Tôi xa quê khi còn nằm trong bụng mẹ, chưa ra đời đã được đi xuyên Việt. Ai hỏi “quê bạn ở đâu?”, tôi thường trả lời dông dài: “Quê mẹ: Nghệ An, quê sinh: Quảng Trị, quê hồi nhỏ và học hành: Bình Thuận, quê sống: Sài Gòn…”. Xa mẹ gần 40 năm. Mấy lần mẹ nhắc và rủ về thăm quê nhưng vẫn chưa đi được. Phần vì quá bận bịu, nhưng cái chính là tình quê chưa đủ mạnh để bỏ hết công việc. Mấy dịp ở Vinh, hỏi thăm, nghe nói đường quê cả trăm cây số. Anh em của mẹ và ba phiêu bạt khắp nơi, chỉ còn có em họ, về đó biết ai mà tìm? Nghĩ thế nên cứ lần lữa.
Lần này quyết chí đi với mẹ về thăm quê. Mẹ mừng lắm. Đi nhằm mùa bão, máy bay “khuyến mãi” thêm nửa giờ bay lòng vòng vì không đáp xuống được. Ai cũng hồi hộp, lo lắng. Khi máy bay vừa chạm đất, mấy trăm hành khách vỗ tay rần rần như vừa xem xong tiết mục xiếc.
Mưa rả rích suốt tuần như trách đứa con bội bạc. Quê mẹ và ba ở Trù Sơn - còn gọi là Kẻ Trù, huyện Anh Sơn. Từ 1963, xã Trù Sơn thuộc huyện Đô Lương, cách Vinh chừng 45 km, còn Anh Sơn thì cả trăm hơn. Gần 60 tuổi, lần đầu theo mẹ về quê, ngỡ ngàng như vào lớp 1. Những con đường đa phần trải xi măng chính giữa hoặc rải sỏi. Những bức tường rêu phong bằng đá tổ ong, bằng gạch tự làm từ đất, vôi trộn cát và cả xi măng… Nhà nào cũng lợp ngói đỏ, loại ngói vảy cá cổ xưa. Nhà nào cũng có vài bạ ụ rơm ngạo nghễ. Làng có rất nhiều trâu trắng, còn gọi là trâu bạc, trâu cò, trâu he... dễ đến cả trăm con. Đội mưa mẹ dẫn tôi đến căn nhà tổ của ông bà nội, nơi mẹ về làm dâu. Căn nhà cổ kính cả trăm tuổi với sân lát gạch, chuồng trâu, cối đá, thềm cao… giờ xiêu vẹo, chẳng còn ai ở. Trong nhà chất đầy nồi đất. Mẹ như một hướng dẫn viên du lịch tận tình và đam mê. Mẹ chỉ: “Chỗ này xưa mẹ trượt té khi con mới 7 tháng tuổi, chưa chào đời, may mà không sao”. Tôi cầm mấy nồi đất, đứng tần ngần giữa mưa, nghe môi mình mặn chát. Tôi đã đi khắp Việt Nam và vài chục nước, đã viết hàng trăm bài báo ca tụng vẻ đẹp khắp nơi, vậy mà chưa một lần về thăm quê, không biết quê mình đẹp và có làng nghề nổi tiếng như vậy!
Mẹ đưa tôi đến nhà Tâm - Nguyễn Thị Tâm - con của chú, một nghệ nhân còn chung thủy với nghề. Nhà có 6 mẹ con, ngoài mấy sào ruộng chỉ trông chờ vào nồi đất. Trời mưa, Tâm vẫn miệt mài dùng “bàn tay phù thủy” biến mấy thỏi đất vô tri thành những sản phẩm sống động. Vừa kể chuyện, vừa làm nồi. Cái bàn xoay đường kính chừng 4 tấc, được điều khiển bằng các ngón chân. Còn bàn tay biến hóa phù phép đất thành nồi. Nghệ nhân chỉ ngồi một chỗ chứ không chạy vòng quanh bàn xoay như làng gốm Bàu Trúc - Ninh Thuận. Vừa kể chuyện xưa, mẹ vừa bỏ dép vào bàn xoay. Thoáng một cái, nắm đất sét biến thành nồi đất kho cá. Mẹ cười rạng rỡ, mãn nguyện như vừa làm xong bài thi tốt nghiệp, mấy nghệ nhân ngỡ ngàng. Bỏ nghề gần mấy chục năm, gần 80 tuổi, mẹ vẫn là nghệ nhân điêu luyện. Tôi cắn môi để không khóc thành tiếng vì hạnh phúc và sung sướng, cố giấu nỗi day dứt và xấu hổ của mình. Mãi một lúc sau mới rụt rè đề nghị: “Tháng 4 năm sau anh mời Tâm và đại diện làng nồi đất Trù Sơn vào Sài Gòn dự ngày hội Du lịch thành phố để biểu diễn”. Mọi người nửa tin, nửa ngờ. Cũng dễ hiểu, bởi lâu nay đâu có ai quan tâm tới họ? Còn mẹ thì hào hứng: “Lúc đó mẹ sẽ vào phụ con một tay, làm nồi cho bà con xem”. Cảm ơn mẹ! Ngàn lần cảm ơn mẹ vì những bài học đơn giản mà thiết thực.
