Tuấn Trần với tác phẩm Về quê LẬP NGHIỆP |
Ảnh: NVCC |
Khi viết về Tuấn Trần với Về quê LẬP NGHIỆP (NXB Dân trí phối hợp SaigonBooks ấn hành, tháng 8.2021), tôi nhớ đến lời của nhà văn Nguyễn Khải viết trong truyện ngắn Mùa lạc: “… ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”.
Tôi cũng nhớ đến câu nói của doanh nhân Ngô Văn Tụ, Giám đốc điều hành Công ty Sữa đậu nành Việt Nam - người làm nên thương hiệu Vinasoy nổi tiếng: “Kỹ năng có thể rèn, kiến thức có thể học và cập nhật, nhưng ý chí và tinh thần không bỏ cuộc thì phải được tôi luyện từng ngày”.
Tác nhân thay đổi
Nếu mỗi người đều ấp ủ một tầm nhìn về sự khác biệt trong cuộc sống của người khác từ công việc và thành tựu của chính mình, hẳn sẽ thấu hiểu được nghĩa lớn: Mọi người đều sống tốt thì chúng ta sẽ có một cộng đồng tốt, một môi trường tốt.
Khi giúp ai đó bằng cách cho tiền, đồ ăn hay những thứ tương tự, thì đó chỉ là giải pháp tạm thời. Khi không còn được ai cho nữa, thì cuộc sống của người đó có thể sẽ trở lại cơ cực như trước. Đó cũng là điều mà nhiều người nhận ra rằng, chỉ có tri thức để lập nghiệp thành công mới là cái giúp cho con người ta tồn tại, tự lập được trong cuộc sống. Với hành trình lập nghiệp, nếu như ai đó tận tâm chỉ dẫn cách làm được những chiếc cần câu hoàn hảo, tường tận cách câu từng loại cá trong nhiều môi trường và điều kiện khác nhau, thì “thế nào cũng sẽ có cá để ăn thôi”.
Tôi nghĩ mỗi người đều là tác nhân thay đổi xã hội, mọi việc làm đều có ảnh hưởng đến những người xung quanh. Không nhất thiết phải là những điều quá to tát như thay đổi thế giới, mà chỉ cần mình sống tốt, ảnh hưởng tích cực đến gia đình, bạn bè..., thì đã là một tác nhân thay đổi rồi!
Tuấn Trần cũng như bao người trẻ khác, có nhiệt huyết, có đam mê, có năng lực, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội... Những ước mơ lớn dần theo thời gian, nhưng nếu không hành động thì mọi thứ vẫn như vậy. Điều rất khác biệt, với Tuấn Trần, là anh đã thực chiến từ những việc rất nhỏ khi tuổi lên 10, vượt qua những thách thức rất lớn, để trụ vững trong suốt hành trình lập nghiệp của bản thân.
Với Về quê LẬP NGHIỆP, Tuấn Trần không chỉ dừng lại ở việc truyền cảm hứng, nhiệt huyết cho những người trẻ trong hành trình lập thân, lập nghiệp, mà dường như anh luôn mong muốn thôi thúc người trẻ phải học từ trong thực tế, phải bắt tay vào thực hiện các dự định của mình, biết cách vượt qua những thử thách, “né” được rủi ro thất bại để đạt thành công.
Với Về quê LẬP NGHIỆP, Tuấn Trần cũng mong muốn mang đến cho người trẻ một góc nhìn chân thật nhất về lập nghiệp thành công trong cuộc sống. Bởi, dù mọi người có hướng dẫn và tạo điều kiện, dù môi trường có tốt đến đâu nhưng nếu người trẻ không thực chiến, thì mọi thứ vẫn như vậy. Những người đi trước có thể chỉ ra con đường, nhưng việc có đi trên nó hay không, có đi tới đích hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào chính mỗi người trẻ.
Cơ nghiệp mới
Không thể thành công nếu không có nguyên lý để thành công và tuân thủ một cách sáng tạo nguyên lý đó. Cuộc đời dường như cũng không ngẫu nhiên chọn ai để “hóa rồng, hóa hổ” cả. Không phải ai cũng có năng lực thiên phú đón nhận và phát huy “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để tạo lập thành công xuất chúng. Các yếu tố để “hóa rồng, hóa hổ” trong hành trình lập nghiệp vốn dĩ rất nhiều và khác biệt trong từng hoàn cảnh, nhưng tôi nghĩ, để lập nghiệp thành công, ai cũng cần phải tìm ra được “bản mã gốc cho công thức thành công” của riêng mình, tự định vị được mình, có năng lực khởi nghiệp, nỗ lực trường kỳ, trí tuệ, có phông văn hóa để giải mã cho bằng được những chọn lựa và cả những thách thức đối mặt.
