Về quê làm công nhân

14/08/2010 05:08 GMT+7

Đã có một thời thanh niên nam - nữ nông thôn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ồ ạt rời khỏi đồng ruộng đi về các đô thị, các khu công nghiệp (KCN) ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… tìm sự đổi đời trong các nhà máy. Kết quả của sự dấn thân ấy không như mong đợi, hầu hết họ đều có cuộc sống không tốt đẹp hơn khi còn ở quê nhà.

Thời gian gần đây, chuyện “đi làm công nhân (CN)” của họ bỗng chuyển sang một hướng thú vị khác. Nhiều nhà máy, các KCN đang được xây dựng ở nông thôn. Các CN “miệt vườn” rủ nhau từ bỏ cuộc sống tha hương, trở về làm CN ở nơi chôn nhau cắt rốn.

Nhọc nhằn cuộc sống tha hương

Kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2003, có mấy học sinh “đồng hương” từ huyện Cần Đước đến ở nhờ nhà tôi (TP.Tân An) để thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Long An. Trong số ấy có một em thi rớt, tên Nguyễn Thị Thơ, nên không tiếp tục việc học, mà xin đi làm CN ở KCX Tân Thuận – TPHCM. Mấy năm sau, em Thơ có về thăm vợ chồng tôi. Em cho biết đang làm trong một cơ sở may xuất khẩu, tiền lương CN từ 1,5 – 2 triệu đồng tùy thuộc tăng ca nhiều hay ít. Kể về chi phí cuộc sống ở TPHCM, em liệt kê (trong 1 tháng): Tiền nhà trọ (kể cả điện, nước) 400 ngàn đồng; tiền xe từ nơi ở đến nơi làm 200 ngàn đồng; tiền ăn (sáng và chiều, bữa trưa công ty lo) 500 ngàn đồng; điện thoại 100 ngàn đồng; còn lại dành cho đồ dùng sinh hoạt, chi phí về thăm gia đình (xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước)... Tháng nào suôn sẻ thì còn dư vài trăm ngàn, còn tháng nào bị đau ốm phải nghỉ (vừa mất lương, vừa tốn tiền thuốc) thì không có dư, thậm chí bị âm. Sau 3 – 4 năm đi làm, tài sản đáng giá nhất em mua sắm được là chiếc điện thoại di động (khoảng 2 triệu đồng). Niềm vui chủ yếu của em sau ngày làm việc cũng là chiếc điện thoại đó: Nhắn tin, nói chuyện với gia đình, bạn bè; chơi game, nghe nhạc...

 

Những CN xuất thân từ nông dân.

Em Nguyễn Thị Thu (ấp Phú Thạnh C, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) cũng rời vùng quê nghèo về KCN Tân Tạo, TPHCM làm CN, nhưng hoàn cảnh lại càng khó khăn hơn. Năm 2005, sau khi dứt sữa đứa con đầu lòng, Thu gửi con lại cho gia đình để đi làm kiếm tiền phụ chồng (cũng làm CN ở TP.Mỹ Tho) nuôi con. Tiền lương trên dưới 2 triệu đồng/tháng, trang trải bao chi phí đắt đỏ ở TPHCM, mỗi tháng từ 1 – 2 lần về quê thăm gia đình, cô hầu như chẳng còn dư được gì. Nhưng nỗi khổ lớn nhất của Thu là phải sớm xa con nhỏ, nhiều đêm nằm một mình trong nhà trọ, nỗi nhớ con làm người mẹ trẻ không cầm được nước mắt. Huỳnh Thị Thúy (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, Bến Tre) sau khi tốt nghiệp trung cấp kế toán ở Bến Tre vào năm 2002 cũng đi tìm cơ hội đổi đời ở Cty xây dựng TPHCM. Thu nhập của Thúy thuộc loại khá (3 – 4 triệu đồng/tháng), cuộc sống không đến nỗi chật vật, nhưng càng về sau nỗi khổ tâm của Thúy càng nặng lên, khi ở quê nhà mẹ của cô ngày càng già yếu, mà đứa em trai duy nhất lớn lên đã đi bộ đội. Vì vậy mà tuần nào cô gái cũng chạy xe gắn máy khoảng 250 cây số để về với mẹ.