Mẹ bảo: “Con gái Trù Sơn biết làm nồi cũng như biết nấu ăn giặt giũ”. Chẳng ai dạy, cứ nhìn rồi làm theo. Phụ nữ Trù Sơn hình như biết làm nồi từ trong bụng mẹ nên có năng khiếu bẩm sinh - cứ như làm vợ, làm mẹ vậy. Chẳng ai biết chính xác làng nồi có tự bao giờ. Nhiều người kể nghề “vắt đất thành nồi” có nguồn gốc từ huyện Nghi Lộc - nơi lấy đất nguyên liệu để làm nồi. Ngày xưa có cô gái đẹp ở Nghi Lộc về làm dâu Trù Sơn. Theo luật làng, nghề chỉ truyền cho con dâu. Một lần đến thăm con gái, thấy cuộc sống quá khó nhọc, người mẹ phá lệ, bí mật truyền nghề cho gái. Dần dần, nghề nồi ở Nghi Lộc mai một, chỉ còn Trù Sơn. Bởi ở Trù Sơn “không mần nồi lấy chi mà sống!”. Các tài liệu cổ khẳng định “Nghề nồi ở Trù Sơn có từ đầu thế kỷ XIII, một công chúa nhà Trần đi ngang vùng đất này đã truyền lại”. Thời hưng thịnh có đến 90% cư dân Trù Sơn hành nghề, nhưng giờ chỉ còn hơn 1/4. Sản phẩm nồi - gọi chung - gồm trên 30 loại. Từ nồi thường nấu cơm, nồi to nấu nước, nồi nhỏ kho cá thịt đến nồi đình gánh nước, hong xôi, nấu rượu, ủ giá… Từ các loại chảo rang, siêu sắc thuốc đến chén bát, các loại ống nhổ, bầu đựng nước mát, áo chai chứa đựng rượu vang đến cả ảng to đựng hài cốt lúc cải táng. Ngày nay có thêm giỏ treo phong lan, ống đựng tiền, heo đất tiết kiệm... Hễ ai đặt gì là làm, có mẫu thì tốt, không thì cứ nói yêu cầu, các nghệ nhân sẽ làm theo...
Sản phẩm nồi đất Trù Sơn có mặt khắp Việt Nam, vào tận từng gia đình, đến các nhà hàng cơm niêu - kho tộ… Trước chỉ có xe đạp thồ đẩy đi tứ xứ. Mỗi chuyến 5 - 7 ngày hoặc nửa tháng, bán hết mới về. Ngày nay đi xa đã có xe tải, xe đò, còn xe đạp chỉ đẩy chừng trăm cây số đổ lại. Nét riêng của các sản phẩm Trù Sơn là đơn giản, thô mộc, không tráng men, không hoa lá cành, không dùng bất cứ phụ gia nào. Tất cả đều mỏng, nhẹ. Không có độ thấm nước, gõ kêu “boong boong”... rất khó làm giả. Nghề cũng không cần nhiều vốn, chỉ cần chữ Tâm và cả nhà đồng lòng. Đàn ông, con trai (ngày nay có cả phụ nữ) khỏe mạnh thì đi lấy đất ở Nghi Văn, Nghi Lộc - cách Trù Sơn khoảng 10 cây số. Phải đào hết lớp đất màu, qua lớp sỏi đá ong, sâu xuống mới có đất sét. Từ xúc đến cảm đất nào về làm nồi được đều làm bằng tay. Trước chỉ thồ và đẩy, nay có thêm xe tải nhẹ hoặc ba gác. Đất đổ vào góc nhà, góc sân rồi được nhồi bằng tay, đạp bằng chân và giã bằng chày. Màu vàng tạp chuyển thành đỏ hồng, tươi rói, nhuyễn và dẻo quẹo như chả cá thác lác. Những việc này thường của cánh đàn ông.
