đã cố gắng đốt cháy Kharkov một lần nữa, nhưng ích gì. Khi mà cơn lốc màu cam không thể nổi lên trên sân cỏ, thì cơn lốc trên đường phố phải chết theo.
Vaagrad, một người đàn ông trung niên đến từ Almere, nói với tôi giữa những hàng ghế trống: “Thật khó chấp nhận. Đội tuyển đã chơi như những cậu học trò”. Bên cạnh Vaagrad, một bức chân dung khổ lớn của Wesley Sneijder bị ai đó bỏ lại. Cầu thủ này là một trong những niềm kỳ vọng lớn nhất của người Hà Lan. Trong các trận đấu Euro, người ta thấy chân dung của Sneijder khắp các khán đài, trong khu Fan Zone, trong quán bia... Tên của anh đã được xướng lên không biết bao lần tại Fan Zone ở Quảng trường Tự Do ngay trung tâm Kharkov, hình ảnh của anh cùng với những Hunterlaar, Van Persie... luôn hiện diện rực rỡ trên sân khấu tại đây. Còn bây giờ, “anh” đã nằm xuống giữa khán đài trống vắng.
Hình ảnh những khán đài trống, với vài cổ động viên áo cam bịn rịn, buồn rầu, không muốn rời sân, tôi đã gặp hơn một lần. Tại World Cup 2006, tại World Cup 2010 sau trận chung kết, và tại Euro cách đây 4 năm. Ở kỳ Euro lần trước, người Hà Lan đã vào cuộc thật bão bùng, để rồi lại thua vào thời khắc họ cần một chiến thắng. “Chúng tôi có những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, nhưng chúng tôi vẫn chưa trở lại đẳng cấp của một đội bóng lớn. Một đội bóng lớn cần phải biết vượt qua những giai đoạn quan trọng, còn chúng tôi thì không. Chúng tôi có những trận đấu cực hay, để rồi lại dễ dàng thua ngay sau đó”, anh chàng Michael Holden mà tôi gặp bên ngoài sân Metalist nói.
Tôi không phải là một cổ động viên cuồng nhiệt của đội tuyển Hà Lan, nhưng vẫn bị sắc màu cam quyến rũ. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in lần đầu tiên mình được chạm vào màu cam huyền hoặc ấy. Đó là ngày 6.6.2006, một buổi chiều nắng vàng ươm, tôi đã cùng hàng ngàn cổ động viên áo cam đến sân bay Black Forest ở thành phố Lahr, miền tây nam nước Đức, để đón chiếc chuyên cơ chở đội tuyển Hà Lan của những Ruud van Nistelrooy, Arjen Robben, Edwin van der Sar hạ cánh xuống đây, bắt đầu hành trình chinh phục World Cup. Lúc bấy giờ, với một sự nhiệt tình nóng hổi, tôi đã gọi Hà Lan là ứng cử viên vô địch nặng ký. Thế rồi họ đã ra đi rất nhanh. Tại Euro 2008 cũng thế, sân tập của họ tại thành phố Lausanne miền tây nam Thụy Sĩ luôn rực rỡ sắc cam, của những cổ động viên đến từ vùng đất thấp và cả những người dân địa phương mến mộ họ. Thế rồi người Hà Lan cũng bỏ dở hành trình. Sau một kỳ World Cup tạm gọi là thành công, dù Hà Lan còn được nhắc đến như là đội bóng chơi xấu nhất, họ lại bước vào cuộc chơi ở Ba Lan và Ukraine lần này với một sự quyến rũ mãnh liệt. Cả thành phố Kharkov ở miền đông bắc Ukraine như bị nhuộm một màu vàng cam mỗi lần đội tuyển Hà Lan thi đấu. Người dân Kharkov mến khách chắc hẳn chưa bao giờ có những ngày vui như vừa qua. Đối với họ, những cuộc tuần hành, những lễ hội màu cam trên đường phố, ở Quảng trường Tự Do là trải nghiệm không thể nào quên. Nhưng điều mà họ kỳ vọng nhất, đó là được xem một cơn lốc cam trên sân cỏ, thì đã không bao giờ xảy ra. Thần tượng của họ đã chơi như một đội bóng tầm thường.
***
Cuối buổi chiều hôm qua, trên chuyến tàu IC từ Kiev sang Warsaw, tôi lại ngồi giữa những cổ động viên Hà Lan. Họ đang trở về nhà, sau khi giấc mơ đỉnh cao tan vỡ. Họ vẫn cười nói vui vẻ và uống bia rất hăng, nhưng không còn những tiếng reo hò, những điệp khúc “Oranje! Oranje!” vang vọng nữa. Họ như những du khách vừa kết thúc một kỳ nghỉ, nhưng lòng chẳng hề nhẹ nhõm chút nào.
Sáu năm về trước, trong lần đầu tiên gặp những người Hà Lan bay ở thành phố Lahr nhỏ bé, tôi đã viết rằng: “Bất cứ cuộc chơi lớn nào đều trở nên vui hơn khi có họ. Bởi vì điều mà họ mang đến không chỉ là một lối chơi bóng quyến rũ mà còn là không khí hội hè được tạo nên từ những biển người màu cam...”. Bây giờ đây, tôi vẫn nghĩ như thế. Nhưng cái không khí hội hè màu cam đó không còn nữa.
Hôm qua, những người Hà Lan bay đã trở về nhà. Tản mát và rệu rã.
Đỗ Hùng
(từ Kharkov, Ukraine)
Bình luận (0)