Theo nhà máy về quê

Năm 2006, tỉnh Bến Tre thành lập KCN Giao Long ở xã An Phước, huyện Châu Thành. Huỳnh Thị Thúy đã không khó để xin vào làm CN ở Cty CP may Nam Long. Chẳng bao lâu năng lực của cô gái đã được thừa nhận, từ CN sản xuất cô được giao làm chuyền trưởng, rồi được rút về làm Phó phòng TCHC phụ trách lao động tiền lương. Khi CĐCS công ty thành lập, cô gái được CN tín nhiệm bầu làm Chủ tịch CĐCS. Thúy cho biết, thu nhập của cô ở đây không thua lúc làm ở TPHCM, trong khi chi phí sinh hoạt thì chỉ bằng một nửa. Nhưng điều làm cô hài lòng hơn hết là được ở gần chăm sóc mẹ lúc về già. Không riêng gì Thúy, mà có gần một nửa trong số hơn 200 CN có mặt đầu tiên trong công ty đã từ TPHCM, Bình Dương, Long An, Tiền Giang... trở về quê nhà Bến Tre làm CN. Chính họ là lực lượng nòng cốt trên dây chuyền sản xuất trong thời gian đầu.

CN Nguyễn Thị Thu trong một lần về thăm con nhỏ ở xã Phú Kiết thấy người ta đang xây nhà máy chế biến thủy sản (Cty CP thực phẩm Hương Quê Việt) cách nhà cô vài cây số. Không chút đắn đo, cô gái đã nộp đơn và trở thành CN đầu tiên của công ty vào cuối năm 2009. Với tay nghề sẵn có và sự hứng thú khi được về làm việc gần nhà, gần con, Thu nhanh chóng được giao làm trưởng bộ phận sơ chế của DN. Cô gái cho biết, hiện thu nhập của cô cao hơn lúc làm CN ở TPHCM, mà chi phí sinh hoạt thì thấp hơn rất nhiều, vì không tốn tiền nhà trọ, tiền xe, rất ít gọi điện thoại, tiền ăn cũng không đáng là bao. Phần lớn thu nhập của cô dành lo cho con, cho gia đình. Nhưng điều làm cô hài lòng hơn hết là hằng ngày, sau khi tan ca 10 phút cô đã được ôm con nhỏ vào lòng... Thu cho biết, khoảng 80% số CN trong công ty là người tại địa phương từng đi làm ở xa về. Số người xin về còn nhiều, nhưng công ty nhận có giới hạn.

 

Quản đốc Dương Quốc Doanh chỉ việc cho công nhân mới. Ảnh: Kỳ Quan.

CN Nguyễn Thị Thơ (xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) mới đây cũng nghỉ làm ở KCX Tân Thuận trở về quê làm CN. Do các dự án công nghiệp ở xã Long Hựu Đông và xã Phước Đông kề bên đang trong giai đoạn triển khai, họ chưa thu tuyển CN, nên Thơ tạm làm trong bưu điện xã. Tuy tiền lương chỉ 700 – 800 ngàn đồng/tháng, nhưng cô gái thấy cuộc sống “dễ thở” hơn lúc làm CN ở KCX Tân Thuận. Cô gái còn có thời gian phụ gia đình việc đồng ruộng, rồi dạy dỗ đứa em nhỏ học lớp 6. Cô gái đang chuẩn bị làm CN trên chính quê mình.