Khi bạn đọc cầm trên tay cuốn sách Về quê LẬP NGHIỆP, thì Tuấn Trần đã trải qua hành trình cuộc đời ở cột mốc tuổi 40, với chặng đường hơn 10 năm lập thân, lập nghiệp trên chính quê nhà Quảng Ngãi, và gần 10 năm bôn ba nơi đất khách với những cảm nhận sâu sắc nhất sự thú vị đến từ thực tế trải nghiệm.
Tuấn Trần đã kiên nhẫn trải qua hành trình: Đi theo, học theo, làm theo, làm thay, khởi nghiệp và làm chủ. Hành trình ấy, tôi nhận thấy, với Tuấn Trần, luôn lũy tiến với những “nguyên liệu” để bắt đầu: cần cù, cầu tiến, kiên định, quyết đoán, tập trung, tinh anh, điềm đạm, tín nghĩa, tâm sáng, biết ơn…
Với sự nghiệp kinh doanh, công việc thương trường, Tuấn Trần mặc định là “chuyện thường ngày mà doanh nhân nào cũng phải lo”. Nhưng với Về quê LẬP NGHIỆP, Tuấn Trần lại xem đó là cơ nghiệp lớn của đời mình. Cơ nghiệp ấy của anh, là góp sức đầu tư tương lai vào người trẻ, hướng đến 2 mục tiêu cao đẹp: tiếp sức cho 100.000 thanh niên trẻ lập nghiệp tại quê hương và gây quỹ phổ cập bơi cho 10.000 trẻ em vùng lũ Việt Nam.
Về quê LẬP NGHIỆP là sự gợi mở phương cách “giải mã được những mật mã của chính mình”. Cuốn sách như một “mảnh ghép hoàn chỉnh cho một bức tranh về lập nghiệp”, mà ở đó người đọc thấu cảm được những dung dị, gần gũi, thấy được những chiêm nghiệm trong tâm thức của chính mình, để cùng kỳ vọng điều vi diệu có thể đến với bất kỳ ai.
Tặng gì cho bằng tặng chữ! Hãy ra đi để được trở về! Khởi nghiệp ở quê nhà bằng tinh thần của “thế giới phẳng”, tại sao không.
Bài học về văn hóa
Tôi đọc Về quê LẬP NGHIỆP của Tuấn Trần với rất nhiều thích thú. Cái tôi thích đầu tiên là nó không dạy đời, dù những bài học từ cuốn sách lại khiến người đọc muốn học và hiểu cho thấu đáo…
Trong rất nhiều bài học mà Tuấn Trần đã đúc kết được, đã viết ra, có một bài học không chiếm nhiều giấy, nhưng theo tôi, lại cực kỳ quan trọng: Đó là bài học về văn hóa… Với người lập nghiệp, văn hóa như là nước cho cá vẫy vùng. Nước ấy càng trong, càng sâu thì cá càng cảm thấy “mình chủ được mình”
Cuốn sách mà tôi cần
Đúng lúc tôi đang tìm một cuốn sách để giúp cho các bạn trẻ chung quanh tôi hiểu thấu rõ thế nào là khởi nghiệp thì tôi nhận được Về quê LẬP NGHIỆP trong tay, từ bạn Tuấn Trần. Đúng là cuốn sách mà tôi cần để minh họa cho các bạn trẻ đang khởi nghiệp những gì phải làm và những gì phải tránh khi khởi nghiệp. Thành thử cuốn sách quý báu đối với tôi làm sao! Và nó đến với tôi đúng thời điểm làm sao!
Khiêm cung
Bạn cho mình thấy hình ảnh một chàng trai viết sách như cuộc sống, chia sẻ để mình sống tốt hơn, bằng một sự hàm ơn vô biên với cuộc đời, với con người, chứ không phải tự huyễn hoặc bản thân. Mình hình dung ra ở bạn một thứ văn hóa “cúi đầu” khác hoàn toàn với hàm nghĩa mà bạn đã đề cập trong sách. Đó là sự “cúi đầu” của đức khiêm cung!
Bình luận (0)