Công đoạn tiếp theo là của cánh phụ nữ. Đất nhuyễn được vắt thành “rói”- to bằng ngón tay và dài gấp đôi. Các nghệ nhân ngồi vào bàn xoay. Có thêm miếng “khót”- nứa mỏng để làm nhẵn hoặc tạo dáng. Thêm miếng giẻ rách nhúng nước và một ít tro rơm. Đất từ tay biến thành sản phẩm. Đem phơi khô, sau đó nung bằng rơm rạ, hay lá khô chứ không thể đốt bằng củi. Mới vào nghề, chọn đất không đúng, khi nung là nồi “ăn vạ”, nứt - bể lung tung. Lò nung chỉ là mấy viên gạch kiểu bếp ông Táo, xếp chồng nồi lên nhau, hẫng khỏi mặt đất, phủ rơm và đốt, chừng một buổi là xong. Nói thế chứ phải làm đúng bài bản, cẩu thả là nồi “phản kháng”. Năm 2005, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mời 5 nghệ nhân làng nồi ra Hà Nội biểu diễn. Xe tải về làng, chở cả đất, cả lò ra thủ đô. Sung sướng, tự hào nhưng cũng lụi dần theo năm tháng. Làng nghề đang có nguy cơ bị thu hẹp. Biết tôi “ở Nam ra”, ai cũng vồn vã mời vào nhà uống nước - loại chè xanh trong vườn chát ngọt, đậm đà tình quê. Ai cũng mời ở lại ăn cơm. Ai cũng hỏi “Trong đó có việc gì cho bầy tui vào mần với”. Những gia đình khấm khá trong làng đều có người hợp tác đi lao động ở Hàn Quốc hay đi làm thuê chui ở Nga. Có vài nhà nhận đất, nhận rừng, mạo hiểm khai phá. Cũng khấm khá nhưng đầy rủi ro. Họ muốn bỏ nghề là phải, bởi sản phẩm không có đầu ra. Bởi nồi đất không thể cạnh tranh với nồi nhôm, nồi gang, nồi inox và nhiều sản phẩm khác. Mặc dù dùng nồi đất hơi bất tiện nhưng nấu ăn rất ngon và tốt cho sức khỏe. Nấu ăn bằng các nồi khác, kể cả nồi đất tráng men, đều ít nhiều độc hại. Các phương thuốc Đông y đều yêu cầu “phơi khô, hạ thổ” trước khi sắc uống là vậy. Những cái tiện lợi đã lấn át, cộng thêm sự vô tâm của các cấp quản lý, của các phương tiện truyền thông, của thiên hạ và của chính bản thân tôi đang từng ngày tấn công vào làng nghề hơn 700 tuổi. Thật xót xa khi biết giá bán tại nhà mỗi nồi đất kho tộ hay cơm niêu chỉ là 3.000 đồng. Còn mấy chén để khè vàng - giống chén ăn cơm và cao chừng 4 cm - giá chỉ 500 đồng mỗi cái! Chưa kể ngồi mãi một chỗ, nhiều bệnh nghề nghiệp phát sinh. Vậy mà nhiều người vẫn thủy chung, hết lòng với đất.
Cuối tháng 10 này, tôi sẽ trở lại Trù Sơn với tư cách là hướng dẫn viên du lịch, thay cho lời tạ lỗi cùng quê mẹ. Tôi sẽ mời khách uống trà xanh rồi “cưỡi trâu trắng đi khắp làng cổ”. Tham quan và học nghề làm nồi đất rồi chọn cho mình những sản phẩm ưng ý nhất làm quà tặng. Nếu thích, có thể homestay để xem nghệ nhân làm nồi đất và hát dặm hoặc hát đối đáp giữa đêm trăng dân dã... Rồi đi chợ phiên trâu bò ở Đại Sơn, đến thăm cây thị cổ thụ ở Nghi Thịnh, vào Pù Mát gặp những người không biết nằm... Ngày rời quê, tự dưng trời hửng nắng. Tôi biết, mẹ rất vui và ấm lòng vì con sắp làm được vài việc nhỏ, chuộc lỗi với quê nhà.
Nguyễn Văn Mỹ
Bình luận (0)