CN vùng Đồng Tháp Mười

Trong vài năm qua, ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) thuộc tỉnh Long An như Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa đã mọc lên hàng chục nhà máy hiện đại. Theo ông Nguyễn Văn Truyền – Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hoá - ban đầu các nhà đầu tư rất dè dặt, vì họ sợ nguồn nhân lực ở ĐTM không đáp ứng được cho sản xuất công nghiệp. Thế nhưng, khi các nhà máy đầu tiên ra đời, tình hình diễn ra khá thuận lợi. Nhiều CN trẻ là người địa phương đang đi làm ở xa đã rủ nhau về quê làm CN. Trường hợp Nhà máy sản xuất rau quả An Nan (xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa) là một thí dụ. Với công nghệ hiện đại, yêu cầu kỹ thuật cao, vốn đầu tư lớn (20 triệu USD), nhà máy đã hoạt động hiệu quả ngay từ khi khai trương năm 2008, một phần nhờ vào lực lượng CN có tay nghề từ các nơi về đây làm việc.

 

Một nhà máy hiện đại mới mọc lên giữa vùng Đồng Tháp Mười.

Khi Cty may TG (xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) ra đời năm 2008, trong số những CN có mặt từ đầu, người ta thấy có một chàng trai nhà ở xã Tân Hòa cách không xa nhà máy. Anh tên Dương Quốc Doanh, học Trường Trung cấp Kỹ thuật may và Thời trang 2 Thủ Đức, ra trường làm kỹ thuật cho một DN may ở TP.Tân An. Về quê nhà làm việc cho Cty may TG, chẳng bao lâu anh được giao làm xưởng trưởng. Cùng có mặt từ đầu như Doanh là CN Bùi Văn Lượm (xã Kiến Bình, từng làm CN ở TPHCM), nay là tổ phó; CN Bùi Thị Mộng Tuyền (xã Kiến Bình, từng làm CN ở Bình Dương) là cán bộ khung... Trường hợp cô gái trẻ Lê Thị Bích Trâm (SN 1988) càng thú vị hơn. Nhà ở TP.Tân An, Trâm học Trường TH Công nghiệp TPHCM, nhưng lại về ĐTM làm CN ở Cty may TG, vì đây là vùng đất huyền thoại mà cô gái trẻ muốn khám phá. Chỉ sau 2 năm làm việc, cô gái 22 tuổi đã được giao làm Trưởng phòng TCHC kiêm phụ trách tổ chức công đoàn. “Ở đây lãnh lương cao, nhưng ít chuyện xài, nên tiền còn hoài” – CN Lượm nói.

 

Tan ca, CN Cty Annan đi bộ về nhà.

Ông Trương Tuấn Khanh – GĐ Cty may TG Tân Thạnh – cho biết, có đến hơn 80% số CN của công ty là người tại chỗ, trong đó khoảng 50% từng làm CN các nơi, số còn lại công ty mới đào tạo. Cũng theo ông Khanh, số CN từ các nơi về có vai trò rất quan trọng đối với nhà máy trong giai đoạn đầu đi vào hoạt động. Nhờ tay nghề, tác phong công nghiệp sẵn có, họ hình thành nên bộ khung, giúp dây chuyền sản xuất vận hành được ngay, không cần trải qua thời gian tập sự. Do đặc thù vùng nông nghiệp ĐTM, người dân nơi đây phải trải qua thời gian dài hơn, gian nan hơn để trở thành CN thực thụ. Ông Khanh cho biết, trong 1 năm đầu, số CN mới đào tạo vẫn còn thói quen nông dân, chẳng hạn: Muốn nghỉ là nghỉ; xin nghỉ phép để đi... đám giỗ nhà hàng xóm; thấy công cắt lúa tăng cao đã bỏ nhà máy về đi cắt lúa, đến khi hết mùa lúa đến công ty năn nỉ xin trở vào làm CN... Nhiều CN khi nghe nói ở TPHCM lương cao hơn đã rủ nhau bỏ việc ra đi, sau vài tháng về TPHCM sống không nổi đã rủ nhau quay về...

Sự lột xác nào mà chẳng khó khăn, con đường để người nông dân ĐTM trở thành CN chuyên nghiệp cũng không thể bằng phẳng, nhưng con đường công nghiệp hóa – hiện đại hóa vùng ĐTM vẫn đang diễn ra tốt đẹp từ những CN – nông dân ấy!

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.